Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 06:01 (GMT +7)
Năm lưu ý để phòng bệnh đường hô hấp cho người cao tuổi khi trời trở lạnh
Thứ 5, 14/12/2023 | 14:09:13 [GMT +7] A A
Rất nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình nhưng một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn...
Thời tiết trở lạnh khiến người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp... nhất là với những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính.
Rất nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình, chẳng hạn như không sốt, hoặc sốt không cao; ho ít, đôi khi chỉ ho thúng thắng là dễ bỏ sót; người bệnh lại ít có khả năng khạc đờm.
Một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn...
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có các biểu hiện như: chảy mũi, ho, đờm, sốt, đau ngực, lạnh run... Các viêm nhiễm ở đường hô hấp dưới thường có các triệu chứng như: thở dốc, khó thở, lạnh run, sốt liên tục; thở nhanh và đau ngực; ho nhiều kèm theo đờm có thể lẫn máu; đau ngực; ra nhiều mồ hôi vào ban đêm và sụt cân.
Để giữ sức khỏe trong mùa Đông, người cao tuổi nên chú ý thực hiện:
Giữ ấm cơ thể:
Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo len, dạ, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ len, đi tất dày; để giúp cơ thể tránh bị mất nhiệt khi trời lạnh.
Đeo khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh, đến chỗ đông người, để tránh hít thở không khí lạnh và khô gây viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi mạn tính...
Mặc ấm càng cần thiết nếu người cao tuổi bị dị ứng do lạnh (mẩn ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen...)
Tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi:
Phòng ở phải ấm áp, nhưng thông thoáng và tránh bị gió lùa.
Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều.
Nếu có điều kiện nên lắp lò sưởi, đèn sưởi, điều hòa ấm hoặc sử dụng bóng điện đỏ cho ấm.
Chú ý không đưa bếp than tổ ong hoặc than củi vào sưởi rồi đóng kín cửa sẽ gây ngộ độc khí CO, một loại khí độc gây tử vong cao.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Thay đổi nhiệt độ quá nhanh, cơ thể người cao tuổi không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... hết sức nguy hiểm.
Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh.
Người già ban đêm hay thức dậy do khó ngủ hoặc do chứng tiểu đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra.
Nếu dậy sớm tập thể dục hoặc có việc phải đi ra ngoài cũng làm như vậy.
Ăn đủ chất
Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét.
Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa Hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường.
Thức ăn nên nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu như súp, cháo thịt, các món hầm...; số lượng ít vừa đủ nhưng chất lượng phải đảm bảo.
Người cao tuổi nên ăn nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm khó hấp thu.
Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu năng lượng; bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả, sữa chua.
Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể là nguyên nhân mất ngủ do đầy bụng chướng hơi, do đi tiểu nhiều.
Tuyệt đối không dùng rượu để "chống rét" vì rượu gây dãn mạch, khi ra ngoài lạnh rất nguy hiểm.
Tập luyện đều đặn
Tập luyện đều đặn giúp cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống chóng tiêu và giúp tăng khả năng chịu lạnh.
Khi tập thể dục phải chọn chỗ kín gió, ấm áp. Nên tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh.
Khi tập thể dục, đi bộ, chạy, chơi cầu lông... nên mặc áo khoác, khởi động kỹ cho người ấm lên sau đó mới bỏ áo ngoài và tập luyện.
Người cao tuổi nên chú ý chỉ tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()