Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:32 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Thứ 7, 04/09/2021 | 09:12:59 [GMT +7] A A
Xác định Chương trình OCOP Quảng Ninh là hướng đi bền vững cho ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất cũng như thúc đẩy phát triển KT-XH, thời gian qua các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đã và đang chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Trước đây, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến, huyện Tiên Yên có khoảng 20 hộ hội viên nuôi vịt đẻ trứng, lấy thương hiệu Trứng vịt biển Đồng Rui. Tuy nhiên, do quá trình hoạt động, năng lực quản lý của HTX còn hạn chế, không quản lý được thương hiệu dẫn đến việc một số cơ sở kinh doanh làm giả thương hiệu, gây mất uy tín với khách hàng và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ.
Đến năm 2019, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) huyện, HTX Đồng Tiến đã kiện toàn lại bộ máy, xây dựng thương hiệu và quản lý chặt chẽ hơn; đồng thời tích cực tham gia các chương trình OCOP của tỉnh, của huyện, từ đó lấy lại niềm tin với khách hàng và tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến, cho biết: Nhờ kiện toàn lại bộ máy, siết chặt khâu quản lý, kiểm soát chất lượng, mẫu mã, bao bì, thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui ngày càng mở rộng thị trường. Sắp tới HTX phát triển một số sản phẩm mới như trứng vịt muối, trứng vịt ăn liền.
Xác định chương trình OCOP có ý nghĩa nhằm phát huy lợi thế những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân, hằng năm, HND các cấp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chương trình.
Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Để tăng hiệu quả, thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông sản OCOP của nông dân, các cấp Hội đã đề nghị UBND cùng cấp bổ sung ngân sách và vận động từ cán bộ, hội viên nông dân đóng góp bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời, chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ hội viên trong việc xây dựng logo, nhãn mác, bao bì sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hỗ trợ nông dân quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất…
Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn từ phía các ngành, địa phương, nhiều chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới, không ngừng cải tiến quy trình, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm OCOP không ngừng vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh. Đồng thời, chú trọng xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững cho các sản phẩm OCOP .
Được định hướng là 1 trong 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, thương hiệu Chè Hải Hà hiện được chính quyền và các hộ sản xuất kinh doanh của Hải Hà quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững.
Theo đó, ngoài những chính sách mang tính "dài hơi" của chính quyền địa phương thì người trồng chè nơi đây cũng chú trọng đẩy mạnh áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến chè theo hướng chuyên nghiệp. Các hộ trồng chè cũng tích cực tham gia liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm chung tay xây dựng thương hiệu chè Hải Hà ngày càng chất lượng. Ông Trần Sỹ Dũng, Chủ cơ sở chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà), cho biết: Việc tham gia HTX giúp chúng tôi ổn định được nguồn hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm, từ đó, xây dựng được thương hiệu Chè Hải Hà phát triển bền vững.
Đến nay, Quảng Ninh có 500 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó trên 230 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với doanh số bàn hàng hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Theo ông Đặng Bá Bắc, Phó Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, các sở, ngành trong tỉnh thường xuyên tổ chức chấm điểm, đánh giá, xếp hạng sản phẩm; mạnh tay loại bỏ những sản phẩm OCOP không đảm bảo tiêu chuẩn, kém chất lượng hoặc không có tiềm năng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khích lệ người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()