Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:10 (GMT +7)
Muôn nẻo nghề buôn hải sản...
Chủ nhật, 14/07/2024 | 10:54:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là địa phương có biển với ngư trường rộng lớn, không chỉ cung cấp hải sản tại chỗ mà còn cung cấp cho người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Chính vì thế, nghề mua bán thủy hải sản cũng ngày càng nở rộ. Đặc biệt, từ khi các nhà hàng hải sản phục vụ khách du lịch ngày càng nhiều ở Hak Long thì nghề chạy chợ, buôn hải sản lại càng thêm "hot"...
Những buổi chợ nhuốm vị mặn của biển
Mới tờ mờ sáng, khu buôn bán hải sản nằm ở phía sau chợ Hạ Long 1 đã tấp nập. Các lối đi nhỏ giữa các quầy hải sản chật cứng người đi lại lựa ghẹ, bắt ngao… Những bước chân thoăn thoắt gánh hàng, những đôi tay nhanh nhẹn phân loại từng mối hàng cộng với tiếng còi xe inh ỏi từ các xe vận chuyển hải sản làm không khí buổi chợ sớm thêm phần náo nhiệt, sôi động.
Anh Phạm Xuân Thi, một trong những chủ hàng hải sản lớn nhất chợ Hạ Long 1, đang khẩn trương phân loại hải sản mới về. Trên nền gạch loáng nước, hàng chục chậu hải sản cỡ lớn đủ các loại như: ghẹ, bề bề, tu hài đỏ… đã được phân loại ngay ngắn. Dưới ánh đèn, từng cục sục khí hoạt động hết công suất, hải sản vẫn bơi sống trong chậu. Anh luôn tay vớt, chọn hải sản, dỡ hải sản từ bến về, chất hải sản lên xe giao cho các đầu mối nhà hàng…
“Để có hàng ngon, phân loại rõ ràng, anh em chúng tôi phải dậy từ 2-3 giờ sáng nhận hàng từ bến, phân loại theo đơn đặt hàng. Vào mùa du lịch, có hôm tôi cung cấp cho đầu mối 600-700kg, thậm chí cả tấn hải sản. Nhiều hôm khi bình minh lên, hàng đã cơ bản hết. Việc nhiều và nặng nhưng chúng tôi quen rồi” - anh Thi cởi mở kể khi hàng hôm nay hết sớm.
Quả thật, công việc bán, giao hải sản thoạt nhìn nhàn nhã, thu "bộn” tiền nhưng lại luôn tay, vất vả. Để có được quầy hải sản đắt khách vậy không hề đơn giản. Đôi tay thoăn thoắt, anh vừa làm vừa kể: Tôi vốn là ngư dân từ Thanh Hóa theo bố mẹ ra Hạ Long. Là những người đánh cá trong lộng, quanh năm suốt tháng cùng bạn bè, anh em lênh đênh với con thuyền. Sau 10 năm làm ngư dân, chuyển nhiều nghề, tôi mới quyết định chuyển sang nghề thu gom hải sản giao cho mối trên chợ.
Với anh Thi, thành quả hôm nay là sự đánh đổi bằng hơn 10 năm sớm hôm lênh đênh trên biển khắp các ngư trường xa: Bái Tử Long, Cô Tô, Bạch Long Vỹ. Vất vả không làm khó được chàng trai trẻ khỏe mạnh. Thế nhưng, sau khi lập gia đình, có đứa con đầu tiên rồi cứ 2 năm 1 đứa khiến anh phải "gác" thuyền, lên bờ làm đầu mối thu gom hải sản trên chợ để có thời gian cho gia đình.
Làn da cháy sạm dưới cái nắng và hơi mặn của gió biển khiến anh như già hơn so với cái tuổi 52 của mình. Ban đầu, anh thường phải dong thuyền khắp nẻo, lựa mua hải sản ngon nhất ở khắp nơi. Khi thì đi Đầm Hà lấy ghẹ, mua tu hài đỏ, khi ra các tàu cá ở trên Vịnh Hạ Long, sát Bạch Long Vỹ thu gom ghẹ xanh, mực ống…Vốn có nghề đi biển, anh dễ dàng liên kết với các bạn cùng nghề chài lứa để thu gom hải sản. Nhờ kinh nghiệm và các mối đi biển, anh luôn có nguồn hàng tươi, phong phú và giá cả hợp lý. Khi các mối hàng đã ổn định, anh quyết định mở quầy hải sản giao cất cho các đầu mối, nhà hàng và bán cho du khách.
Chung nghề với anh, chị Xuân cũng là dân “chạy chợ” chuyên nghiệp, chế biến các loại hải sản, đồ khô có thương hiệu ở chợ. Tuy nhiên, chuyện chạy chợ và trực tiếp chế biến có phần vất vả hơn. Để "mục sở thị", chị hẹn tôi 5h sáng hôm sau đi chợ. Thế nhưng tờ mờ sáng, từ 3h30 sáng chị đã giục tôi nhanh chân: Hôm nay cần lấy nhiều hàng, tàu báo về sớm..!
4h, trời hè còn chưa sáng, tôi đã theo chân chị tới chợ hải sản Cao Xanh, được coi là chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại hải sản tươi sống… Khi ánh đèn chợ còn loang loáng, trời đổ mưa to, ướt nhẹp thì chị đã thoăn thoát ra bến tàu hóng tới các quầy hàng cá, bề bề đặt hàng, đóng thùng để chuyển về cơ sở chế biến. Chị Xuân kể: Với công việc này, ngày mới bắt đầu từ rất sớm, bất kể thời tiết nắng mưa, gió bão. Muốn có hàng tươi ngon, giá cả tốt, phải đón hàng ở tàu chã lên sớm.
Trước khi đến với công việc này, chị đã từng làm nhiều công việc nhàn nhã hơn, như buôn bán rau, thợ may... Trong những lần đi chợ sớm, mua hộ hàng nhiều người rồi chế biến luôn giúp họ, chị thấy chi phí thấp hơn, hải sản tươi ngon hơn… Qua vài lần làm thử nghiệm, chị quyết định chuyển sang kinh doanh hải sản. Dù thức khuya dậy sớm, lặn lội chợ cá sớm hơn nhưng cũng đem lại cho chị nguồn thu nhập tốt để lo cho gia đình.
“Để có nguồn hải sản ngon cần đi chợ sớm, trực tiếp chọn lựa hải sản. Ngày nắng cũng như mưa rét, công việc diễn ra đều đặn. Thời gian đầu chưa quen còn mệt mỏi, quá sức, nhiều khi ốm, tôi có ý định bỏ nghề. Nhưng làm dần quen và nguồn thu nhập khá cũng động viên tôi hơn" - chị Xuân chia sẻ.
Cũng theo anh Thi, chị Xuân và các chủ hàng hải sản giàu kinh nghiệm thì trong kinh doanh mỗi người có thế mạnh ở các mặt hàng hải sản khác nhau nhưng đều có vất vả riêng. Trời mưa cũng như trời nắng, vì kế mưu sinh không cho phép họ ngơi nghỉ. Đặc biệt vào mùa du lịch, công việc thêm phần tất bật hơn.
Quả thật, để gây dựng được thương hiệu, các tiểu thương phải vất vả sớm khuya, lặn lội từng chuyến tàu, buổi chợ. Nhiều khi họ trở về nhà trong trạng thái rã rời, quần áo lấm lem, nhuốm vị mặm mòi của biển.
... và những rủi ro
Sau ngót 20 năm lênh đênh, gắn bó với nghề, nay anh Thi cũng tiết kiệm được một khoản để chuyển nhà từ bè lên đất liền, tậu được căn nhà khang trang ở khu đô thị Bãi Muối cho gia đình nhỏ. Còn đại lý hải sản của chị Xuân sau 10 năm hoạt động cũng khẳng định được thương hiệu bằng các sản phẩm tươi sống, chế biến, hải sản 1 nắng và đồ khô.
Nhiều người thường nghĩ rằng, nghề buôn hải sản nhanh giàu, thu bộn tiền sau mỗi buổi chợ, tuy nhiên nghề này cũng có cái khó riêng và không ít rủi ro.“Thuyền to thì sóng lớn”, việc làm ăn càng lớn thì rủi ro cũng càng nhiều. Việc bán hàng cho các đại lý, nhà hàng thường bị đọng vốn do trả chậm hay công nợ lớn là chuyện bình thường ở các đại lý hải sản như chị Xuân, anh Thi.
Anh Thi cho hay, việc bán cất cho nhà hàng thường xuyên dư nợ 1, 2 chuyến là sự việc thường thấy trong kinh doanh. Nhiều nhà hàng kinh doanh do không làm ăn được, dừng hoạt động, phá sản cũng khiến họ phải khất nợ làm anh bị “đọng” vốn. Nhiều khi, anh cũng đành "ngậm bò hòn làm ngọt" với không ít mối hàng.
Năm 2023, trong giai đoạn mùa tôm, quầy nhận mối tôm bóc bán cho một khách hàng quen ở Nam Định chế biến, đóng gói rồi xuất khẩu đi Trung Quốc. Thế nhưng do sự cố việc xuất hàng gặp khó khăn nên chủ hàng chưa thanh toán, khiến 2 chuyến tôm của anh lên tới trên 1 tỷ đồng cũng bị “treo” vô thời hạn tới nay. Trong nghề, khách hàng nợ đọng như thế với anh là không hiếm...
Câu chuyện “thu nợ” luôn là bài toán khó đối với tiểu thương kinh doanh đổ mối hải sản. Không riêng gì anh Thi, chị Xuân mà rất nhiều tiểu thương khác cũng phải vui vẻ cho khách hàng “nợ”. “Đó đã là thông lệ của nghề này. Những năm gần đây, kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, chúng tôi chấp nhận cho khách hàng duy trì khoản nợ cao, thời gian trả chậm để mở rộng thị trường" - chị Xuân chia sẻ.
Vì thế, dù chị Xuân kinh doanh nhỏ lẻ, thế nhưng tới nay danh sách người mua, nhà hàng…nợ đã khá dài. Người nợ ít vài trăm, vài triệu, người nhiều tới cả chục triệu... Ngoài các mối hàng thường xuyên lấy mới thanh toán khoản cũ, số khách hàng “nợ xấu”, khó đòi hoặc đã phá sản… khá nhiều. Để đối phó, chị Xuân đã chuyển hẳn “kênh” giao cho các mối, nhà hàng sang bán hàng trực tiếp phục vụ khách du lịch. Chị còn sáng tạo kết nối trực tuyến tìm kiếm khách hàng qua mạng để mở rộng diện kinh doanh. Tuy vất vả hơn, thường trực ở quầy hàng từ sáng tới tối nhưng nguồn thu đều đặn, không bị đọng vốn.
Dẫu biết rằng, nghề kinh doanh đổ mối hải sản lắm vất vả, nhiều rủi ro nhưng một khi làm nghề, gắn bó với nghề là “say” nghề. Quầy hàng được yêu thích, sản phẩm "bán chạy", xuất bán đi các tỉnh ngoài… cũng chính là niềm vui của những người kinh doanh.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()