Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:52 (GMT +7)
Lời Bác dạy từ chiến thắng trận đầu
Thứ 2, 05/08/2013 | 15:37:07 [GMT +7] A A
Ghi nhận thành tích của quân và dân Quảng Ninh sau hơn 1 năm hợp nhất tỉnh, Tết Ất Tỵ (năm 1965), Bác Hồ về chúc Tết ở Vùng mỏ. Bác khen quân và dân Quảng Ninh trong ngày 5-8-1964 đã góp phần cho bọn đế quốc hiếu chiến Mỹ một bài học đích đáng.
Đánh thắng trận đầu trên sông Cửa Lục
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Tống Khắc Hài, sau phong trào Đồng khởi năm 1960, đế quốc Mỹ hết sức lúng túng dù đã lê máy chém đi khắp miền Nam theo Luật 10-59. Quốc hội Mỹ tranh luận gay gắt với nhau là nên hay không tiếp tục đưa quân trực tiếp vào tham chiến ở Việt Nam nhưng cuối cùng tên đế quốc hiếu chiến này đã quyết định đưa miền Bắc nước ta trở về thời kỳ đồ đá, không còn đủ lực để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đảng ta và Bác Hồ đã sớm dự báo được tình hình nên đã có sự chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc trường kỳ kháng chiến này.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Bác Hồ, Tỉnh uỷ Quảng Ninh dù mới được hợp nhất đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tập luyện các phương án đánh trả chiến tranh phá hoại của hải quân và không quân Mỹ.
Ngày 6-5-1964, Tỉnh uỷ Quảng Ninh ra Nghị quyết về công tác trị an; ngày 19-5-1964, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp ra Nghị quyết số 18NQ/TU “về nhiệm vụ chính trị và những công tác lớn cần tập trung chỉ đạo năm 1964”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải tăng cường nhiệm vụ trị an, quốc phòng; đến ngày 8-7-1964, Tỉnh uỷ tiếp tục ra Nghị quyết số 25NQ/TU “về một số vấn đề trước mắt để đối phó với tình hình âm mưu mới của địch”.
Tỉnh uỷ nhận định, xuất phát từ đặc điểm xung yếu của tỉnh, địch có thể gây ra các hành động phá hoại như dùng máy bay ném bom các mục tiêu, nhất là các thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí. Vì thế, Tỉnh uỷ chỉ đạo phải tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, phải tập báo động; các LLVT phải tổ chức xong hệ thống quan sát máy bay địch và tích cực huấn luyện, hợp đồng chiến đấu.
Cùng với cả nước, các LLVT và nhân dân Quảng Ninh đã tích cực củng cố lực lượng, tập luyện các phương án tác chiến để không bị bất ngờ trước bất cứ tình huống nào. Và trong trận đánh đầu tiên ngày 5-8-1964 đã chứng minh điều đó.
Các CCB Hải quân ôn lại chiến thắng trận đầu trên sông Cửa Lục ngày 5-8-1964 (ảnh chụp 1-8-2013) . |
Cũng theo nhà nghiên cứu lịch sử Tống Khắc Hài, trưa 5-8, lúc 12h10’, Tiểu đoàn phòng không cao xạ 217 nhận được thông tin tốp thứ 32 gồm 12 máy bay của Mỹ đã cất cánh, bay theo đội hình mũi tên, cách vùng biển Quảng Trị 300km, đang tiến vào vùng biển Hòn Gai. Khi gần đến Hòn Gai, chúng bay lên độ cao 12 ngàn mét, lượn 1 vòng rộng, rồi 1 vòng hẹp. Bất ngờ 2 chiếc lao xuống độ cao 7 ngàn mét, lượn tiếp nửa vòng rồi lao xuống quân cảng của ta (vị trí Cảng dầu B12 ngày nay) vừa trút bom, vừa phóng rốc-két, làm 3 tàu của hải quân ta hư hỏng nhẹ.
Pháo phòng không của ta đã phóng hoả chặn đánh và trong loạt đạn pháo đầu này, đội hình máy bay siêu thanh, phản lực của không quân Hoa Kỳ đã rã đội hình. Một chiếc trúng đạn lao hướng Cát Bà và đâm xuống Vịnh Bắc Bộ.
Sau khi bay ra xa để trấn tĩnh, chúng thay đổi chiến thuật bằng cách lao vào theo tốp từ 2 đến 3 chiếc một. Các loại pháo, súng của ta đồng loạt nhằm thẳng máy bay địch bắn và chiếc thứ hai bị bắn rơi xuống khu vực Cửa Dứa, chiếc thứ ba cũng rơi xuống Vịnh Hạ Long nhưng ở bên phía Hà Tu thẳng ra. Như vậy, trong trận đầu đánh Mỹ, chỉ trong khoảng 20 phút, quân và dân Quảng Ninh đã bắn rơi 3 máy bay, bắt sống một giặc lái. Đây là lần đầu tiên máy bay phản lực, siêu thanh của Mỹ bị bắn rơi.
Chiến thắng trận đầu này có ý nghĩa to lớn là tạo niềm tin, sức mạnh cho ta, bởi trước nay nhiều người vẫn nghi ngại về khả năng bắn được máy bay phản lực của không quân Hoa Kỳ bay với vận tốc nhanh hơn tiếng động. Chiến thắng này đã mở ra giai đoạn đánh thắng, bắn rơi hàng ngàn máy bay hiện đại của không lực Hoa Kỳ, tiến đến trận Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Sau chiến thắng trận đầu, đến chúc Tết Ất Tỵ (1965) ở Vùng mỏ, Bác Hồ khen quân và dân Quảng Ninh trong ngày 5-8-1964 đã cho bọn đế quốc hiếu chiến Mỹ một bài học đích đáng. Thực hiện lời dạy của Bác, quân và dân Quảng Ninh những năm sau đó tiếp tục hăng say huấn luyện, chiến đấu kiên cường, gan dạ, sáng tạo, trong vòng 2 năm đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ.
Ngày 19-8-1966, Hồ Chủ tịch gửi thư khen quân và dân Quảng Ninh bắn rơi 100 máy bay Mỹ.
Trong thư Bác viết: “Ngày 5-8-1964, trong trận đầu tiên giặc Mỹ dùng không quân phá hoại miền Bắc nước ta, quân và dân Quảng Ninh đã chiến thắng vẻ vang, bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Liên tiếp chiến công, đến ngày 15-8 năm nay, Quảng Ninh đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, đồng thời dũng cảm khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta. Quân và dân Quảng Ninh hãy phát huy truyền thống anh hùng của đất mỏ, luôn đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, đánh tan mọi âm mưu tội ác của giặc Mỹ, lập nhiều thành tích chiến đấu và sản xuất to lớn hơn nữa”.
Chuyện về người lĩnh bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên ở miền Bắc
Ngày 1-8 vừa qua, tại buổi gặp mặt của các CCB Hải quân tỉnh nhân kỷ niệm 49 năm đánh thắng trận đầu, tuy chưa được gặp CCB nào trực tiếp tham gia đánh trận đầu, nhưng chúng tôi mừng khôn xiết khi biết tin cả ba người lính đã bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên E.An-vơ-rết ở miền Bắc, đều vẫn còn khoẻ mạnh, minh mẫn.
Tôi nhớ trước kia, mọi người vẫn cho rằng E.An-vơ-rết bị 2 bố con ông thuyền chài ở Cẩm Phả bắt khi hắn nhảy dù xuống Vịnh. Đến dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập tỉnh (năm 2003), có một bài báo viết về ông Nguyễn Kim Bảo, người chỉ huy nhóm 3 người bắt E.An-vơ-rết, khi ấy ông 75 tuổi và sức khoẻ đã yếu.
Ngay chiều 1-8, nhóm phóng viên chúng tôi đã về TP Cẩm Phả để tìm gặp ông Bảo. Nhà ông Bảo nằm ngay sau Bưu điện Cọc Sáu (phường Cẩm Phú). Rất may là cả hai ông bà đều có nhà. Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi, ông Bảo vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn lắm. Ông vẫn nhớ và kể rành rọt với chúng tôi về chuyện bắt tên E.An-vơ-rết năm xưa, về cuộc đời binh nghiệp của ông.
Ông Bảo sinh năm 1929, ở xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1952, ông nhập ngũ, vào Trung đoàn 98, Sư 316. Sau khi tham gia đánh trận Điện Biên Phủ, ông về tiếp quản Thủ đô và chuyển qua một số đơn vị khác rồi về Quân khu Đông Bắc, làm công tác cơ yếu ở đơn vị bộ đội C7 trên đảo Cô Tô từ năm 1962.
CCB Nguyễn Kim Bảo và vợ là bà Hoàng Thị Trắc trò chuyện cùng PV. |
Cựu chiến binh Nguyễn Kim Bảo nhớ lại: Khoảng 8h sáng 4-8-1964, theo lệnh của Trung uý, Đại đội trưởng Lâm Văn Xanh, lúc đó ông là chuẩn uý cùng hai chiến sỹ nữa là binh nhất Lê Văn Lộc (hiện nhà ở sau chợ Tiên Yên) và binh nhì Nguyễn Đình Giang (hiện nhà ở phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả) đi thuyền buồm vào Quân khu để báo cáo tình hình công việc, kết hợp với lấy quân nhu, lương thực cho đơn vị.
Xong việc, tầm 9 giờ sáng hôm sau 5-8-1964, tổ công tác rời Bãi Cháy về Cô Tô nhưng do lặng gió, ngược dòng nên chèo mãi mà thuyền vẫn chưa ra khỏi được Vịnh. Tầm hơn 2 giờ chiều, ông Bảo và các chiến sỹ trên thuyền nghe những loạt pháo nổ rền trên nền trời hướng vào những chiếc máy may của Mỹ. Ít phút sau, ông thấy một chiếc máy bay trúng đạn, bốc cháy, đâm nhào xuống biển cách thuyền ông chừng vài trăm mét, khói bốc lên đen kịt, nước biển chỗ ấy sôi sùng sục.
Đang định đi thu chiến lợi phẩm là chiếc dù thì các ông phát hiện viên phi công trong bộ đồ bay đang khua khoắng để khỏi chìm. Lôi được tên phi công lên thuyền, ông Bảo và đồng đội sau khi thu dao găm, bật lửa và giấy tờ của E.An-vơ-rết liền trói hắn vào cột buồm, phủ vải buồm lên để phòng máy bay Mỹ quay lại cướp mất tù binh. Lúc đó ông Bảo cầm khẩu K54, ông Giang cầm khẩu CKC, ông Lộc giữ khẩu AK vẫn chắc tay súng và luôn cảnh giác cao độ để sẵn sàng chiến đấu khi máy bay Mỹ quay lại.
Sau khi máy bay địch rút xa, thấy viên phi công hãy còn run lẩy bẩy, ông Bảo châm cho hắn một điếu thuốc. Ngồi chờ chừng một tiếng sau, ông Bảo thấy tàu của đơn vị bộ đội hải quân ra, các ông liền bàn giao tù binh và tang vật cho các chiến sỹ hải quân.
Về Cô Tô, ông Bảo và đồng đội đã báo cáo lại với chỉ huy đơn vị việc bắt được tên giặc lái Mỹ trên Vịnh Hạ Long. Trước ngày ông lên đường đi vào chiến trường miền Nam (4-9-1964), ông nhận được bằng khen, còn ông Lộc, ông Giang nhận được giấy khen của Quân khu tặng vì đã có thành tích bắt sống được tên phi công Mỹ.
Vào chiến trường miền Nam, ông Bảo chiến đấu rất anh dũng, năm 1968 ông bị thương khi đang chiến đấu ở Bình Định. Sau đó, ông được điều ra Bắc và đến năm 1973 thì về hưu. Ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương vì có thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ông Bảo tâm sự, ông Lộc sau sự kiện bắt giặc lái Mỹ cũng đi B và chiến đấu, công tác ở chiến trường miền Nam gần 20 năm. Ông Giang thì công tác tại Xưởng 48 Hải quân.
Ông Lộc, ông Giang vẫn giữ liên lạc và thỉnh thoảng đến thăm, ôn lại kỷ niệm cũ với ông Bảo. Tuy tuổi cao, sức không còn được như năm nào, nhưng những người lính già ở tuổi trên 80 mươi này vẫn nhớ và gương mẫu làm theo những lời Bác Hồ dạy để cháu con noi theo, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giầu đẹp, văn minh.
Ngọc Hà - Nguyễn Duy - Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()