Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 12:05 (GMT +7)
Lý do khiến Milton thần tốc trở thành siêu bão mạnh nhất năm
Thứ 5, 10/10/2024 | 17:13:53 [GMT +7] A A
Tốc độ gia tăng sức mạnh mà các cơn bão gần đây đang trở nên đáng báo động đối với các chuyên gia khí hậu, quan chức và người dân. Hơn một triệu người đã được yêu cầu sơ tán khi bang Florida (Mỹ) chuẩn bị cho sự đổ bộ của siêu bão Milton vào tuần này tại bờ biển phía Tây của tiểu bang.
Theo báo Anh Guardian, Milton là cơn bão có tốc độ gia tăng sức mạnh nhanh thứ ba được ghi nhận ở Đại Tây Dương. Theo cánh bảo của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân to lớn khiến những cơn bão ngày càng mạnh nhanh hơn.
Bão Milton mạnh đến mức nào?
Với các vùng phía Nam nước Mỹ vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì cơn bão thảm khốc Helene, sự tiến triển nhanh chóng của bão Milton còn khiến nhiều người bất ngờ hơn.
Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Milton đã chuyển từ một cơn bão nhiệt đới thành một cơn bão cấp 5, cấp mạnh nhất trong bảng xếp hạng, với sức gió đạt 289 km/h khi nó quét qua Vịnh Mexico hướng đến trung tâm Florida.
Tốc độ tăng sức mạnh của cơn bão được cho là thần tốc, khi chỉ trong 1 ngày, sức gió của cơn bão đã mạnh lên thêm 56 km/giờ.
Điều này đã tạo ra một trong những cơn bão mạnh nhất đối với nước Mỹ, ngay cả khi Milton đã giảm nhẹ xuống thành bão cấp 4 trong ngày 8/10.
Noah Bergren, một nhà khí tượng học ở Florida, nhận định: “Cơn bão này đang tiến gần đến giới hạn về những gì bầu khí quyển của Trái Đất trên vùng Đại Tây Dương có thể tạo ra".
Bão lấy sức mạnh từ đâu?
Khi bão hình thành, cường độ của chúng được xác định bởi một số yếu tố như giông bão và gió đứt (sự thay đổi về tốc độ hoặc hướng gió trong thời gian ngắn) có thể phá vỡ cấu trúc hình xoáy tròn của cơn bão.
Tuy nhiên, một yếu tố chính quyết định sự gia tăng cường độ nhanh chóng là mức nhiệt của đại dương và bầu khí quyển. Không khí và nước nóng hơn cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơn bão, khiến nó quay nhanh hơn và mang theo nhiều hơi ẩm hơn, sau đó đem mưa đến khi quét qua nhiều khu vực trong đất liền, gây ra lũ lụt.
Trong năm nay Vịnh Mexico đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong thời gian dài. Bên cạnh đó, tâm bão Milton cũng đi qua một số vùng nước ấm bất thường, tăng 2 đến 3 độ C so với mức nhiệt trung bình của nước vào thời điểm này trong năm.
Mặc dù bão luôn xuất hiện tại vùng đại dương này hàng năm, song các nhà khoa học khẳng định rõ ràng rằng sự nóng lên toàn cầu, do đốt nhiên liệu hóa thạch, có khả năng khiến bão diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn và mang theo độ ẩm cao hơn.
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái cho thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương hiện có khả năng gia tăng sức mạnh nhanh hơn khoảng 29% so với giai đoạn từ năm 1971 đến năm 1990.
Trước Milton, trên Đại Tây Dương cũng ghi nhận nhiều cơn bão thảm khốc với tốc độ gia tăng sức mạnh nhanh như bão Harvey năm 2017, bão Laura năm 2020, bão Ida năm 2021 và bão Ian năm 2022.
Daniel Swain, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học California, nhận xét: "Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn thời tiết cực đoan thực sự bất thường, với mức độ tàn phá nặng nề tại Mỹ. Dấu vết của cuộc khủng hoảng khí hậu đều thể hiện rõ trong những sự kiện thời tiết gần đây”.
Nguy cơ con người phải đối mặt
Đối với những người ở bờ biển phía Tây Florida - một bang ghi nhận sự bùng nổ dân số trong thập kỷ qua, “đòn giáng kép” của hai cơn bão Helene và Milton sẽ là thảm họa, đòi hỏi nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để tái thiết và cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Về lâu dài, phạm vi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm những cơn bão dữ dội hơn, sẽ chỉ tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Điều này không chỉ có nghĩa là nhiều người chết và mức độ tàn phá nặng hơn mà còn báo hiệu một sự thay đổi cơ bản về Trái Đất - nơi được coi là "an toàn" để sống.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()