Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 10:40 (GMT +7)
Măng được coi là thực phẩm 'vàng' nhưng lại chứa chất kịch độc
Thứ 7, 03/02/2024 | 09:59:27 [GMT +7] A A
Măng chứa một lượng cyanide rất cao, dưới tác dụng của enzyme trong dạ dày, cyanide sẽ chuyển hóa thành HCN - một chất độc hại cho cơ thể.
Tôi rất thích ăn măng nhưng gần đây tôi nghe nói ăn măng có thể ngộ độc. Điều này có đúng không? (Vũ Ngọc Hà - Hai Bà Trưng, Hà Nội).
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội tư vấn:
Măng được coi là “vàng xanh” trong các thực vật làm thức ăn của núi rừng. Ở nhiều địa phương, măng là thực phẩm chủ yếu thay thế các loại rau xanh. Không chỉ ngon miệng, nó còn có giá trị dinh dưỡng rất lớn, tốt cho sức khỏe.
Măng giàu chất xơ, chứa phytosterol có khả năng ngăn chặn cholesterol xấu và cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch. Măng tre có chứa các chất dinh dưỡng chính như protein, carbohydrate, axit amin, khoáng chất, đường, các muối vô cơ. Măng chứa nhiều Phytosterol đánh bay các cholesterol xấu. Vì vậy, người có bệnh tim mạch có thể ăn măng 1-2 bữa/tuần.
Măng là thực phẩm vàng cho người giảm cân vì hàm lượng calo trong măng thấp, bổ sung nhiều chất xơ. Ngoài ra, chất xơ trong măng nhiều giúp người ăn phòng ngừa các vấn đề như bệnh trĩ, viêm túi thừa.
Tuy nhiên, măng chứa một lượng cyanide (Cyanua) rất cao, khi ăn vào đường tiêu hóa dưới tác dụng của enzym tiêu hóa trong dạ dày, cyanide sẽ chuyển hóa thành axit cyanhydric (HCN) - một chất cực kỳ độc hại cho cơ thể.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, 100gram măng tươi chưa luộc chứa 32mg HCN, măng luộc kỹ còn 2,7 mg, măng tươi ngâm chua 2,2mg HCN, nước luộc măng 10mg. Người ăn 50-60mg HCN (tương đương 200gram măng tươi).
Tuy nhiên, axit HCN dễ bay hơi. Vì vậy, từ xa xưa, người dân đã sử dụng măng tươi luộc kỹ hoặc phơi khô, ngâm chua để đánh bay các độc tố. Vì vậy, để ăn măng an toàn, bạn tuyệt đối không dùng măng tươi làm nộm, lấy nước luộc măng uống chữa bệnh…
Khi ăn măng khô, bạn cần rửa thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên bề mặt. Sau đó, ngâm cho măng nở trong ít nhất 5-6 tiếng, cũng có thể ngâm măng qua đêm để khi nấu mềm đều hơn. Trong quá trình ngâm, cần thường xuyên thay nước để giúp lọc sạch vị đắng và chất bẩn còn lại trong măng.
Lưu ý, những người không nên ăn măng là người già, người bị bệnh thận, các bệnh tiêu hóa, trẻ em và phụ nữ mang thai.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()