Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết hầu hết mọi người "sợ mắc đột quỵ", song chưa hiểu hết về bản chất của bệnh này. Khảo sát tại Phòng khám Thần kinh của bệnh viện ghi nhận 100% lo lắng về nguy cơ đột quỵ ở bản thân và người thân trong gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ không nhỏ trong số này tuân thủ không tốt hoặc kém các thuốc điều trị bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường...
Bác sĩ từng tiếp nhận những bệnh nhân trẻ bị đột quỵ dẫn đến tàn phế hoặc tử vong, người nhà bày tỏ bất ngờ vì trước đó bệnh nhân rất khỏe mạnh, không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, "chỉ bị tăng huyết áp". Người bệnh này không uống thuốc kiểm soát huyết áp hàng ngày, bởi cảm thấy "sức khỏe không có vấn đề gì".
"Bệnh nhân điều trị ổn định huyết áp thì khả năng tránh được hậu quả trên, bởi đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ", bác sĩ Nghĩa nói.
Với một người tăng huyết áp, nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn người thường 3-5 lần sau mỗi 5 năm. Chưa kể, kiểm soát huyết áp kém sẽ là yếu tố rất cao cho xuất huyết não - một nguyên nhân tử vong hàng đầu trong đột quỵ.
Gần đây, nhận thức về bệnh đột quỵ của người dân cải thiện hơn, tỷ lệ người bệnh vào trong khung giờ vàng đã tăng lên. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là số ca đột quỵ vẫn tăng nhanh mỗi năm. Cụ thể, trong năm 2024, các số liệu thống kê ghi nhận khoảng 20-24% các ca đột quỵ tử vong hoặc tàn phế nặng. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn phế hiện nay của Việt Nam.
Có những lý giải về số ca mắc tăng cao và nhanh như dân số già hóa, lối sống, bệnh tim mạch, chuyển hóa gia tăng... Tuy nhiên, bác sĩ Nghĩa cho rằng một nguyên nhân gần như then chốt là người dân vẫn chưa nhận thức đúng về nguyên nhân gây đột quỵ. Việc nhận diện được các nguy cơ, lý giải "tại sao xảy ra cơn đột quỵ" rất quan trọng để có thể phòng tránh bệnh. Khi nhận thức đúng đắn, mọi người mới tuân thủ và điều trị dự phòng tốt, giúp giảm đến 70% nguy cơ đột quỵ.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Diệu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, bản chất đột quỵ là việc các yếu tố nguy cơ "độc hại" gây tổn hại đến mạch máu, tim, đến các cơ chế tự nhiên của cơ thể. Những yếu tố có thể kể đến là hút thuốc lá, tăng huyết áp, mỡ máu xấu tăng cao (rối loạn mỡ máu), béo phì, đường tăng cao do đái tháo đường, tiêu thụ thức ăn nhiều đường tinh luyện... Đây chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ của một người trong tương lai. Tuy nhiên, chúng lại là những căn bệnh khá quen thuộc, phổ biến thường gặp, nên thái độ của nhiều người thường thờ ơ, không cảnh giác.
Bác sĩ Diệu cho rằng việc đưa ra phác đồ điều trị dự phòng cho người có nguy cơ đột quỵ cao là điều không quá khó ở các phòng khám, bệnh viện hiện nay. Rào cản lớn nhất là nhận thức của người dân về vai trò việc điều trị dự phòng và có sự tuân thủ tốt, theo dõi hiệu quả điều trị. Điều trị tăng huyết áp nói riêng và các yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần thực hiện liên tục cũng như khám và tự đánh giá định kỳ hiệu quả điều trị. Chẳng hạn, nên đo lại huyết áp hàng ngày, xét nghiệm mỡ máu mỗi 3-6 tháng.
Ý kiến ()