Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 03:15 (GMT +7)
Loạn thuốc, thực phẩm chức năng trên chợ mạng
Thứ 3, 02/07/2024 | 06:47:11 [GMT +7] A A
Thuốc, thực phẩm chức năng, theo những quy định hiện hành đều là những mặt hàng kinh doanh với những điều kiện hết sức khắt khe. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thì các mặt hàng đặc biệt này lại đang được bán một cách tuỳ tiện trên chợ mạng.
Là một bà mẹ có con nhỏ, chị N.T.D (35 tuổi, TP Hạ Long) tích cực tham gia vào nhóm chia sẻ kinh nghiệm nuôi con trên mạng xã hội. Một lần, khi chia sẻ về tình trạng viêm mũi dị ứng thường xuyên khi thay đổi thời tiết của con, chị nhận về không ít chia sẻ của các phụ huynh đồng cảnh ngộ, và cùng với đó là cả các tài khoản bán thuốc, thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh. Trong đó, nhiều tài khoản chỉ là người bán hàng bình thường, cũng sẵn sàng tư vấn như một bác sĩ thực thụ.
Chị N.T.D chia sẻ: Mình được một tài khoản tư vấn một loại thuốc tên là iliadin, được xách tay trực tiếp từ Singapore, có thể chữa viêm mũi dị ứng cho con, có thành phần từ thảo dược nên rất an toàn cho trẻ. Bán tín bán nghi, mình đưa con đi bác sĩ và hỏi về thuốc này thì mới được biết đấy là một loại thuốc có chứa Oxymetazoline và không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, thậm chí là có tác dụng phụ nếu như dùng quá liều hoặc trong thời gian dài…
Cũng trong thời gian gần đây, với mục đích tăng cường trí nhớ, “bổ não” cho con trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT, không ít phụ huynh đã tự mua các loại thuốc được quảng cáo trên các hội nhóm với “siêu” tác dụng như tăng sự tập trung 200%, tăng 5 lần khả năng nhớ bài… như Ritalin hoặc Modafinil.
Song, theo các bác sĩ có chuyên môn về thần kinh, thực tế cả hai loại thuốc Ritalin và Modafinil dù giúp tăng khoảng 5-10% khả năng tập trung của đối tượng có chẩn đoán mắc hội chứng giảm chú ý trong thời gian ngắn, tuy nhiên, những loại thuốc này là thuốc kê đơn và có chỉ định sử dụng đặc biệt khắt khe.
Trên thực tế, không khó tìm kiếm để mua bất cứ một sản phẩm gì trên mạng, kể cả thuốc, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, điều đáng nói, bên cạnh các đơn vị bán thuốc có uy tín, có cửa hàng thuốc đạt tiêu chuẩn sử dụng thêm các kênh bán hàng online, thì việc có không ít những cá nhân dù không một ngày học dược, không có một chút kiến thức nào về y khoa, nhưng vẫn bất chấp sức khoẻ của người khác để kinh doanh.
Theo Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Một sản phẩm được quy định là thuốc, kể cả bắt buộc phải được bác sĩ kê đơn hay không cần kê đơn cũng phải được bán trong các cửa hàng đảm bảo điều kiện về bảo quản, cất giữ thuốc, người bán hàng phải là dược sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. Còn đối với thực phẩm chức năng, việc kinh doanh cũng phải được đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, người bán được tập huấn các kiến thức về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm thuốc đều phải được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành; đối với thực phẩm chức năng phải được công bố sản phẩm. Các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài phải được nhập khẩu chính ngạch, có tem nhãn và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt để không gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Bên cạnh tác dụng chữa bệnh hay hỗ trợ sức khoẻ, thì các sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng đều có thể mang lại các tác dụng phụ nếu như sử dụng sai cách. Hằng năm, tại các bệnh viện đều tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện do tác hại của các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định được mua trên chợ mạng.
Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chia sẻ: Thuốc hay thực phẩm chức năng thì cũng cần phải sử dụng dưới sự hướng dẫn, tư vấn của các bác sĩ, phù hợp với nhu cầu hay tình trạng của cơ thể. Đã có những trường hợp chúng tôi tiếp nhận bệnh nhi phải nhập viện dưới tình trạng ngộ độc chì do các phụ huynh tự ý mua thuốc “cam” trên mạng với hy vọng trẻ ăn ngủ tốt hơn. Thậm chí, có những loại vitamin, phụ huynh chỉ nghĩ đơn thuần là để tăng cường sức khoẻ, không hại gì, nhưng thật ra hoàn toàn không phải vậy. Sử dụng vitamin D quá liều và kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc, gây suy thận cấp ở trẻ.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trước thực trạng thuốc được rao bán tràn lan trên mạng và các sàn giao dịch điện tử, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Văn Khánh, Chánh thanh tra Sở Y tế, đối với cơ quan y tế, hiện vẫn đang tồn tại không ít những khó khăn trong việc xử lý các hành vi kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng, bởi việc xác định đối tượng buôn bán là rất khó, phạm vi rộng, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan khác. Song, cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng tại các địa chỉ tin cậy, không nên mua từ các cá nhân, tổ chức không rõ ràng trên mạng, đặc biệt tuyệt đối không mua thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo "xách tay", không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng để tránh “tiền mất - tật mang”.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()