Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:50 (GMT +7)
"Mô hình OCOP của Quảng Ninh đủ điều kiện để nhân rộng trên phạm vi cả nước"
Thứ 5, 02/03/2017 | 16:10:56 [GMT +7] A A
Hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” do Bộ NN &PTNT phối hợp tỉnh Quảng Ninh tổ chức vừa diễn ra sáng nay, ngày 2/3. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
- Thưa Bộ trưởng, đồng chí đánh giá thế nào về Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của Quảng Ninh?
+ Hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” hôm nay có mục tiêu là nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển mỗi xã một sản phẩm của Quảng Ninh để từ đó tham mưu đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thương mại hóa sản phẩm lợi thế của địa phương trong những năm tới. Điều này đủ cho thấy chương trình OCOP Quảng Ninh đạt kết quả nổi bật và có ưu điểm như thế nào. Thực ra trước Quảng Ninh đã có một số tỉnh, thành phố triển khai những chương trình phát triển sản phẩm nhưng Quảng Ninh là điển hình trong cách làm tổng thể, hệ thống và mạnh mẽ nhất. Trong 3 năm triển khai chương trình OCOP, từ một số ít sản phẩm truyền thống, nhiều trong số đó mang tính tự cung tự cấp, Quảng Ninh đã phát triển 210 sản phẩm, tất cả đều là sản phẩm hàng hóa, có giá trị, được thị trường đón nhận, trong đó không ít sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường ngoài nước. Phát triển được 180 tổ chức sản xuất, trong đó chủ yếu là các tổ chức sản xuất mới thành lập và tại chỗ, là các HTX kiểu mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại vốn khởi nguồn từ tổ, nhóm, sản xuất nông thôn, kinh tế gia trại. Điều này cho thấy ý chí, khát khao phát triển sản xuất, làm giàu đã được bắt đầu và bùng cháy từ chính người nông dân, trên chính mảnh đất của mình. Doanh thu OCOP Quảng Ninh trong 3 năm cũng đạt đến gần 700 tỷ đồng, con số lớn, rất đáng phấn khởi trên bình diện sản phẩm OCOP là những sản vật địa phương có giá trị nhỏ.
Với những gì đã và đang làm, tôi khẳng định mô hình OCOP của Quảng Ninh đủ điều kiện để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Thực tế cách làm dày công từ tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách cũng như bộ công cụ quản lý OCOP của Quảng Ninh là chất liệu tốt cho chính chúng tôi trong hoạch định chính sách phát triển sản phẩm trung ương nói chung cũng như việc các địa phương có thể vận dụng để triển khai đề án phát triển sản phẩm trên địa bàn mình, tất nhiên trên cơ sở phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của từng đơn vị.
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương |
- Để chương trình mỗi xã một sản phẩm được nhân rộng trên địa bàn toàn quốc, tới đây Bộ NN&PTNT có kế hoạch triển khai như thế nào?
+ Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung “Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” với mục tiêu đến năm 2020, có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập và có 85% số xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Để thực hiện hóa mục tiêu này, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” rất quan trọng, sẽ góp phần phát triển hàng hóa, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững…
Để làm được điều này yêu cầu phải có sự thống nhất cao về nhận thức, cách làm, chính sách từ trung ương đến địa phương; tháo gỡ nút thắt trong vấn đề tích tụ đất đai, ưu đãi thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX trang trại; thể chế hóa gói tín dụng thương mại 100.000 tỷ vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao…
Ngay sau hội nghị này, từ chất liệu của Quảng Ninh, đóng góp ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ NN&PTNT sẽ tham chiếu, bổ sung, điều chỉnh để từ đó xây dựng kế hoạch hành động, bộ tài liệu hướng dẫn chung về chương trình “Phát triển mỗi xã một sản phẩm”, hoàn thiện để trình Chính phủ. Bộ cũng yêu cầu lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương tham khảo, vận dụng từ cách làm Quảng Ninh để tham mưu cho tỉnh mình, xây dựng đề án phát triển mỗi xã một sản phẩm, tổ chức mô hình điểm rồi tổng kết rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng…
Tuy nhiên tất cả những hướng dẫn chỉ là khung định hướng, quan trọng nhất vẫn là quá trình triển khai thực tế một cách sáng tạo và quyết liệt ở địa phương. Sự quyết liệt thể hiện từ sự chỉ đạo của người đứng đầu địa phương đến các cấp thực hiện, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, khơi dậy được sức mạnh của doanh nghiệp và ý chí, ham muốn sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng của người dân.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Việt Hoa (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()