Tùy vào nguyên nhân, triệu chứng và phản ứng với điều trị, người bị viêm dạ dày vẫn có thể ăn uống đa dạng thành phần thực phẩm (trong vài tuần hoặc dài hạn tùy mức độ bệnh lý). Một số lưu ý ăn uống sau đây có thể giúp giảm tình trạng viêm dạ dày, giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.
Thực phẩm hỗ trợ dạ dày
Về món ăn, Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến nghị các loại thực phẩm sau đây để tăng tạo dịch dạ dày (giúp bảo vệ hệ tiêu hóa và xử lý thức ăn nạp vào) và giảm viêm:
Nhóm rau quả: Bạn nên tránh ăn loại rau quả có tính acid, như trái cây họ cam quýt, cà chua. Nên chọn trái cây và rau có lượng acid thấp và giàu xơ, như táo, quả mọng, bí đỏ và carrot. Các loại thảo mộc, gia vị (hành tây, ớt cay, tiêu) cũng nên được cân nhắc dùng lượng ít hoặc không dùng khi nêm nếm thức ăn vì có thể gây tăng kích thích và làm nóng hệ tiêu hóa lúc này.
Chuối hỗ trợ kích thích sản xuất chất nhầy bảo vệ chống lại acid trong dạ dày, bổ sung chất xơ hòa tan vào chế độ ăn uống nhưng cũng có thể làm tăng thêm các triệu chứng tiêu hóa khi bạn đang bị viêm dạ dày. Bạn nên cân nhắc hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi đưa chuối vào thành phần bữa ăn.
Hạt: Ngũ cốc nguyên hạt (như bánh mì, gạo lứt và mì ống) có vị nhạt và giàu chất xơ, rất quan trọng đối với sức khỏe đường tiêu hóa. Yến mạch, lúa mạch, đậu quinoa, hạt chia cũng là những lựa chọn bổ dưỡng khác. Nếu đang gặp các triệu chứng dạ dày gây chán ăn, khó tiêu, bạn có thể chọn ăn cơm trắng hoặc khoai tây kèm thức ăn để dễ hấp thụ và giúp ngon miệng.
Sản phẩm bơ sữa: Chất béo có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và gây ra các triệu chứng. Bạn có thể chọn ăn uống các sản phẩm từ sữa ít chất béo để giảm kích ứng niêm mạc dạ dày, như: sữa chua ít béo, ít đường (bạn chọn mua loại sữa chua có men vi sinh có lợi cho đường ruột. Một khẩu phần phô mai nhỏ cũng có lợi cho hệ tiêu hóa. Bạn nên tránh các loại nước sốt hoặc bánh pudding làm từ phô mai mềm, nhiều kem hoặc quá béo.
Chất đạm: Trứng cả quả và lòng trắng trứng là một trong các nguồn protein dễ hấp thu và dễ chọn lựa cho bệnh nhân viêm dạ dày. Bạn cũng có thể chọn ăn thịt gia cầm (nhiều nạc, ít hoặc không có mỡ), hải sản nướng ít nêm nếm gia vị (không cay hoặc rất ít cay).
Các loại hạt và bơ từ hạt (như bơ đậu phộng) tuy giàu đạm nhưng cũng giàu chất béo. Thay vì ăn khẩu phần lớn, bạn có thể chia thành khẩu phần nhỏ để dùng và để ý xem dạ dày có ổn hay không. Món súp làm từ nước dùng (như súp gà) là lựa chọn tốt hơn so với súp làm từ kem hoặc sữa.
Món tráng miệng, món nước: Thực phẩm giàu chất béo hoặc đường có thể gây nghiêm trọng thêm các triệu chứng viêm dạ dày (như món bánh nướng, bánh ngọt, kem, bánh pudding). Bạn có thể chọn dùng món nước hoặc món tráng miệng có trái cây hoặc có chứa mật ong, gừng, bạc hà hoặc nghệ sẽ tốt cho tiêu hóa hơn.
Một số thức uống được khuyến nghị hạn chế khi viêm dạ dày gồm đồ uống có đường, soda, nước tăng lực, nước trái cây có tính acid cao (nước cam hoặc cà chua) và rượu (gồm rượu vang, bia và cocktail). Người bị viêm dạ dày nhẹ vẫn có thể uống trà hoặc cà phê pha loãng với một chút sữa ít béo hoặc kem không sữa. Nước lọc, trà thảo mộc, sữa không béo và nước trái cây ít đường hoặc ít acid là những lựa chọn tốt cho dạ dày.
Chia nhỏ bữa ăn
Hệ tiêu hóa đang bị căng thẳng hoặc không hoạt động tốt có thể làm tăng sự nhạy cảm của dạ dày khi bạn ăn và khoảng cách giữa các bữa ăn quá sát. Nếu dễ bị đau bụng do viêm dạ dày, bạn có thể thay đổi thời gian của bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ. Hãy thử ăn các bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn.
Thay đổi cách chế biến món ăn
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia Mỹ, chế biến món ăn ít tăng sinh hàm lượng chất béo góp phần giảm kích ứng cho dạ dày hơn. Nướng (không kèm hoặc rất ít dầu), hấp, luộc thực phẩm là một số cách đơn giản giúp giữ vị nguyên bản của món ăn và dễ chịu cho hệ tiêu hóa. Khi nêm nếm thức ăn, nên hạn chế cho nhiều gia vị cay nồng (như tiêu, ớt bột cay, mù tạc). Các loại thảo mộc và gia vị như húng quế, ngò, ngò gai... ít có khả năng gây kích ứng dạ dày. Gừng và nghệ cũng góp phần hỗ trợ làm dịu cơn đau.
Bạn có thể trò chuyện với chuyên gia dinh dưỡng để được tham vấn kế hoạch bữa ăn đầy đủ dưỡng chất theo sở thích cá nhân. Người nhạy cảm với gluten, tiểu đường, phụ nữ mang thai và đang cho con bú bị viêm dạ dày nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống phù hợp.
Ý kiến ()