Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:00 (GMT +7)
Một giờ dưới lò chợ Khe Sim
Chủ nhật, 11/08/2024 | 12:19:27 [GMT +7] A A
Từ lâu, tôi vẫn mong một lần được xuống lò chợ của Tổng Công ty Đông Bắc để cảm nhận ý chí của những người “lính thợ” không chịu lùi bước trước bất kỳ khó khăn như thế nào. Lần này, mong muốn của tôi được đáp ứng khi đến với Công ty Khe Sim.
Chuyện kỹ sư đào than
Điểm xuất phát là cửa lò mặt bằng -20+/-45. Từ đây, chúng tôi cuốc bộ để đến vị trí sản xuất. Đoạn này lò bằng nghĩa là chúng tôi như đi bộ trên mặt đất vậy. Cũng vì gần cửa lò nên gió tươi phơi phới thổi vào mát rượi. Hơi nước do nước ngầm từ trên nóc lò nhỏ xuống khá mát. Lò chính vừa có chức năng vận tải vừa thông gió nên khá thông thoáng.
Nhưng chỉ được độ 10 phút là chúng tôi đến một đường lò nhiều thử thách hơn. Đoạn lò chợ dốc xuống sâu đến âm 150 mét so với mực nước biển. Đã vậy, đường đi lại nhỏ hẹp, phải cúi gập người mới chui qua được. Hai bên lại hàng tấn thiết bị cột chống thuỷ lực, vì chống, rồi gỗ lạt. Chưa kể, máng trượt tải than bằng inox rất trơn.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Đức, Phó Quản đốc Công trường khai thác số 1, người bạn đồng hành của chúng tôi, bảo rằng đã khao than đi nhiều, rồi mở rộng diện, gia cố nóc lò bằng gỗ, bằng lưới mắt cáo nên mới được như thế này. Chứ không thì không ai bước qua được.
Có đoạn dốc đứng lên đến gần 45 độ. Chúng tôi bám vào các cột chống mà đu người xuống. Chốc chốc lại có một thanh chắn cao đến ngang bụng để chắn đường không cho đất đá và than cục lăn xuống vị trí sản xuất bên dưới. Muốn đi qua hoặc là phải trèo lên thanh chắn. Đi được mươi phút tôi đã thấy nóng bức không chịu nổi. Càng vào sâu càng ngột ngạt. Gió không có. Không khí cũng nóng hơn.
Không khí nóng cùng với việc tụt xuống dưới đường lò dốc gây mất sức. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Lưng áo tôi đầm đìa như tắm. Mồ hôi cay cay nơi khóe mắt nhưng không có gì để quệt bởi tay chân, áo quần chúng tôi lấm lem toàn than. Nhìn mặt mấy anh bạn đi cùng, tôi không còn nhận ra ai nữa nếu không nghe tiếng nói. Bởi ai cũng mang gương mặt đen nhẻm của than. Chỉ còn hở ra hai con mắt và hàm răng trắng.
Như thấu hiểu, Đức cười hiền kể, khi mới ra trường anh cũng có tâm trạng như chúng tôi hiện giờ. Đức giải thích, mọi người hay nghĩ đã học đại học ra thành kỹ sư là ngồi phòng máy lạnh. Nhưng không, Đức cũng như bất cứ ai học đại học ra đều phải đi lò chợ 6 tháng đào than như công nhân, sau đó thì mới được chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật.
Lúc đó, một chàng trai nông thôn sinh ra, lớn lên tại Xuân Trường, Nam Định, chỉ quen với ruộng đồng rồi học Đại học Mỏ địa chất, trở thành kỹ sư khai thác về Công ty 86, quá nhiều bỡ ngỡ với những gương than hun hút trong lòng đất. Chàng kỹ sư khai thác đi lò được vài tháng thì xin về quê cưới vợ.
Cũng có người "đoán già đoán non" là cu cậu không chịu nổi cái vất vả dưới lò nên "bỏ của chạy lấy người" rồi. Nhưng mọi phỏng đoán đều sai. Được vài hôm thì Đức trở lại, mà không phải trở lại một mình. Anh chàng đưa luôn cả vợ mới cưới ra lập nghiệp. Vợ Đức xin vào làm kế toán một công ty ở Cẩm Phả còn anh thì vẫn chui lò đào than cho đủ 6 tháng. Đức bảo mọi lý thuyết đều màu xám. Không xuống lò làm như anh em, không có thực tế thì không thể làm việc được. Không có thực tế là phải trả giá bằng máu của mình và đồng đội ngay.
Hết sáu tháng đi đào lò, Đức chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật. Và bây giờ, sau khi Công ty 86 sáp nhập vào Khe Sim, ở tuổi 31, anh đã là Phó Quản đốc Công trường số 1. Tiền thân của Công ty Khe Sim - Chi nhánh Tổng Công ty Đông Bắc là Xí nghiệp Khe Sim được thành lập từ năm 1997. Đến nay, Khe Sim đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tốp đầu của Tổng Công ty. Thu nhập của cán bộ như Đức mỗi tháng được khoảng 25 triệu đồng, mức quá cao so với lao động ở quê anh. Đức tự hào vì mình được làm việc trong môi trường kỷ luật quân đội ở Khe Sim.
Than trả ơn người
Nhân nói về chuyện công nghệ, nhiều người nhớ lại những ngày đầu, Khe Sim chỉ có 1 máy ủi, 5 ô tô vận tải. Khai trường rộng 500ha, trải dài trên 7 phường, xã của TX Cẩm Phả, nguồn tài nguyên phân tán, vỉa mỏng, một số vỉa than bị “đứt gẫy” biến dạng. Trình độ quản lý và kiến thức khai khác mỏ của các cán bộ, chiến sĩ có nhiều hạn chế, chưa làm chủ được công nghệ.
Câu chuyện hiện nay đã khác. Phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” kết hợp với truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của người thợ mỏ, Khe Sim đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động đổi mới, sáng tạo, đổi mới trang thiết bị hiện đại, để nâng cao năng suất lao động và mức độ bảo đảm an toàn.
Các công nghệ mới, như: Chống lò bằng giá thủy lực di động dạng khung ZH1600/16/24F, giá thủy lực XDY, giàn chống mềm ZRY được áp dụng. Hay như việc đưa máy khấu ''một tang'' vào khai thác lò chợ vỉa 10T đã giúp tăng năng suất hơn 1,9 lần so với khấu thủ công, thu hồi tối đa tài nguyên.
Để cải thiện điều kiện làm việc trong khai thác hầm lò, Công ty Khe Sim đã khảo sát và nhận thấy, vỉa 8 mức -10/+45 tại công trường 3 phù hợp để khai thác lò chợ áp dụng giàn chống mềm ZRY. Đại úy Nguyễn Văn Thăng, Quản đốc công trường 3, kể trong tháng 3 năm ngoái, công nghệ khai thác mới này được lắp đặt, loại bỏ hoàn toàn các lò chợ có công nghệ lạc hậu chống gỗ, cột chống thủy lực đơn - xà khớp.
Theo Trung tá Trần Đức Thanh, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty, giàn chống mềm ZRY cơ giới hóa được công đoạn chống giữ gương khai thác, thay thế kết cấu chống giữ lạc hậu, tiết giảm sức lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giải quyết việc chống giữ cho các vỉa than có độ dốc lớn, góp phần đảm bảo khai thác an toàn, thu hồi triệt để tài nguyên ở các vỉa than có độ dày trung bình, tạo bước phát triển mới trong áp dụng công nghệ tiên tiến khai thác hầm lò tại Công ty.
Công ty còn ứng dụng phần mềm vào tính toán, đặt trạm giám sát khí mỏ tập trung, các camera giám sát tự động, quản lý thông gió mỏ, sử dụng các loại quạt gió lớn có cơ cấu đảo chiều giúp rút ngắn thời gian thi công các đường lò, đẩy nhanh tiến độ ra than của các diện khai thác, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc.
Những kết quả đạt được luôn là niềm tự hào, tạo cảm hứng, niềm tin, động lực cổ vũ tập thể cán bộ, công nhân lao động không ngừng đổi mới, sáng tạo. Trung tá Tạ Quang Trường, Trưởng Phòng Chính trị Công ty, cho rằng, chất lính và chất thợ mỏ được pha trộn nhuần nhuyễn để làm nên lớp lính thợ Khe Sim hôm nay. Nghe Trường nói và đi trong lò chợ, tôi nhìn thấy giữa bốn bề than đen những ánh mắt khao khát làm chủ kỹ thuật. Mộc mạc và giản dị trong cuộc sống nhưng quyết liệt trong công việc.
Tổ trưởng cơ điện Phạm Văn Hanh khoe với chúng tôi rằng, đây là hầm bơm hiện đại nhất của Tổng Công ty. Có thể hiểu, hầm bơm là trái tim của mỗi mỏ hầm lò. Chỉ cần hầm bơm trục trặc, không hoạt động một lúc là nước mỏ sẽ ngập tràn, nhấn chìm hàng triệu tấn máy móc, thiết bị và hàng trăm con người. Nhất là vào mùa mưa bão, nước ngầm thấm vào đất đá chảy đầy xuống lò. Bởi vậy, tuyệt đối không được để xảy ra sự cố khu vực hầm bơm.
13 năm làm cơ điện trong hầm lò, hơn ai hết, anh Hanh thấu hiểu rằng điện như là mạch máu của cơ thể người vậy. Điện vận hành băng tải, phục vụ công trường khai thác, hệ thống bơm thoát nước, hệ thống gió. Đường lò lại dài nên việc phát hiện, xử lý các sự cố điện cần nhanh chóng, chính xác.
Anh Nguyễn Hữu Thương, cán bộ Phòng an toàn dẫn chúng tôi đi lò, kèm chúng tôi như hình với bóng. Tôi hiểu, khai thác hầm lò là công việc vô cùng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên tuyệt đối không được làm gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như rủi ro cho công nhân làm việc. Nền nếp, kỷ luật, tác phong của môi trường quân đội đã tôi luyện cho những người lính thợ trưởng thành hơn, bình tĩnh trước mọi tình huống.
Sau một giờ đi bộ dưới lò, đôi chân tôi đã muốn rũ ra. Đức cười bảo: "Anh mới đi quãng đường bằng một phần tư chúng em đi hàng ngày. Nhưng không sao, hết đoạn phải đi bộ rồi, giờ lên thôi".
Từ chân giếng, chúng tôi di chuyển lên mặt đất bằng thiết bị gọi là tời khỉ. Tời khỉ giống như cáp treo với một thanh sắt cứng gắn lên tời. Mỗi thanh sắt có 1 ghế ngồi và 1 chỗ để chân. Thợ lò ngồi vắt vẻo trên đó. Có lẽ hình dáng giống như khỉ đánh đu nên thiết bị này được gọi là tời khỉ.
Quãng đường đi tời khỉ từ sân giếng lên mặt đất mất độ chừng 20 phút. Tôi thích thú bởi cảm giác được làm hành khách đặc biệt. Mỗi một khách lại cách nhau độ cả chục mét. Chả nhìn thấy nhau. Muốn nói chuyện dọc đường cũng khó. Tôi dành thời gian chiêm nghiệm về quãng đường lò chúng tôi vừa mới đi qua, về những người lính thợ đang đổ mồ hôi trong lòng đất.
Đất đá lẫn than, lẫn cả mồ hôi để thử thách sự kiên nhẫn của người thợ. Dù đất bạc màu, những vỉa than nghèo nhưng không bao giờ phụ công người. Than trả ơn người bằng những chuyến băng tải, những con tàu hối hả vào ăn than. Từ đây, than sẽ đi muôn nơi để góp lửa cho đời, tô thắm thêm truyền thống của lính thợ Đông Bắc anh hùng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()