Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:22 (GMT +7)
Một sáng kiến - nhiều lợi ích
Thứ 7, 28/08/2021 | 13:40:42 [GMT +7] A A
Đề tài nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu thay thế trong lò nung clinker tại Nhà máy xi măng Lam Thạch sau một thời gian thử nghiệm đến nay đã mang lại những kết quả tích cực. Việc sử dụng chất thải rắn công nghiệp đã thay thế 10-15% than đá, giúp tiết giảm 3-5% chi phí sản xuất clinker. Điều quan trọng hơn cả là sáng kiến này khi đi vào hoạt động đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường giảm thiểu phát tán rác thải và giảm phát thải CO2.
Nhà máy xi măng Lam Thạch (Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) có công suất thiết kế sản xuất 1.200 tấn clinker/ngày. Để sản xuất đạt kế hoạch, Nhà máy phải sử dụng một lượng lớn than đá và dầu. Từ thực tế sản xuất, năm 2018, ông Ngô Hữu Thế (Phó Tổng Giám đốc Công ty) đã cùng các cộng sự nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker.
Trao đổi về việc triển khai nghiên cứu ứng dụng, ông Ngô Hữu Thế cho biết: Hiện nay trên thế giới, việc áp dụng chu trình đồng xử lý chất thải công nghiệp đã rất phổ biến. Một số nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc… đã đưa tỷ lệ sử dụng chất thải thay thế nhiên liệu lên tới 50%. Tại những nước này, nhiều lò nung clinker không đơn thuần chỉ là sản xuất sản phẩm mà còn giữ chức năng chủ yếu là xử lý chất thải. Nghiên cứu kỹ các tài liệu nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, nguyên tắc để hủy chất thải an toàn là phải được thiêu đốt ở nhiệt độ cao (trên 1.200 độ C), cung cấp đủ ô xy, thời gian lưu cháy và điều kiện đốt. Xét theo những nguyên tắc này, toàn bộ thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại của nhà máy đều đáp ứng đủ. Do đó, tôi và các đồng sự đã quyết định tiến hành khảo sát đánh giá nguồn chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận; nghiên cứu quy trình hoạt động từ các nhà máy khác; cải tạo, lắp đặt thêm trang thiết bị trên cơ sở dây chuyền công nghệ hiện hữu.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, Công ty đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, thử nghiệm việc đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường. Trong 6 tháng vận hành thử nghiệm (tháng 3-8/2020), Công ty đã tiếp nhận trên 2.200 tấn chất thải (gỗ, giấy, ni lông, nhựa cứng, bùn thải, đế giày…) của Công ty Than Nam Mẫu, Công ty TNHH Giày da Sao Vàng, Công ty TNHH MTV Anh Đức, Công ty TNHH Tùng Bách, Công ty CP Thành Đại Phúc Mỹ để thay thế một phần than. Qua vận hành thử nghiệm cho thấy, với 1 tấn chất thải, Công ty sẽ tiết giảm được 12.400 đồng/tấn clinker.
Theo tính toán, nếu sản xuất khoảng 1 triệu tấn clinker/năm, Công ty sẽ tiết giảm được gần 12,4 tỷ đồng so với sử dụng nhiên liệu từ than. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của sáng kiến này là sẽ giải quyết được bài toán về môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế tuần hoàn khi toàn bộ chất thải được đốt trong lò nung clinker có nhiệt độ cao, chất thải bị phân hủy hoàn toàn không sinh ra chất độc hại, các yếu tố về nước thải, khí thải, bụi… đều đạt tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. Một điều đáng chú ý nữa là từ sáng kiến trên có thể tạo thêm 15 vị trí việc làm mới cho người lao động vận hành dây chuyền thiết bị. Còn phía các doanh nghiệp có phát sinh chất thải rắn công nghiệp trong hoạt động sản xuất cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí xử lý lượng chất thải này.
Ngày 11/4/2021, kiểm tra thực tế tại Nhà máy, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tại Việt Nam, sản xuất xi măng là ngành công nghiệp thải lượng lớn khí thải ra môi trường và các loại than nội địa để làm nhiên liệu đốt ngày càng hạn chế. Riêng tại Quảng Ninh, dự báo đến năm 2030, nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 3.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện lượng chất thải này mới được xử lý theo công nghệ chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường. Là doanh nghiệp tư nhân nhưng bằng nội lực của chính mình, Công ty đã chủ động nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu KHCN. Việc đồng xử lý rác thải công nghiệp thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh là giải pháp phù hợp, cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và chiến lược phát triển từ “nâu” sang “xanh” mà tỉnh đang kiên trì thực hiện.
Với những ưu điểm nổi bật của sáng kiến, tháng 4/2021, UBND tỉnh đã có văn bản số 2443/UBND-MT, đồng ý chủ trương cho phép Công ty được chính thức thực hiện hoạt động đồng xử lý rác thải công nghiệp thông thường tại lò nung sản xuất xi măng tại Nhà máy xi măng Lam Thạch. Đến nay, ngoài 5 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng trong thời gian thử nghiệm, Công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ chất thải rắn với nhiều doanh nghiệp khác của tỉnh. Trong thời gian tới, sau khi được Bộ TN&MT đồng ý cho phép mở rộng hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường ra cả nước, Công ty sẽ ký hợp đồng xử lý với các đơn vị phát thải tỉnh ngoài, với mục tiêu góp phần vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()