Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:14 (GMT +7)
Lối đi riêng của nhà làm phim Việt độc lập
Thứ 5, 22/08/2024 | 07:39:34 [GMT +7] A A
Các nhà làm phim trẻ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện phim độc lập, song đối với họ đó cũng là hành trình xây dựng tiếng nói cá nhân.
Các nhà làm phim Việt trẻ cùng có mặt chia sẻ về con đường làm phim đầy thách thức nhưng cũng không kém phần thú vị của họ trong một tọa đàm dành cho khán giả yêu phim tại Hà Nội. Trao đổi về việc thực hiện các dự án phim độc lập với nguồn lực hạn chế, các nhà làm phim đều cho biết đó là hành trình lâu dài, phải cân đối nhiều yếu tố để một bộ phim có thể đi từ ý tưởng mơ hồ đến rạp.
Vừa xây dựng vừa tìm kiếm
Phạm Ngọc Lân, đạo diễn phim dài “Culi never cries” (Cu li không bao giờ khóc) kể về việc những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện khiến anh quyết định điều chỉnh và sản xuất phim như một bộ phim đen trắng. Bộ phim sau đó đã đạt giải thưởng phim dài đầu tay xuất sắc nhất liên hoan phim Berlin lần thứ 74.
“Ban đầu tôi cũng chưa có ý tưởng cụ thể mà vừa viết vừa phát triển. Tôi tìm kiếm và duy trì một ‘không khí chung’ của dự án phim. Còn những phong cách thể hiện, điều chỉnh đến từ ý kiến của mọi người thì mình cũng trao đổi khá thoải mái và cố gắng tính toán kĩ để phù hợp với điều kiện và kinh phí của tác phẩm".
Trong Culi never cries, sau khi nhận tro cốt của người chồng xa cách từ lâu ở Đức, một người phụ nữ trở về quê hương Việt Nam, mang theo một con cu li. Cháu gái trẻ của người phụ nữ thì đang chuẩn bị đám cưới. Phim đan xen câu chuyện của các nhân vật trên quá trình tìm lại quá khứ và mở ra tương lai.
Phạm Ngọc Lân cho rằng nói đến vừa làm phim vừa nghĩ đến khán giả, mỗi dự án sẽ có những "luật" riêng, các yếu tố về diễn viên, nhân vật. "Ở góc nhìn của tôi, điều đó có nghĩa là tôn trọng khán giả, bằng sự thành thật với chính mình của nhà làm phim”.
Nhà sản xuất/đạo diễn đến từ TP.HCM Nguyễn Lương Hằng nói về phim ngắn cô thực hiện gần đây – “Supermarket affairs” (Chuyện siêu thị). Người mẹ và con gái là người nhập cư Việt Nam ở Mỹ. Trong một buổi mua đồ tại siêu thị/chợ châu Á chuẩn bị cho ngày giỗ chồng/cha của họ, hai mẹ con gặp một người đàn ông lạ ưa nhìn và kéo theo đó mở ra những câu chuyện mâu thuẫn phức tạp trong gia đình này.
Phim đã được trình chiếu tại LHP Châu Á Osaka, Palm Springs và Nashville cùng các liên hoan phim khác và đã giành được một số giải thưởng. Nguyễn Lương Hằng cũng đảm nhận vai trò nhà sản xuất cho Thưa mẹ con đi (2019) của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Hằng cho biết những cảm hứng cho bộ phim được tích lũy theo thời gian từ chính cuộc sống cá nhân, mối quan hệ giữa cô và mẹ, trải nghiệm về thời gian sống và làm việc tại Mỹ. Mang hơi hướng của một phim bi hài kịch, đây không chỉ là câu chuyện về những thế hệ khác nhau, mà còn là câu chuyện về người Việt Nam, những người nhập cư, người Việt ở nước ngoài.
Theo Hằng, khi làm việc trong môi trường quốc tế, các yếu tố như sự khác biệt về văn hóa sẽ ảnh hưởng đến việc nhà làm phim chọn cách biểu đạt. Cô đôi khi cũng phải điều chỉnh trong các dự án phim của mình, để có thể đưa câu chuyện đến với khán giả một cách tốt nhất. “Song cũng phải đặt ra ranh giới về những thứ thuộc về tiếng nói riêng của nhà làm phim”.
Phải thuyết phục chính mình
Với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của Thưa mẹ con đi, quá trình xây dựng các dự án phim là quá trình tìm sợi dây kết nối giữa các ý tưởng với nhau, giữa nhà làm phim và nhà sản xuất, dự án... Và để theo đuổi một dự án nào, thì cũng “cần phải thuyết phục rất nhiều người”.
“Đối với phim thương mại hay phim chuyển thể thì điều này còn quan trọng hơn nữa. Không chỉ nhà làm phim Việt Nam mà các nhà làm phim nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng các yếu tố với nhau, mà mình sẽ phải cố gắng vận hành cùng với những mong muốn khác nhau đó”.
Phim truyện điện ảnh thứ ba của Trịnh Đình Lê Minh, chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình, sẽ ra mắt vào tháng 11/2024.
“Tôi hiểu tinh thần của tác phẩm gốc, còn điểm nhìn trong phim là của đạo diễn. Đối với khán giả, tôi cố gắng để có thể mở ra những cánh cửa để họ đến với phim của mình”.
Hà Lệ Diễm, đạo diễn phim tài liệu “Children of the Mist” (Những đứa trẻ trong sương) về đoạn đường trưởng thành của cô bé Di người Hmong cho biết cô cũng từng trải qua những hoang mang, bối rối trong quá trình theo đuổi bộ phim của mình. Đã có lúc nhà sản xuất cho rằng bộ phim sẽ không thể hoàn thành được, cô đã viết “tâm thư” thuyết phục để có thể đi tiếp với dự án.
“Tôi cũng từng làm và bỏ, gặp và bỏ rất nhiều. Đó là quá trình phải dựa vào bản thân mình, đôi khi không ai giúp được bạn. Tôi nghĩ trước tiên đó là thuyết phục được chính mình về việc tại sao phải làm bộ phim đó, phải kể câu chuyện đó”.
Phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021, lọt vào danh sách rút gọn tranh giải Phim tài liệu xuất sắc nhất của Giải thưởng Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ - Oscar lần thứ 95. Hà Lệ Diễm hiện đang thực hiện bộ phim thứ hai, “Đường lên phương Bắc” ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()