Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:31 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng vùng chè Hải Hà
Thứ 4, 25/09/2024 | 16:52:46 [GMT +7] A A
Được biết đến là địa phương có khu vực trồng chè nổi tiếng với nhiều loại chè ngon, huyện Hải Hà đã và đang dân từng bước nâng tầm đưa chè trở thành sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị cây chè, hướng tới sản xuất chè bền vững, đưa thương hiệu vươn xa.
Là nơi chuyển tiếp giữa vùng núi cao biên giới và miền biển phía đông tỉnh Quảng Ninh, huyện Hải Hà có nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để canh tác cây chè. Từ những năm 1960, tại đây đã hình thành Nông trường chè Đường Hoa Cương với quy mô và sản lượng không ngừng mở rộng.
Tuy nhiên, giá trị cây chè Hải Hà vẫn đang ở mức thấp so với nhiều vùng chè trên cả nước. Một thời gian dài canh tác theo lối truyền thống, nương chè nhanh bị xuống cấp, chất lượng vệ sinh an toàn của chè nguyên liệu chưa đảm bảo.
Giai đoạn 2022 - 2025, huyện triển khai dự án cơ cấu lại ngành chè, trong đó áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ các hộ trồng chè về: đầu tư thâm canh theo VietGAP; hỗ trợ nâng cấp cải tạo nhà xưởng, dây chuyền chế biến; đánh giá cấp chứng nhận HACCP cho cơ sở chế biến; chuyển giao quy trình thâm canh và chế biến chè chất lượng cao, hỗ trợ phát triển giống chè mới Hương Bắc Sơn… đã dần làm thay đổi năng suất, diện mạo vùng chè của huyện, từ đó nâng cao giá trị cây chè trên địa bàn.
Cơ sở sản xuất chè của anh Lê Văn Thắng, thôn 6, xã Quảng Long, là một trong cơ sở sản xuất chè an toàn chất lượng cao với của xã. Để tạo ra giá trị cho cây chè, anh Thắng đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, anh Thắng đã chuẩn hoá các quy trình hấp, vò, sao lăn... để sản phẩm đầu ra có chất lượng cao nhất. Những búp chè tươi non được hái với tiêu chuẩn “1 tôm, 2 lá”, và chỉ được hái vào sáng sớm, khi còn ngậm sương mai. Chè sau khi hái được thu mua về các xưởng và chế biến ngay trong ngày đã tạo ra được sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị kinh tế.
Chia sẻ về quy trình sản xuất của mình, anh Lê Văn Thắng cho biết: Cơ sở chúng tôi có thu mua và tham gia sản xuất chè hữu cơ chất lượng cao, chủ yếu là giống chè Ngọc Thúy, hương Bắc Sơn. Giống chè này có hương vị thơm dịu mát, ngon và đậm nước, cho giá trị kinh tế cao hơn so với các giống chè cũ. Quy trình chăm sóc của chúng tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, vi sinh để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm.
Toàn huyện hiện có 800 ha chè; hơn 2.000 hộ dân hoạt động sản xuất chè; sản lượng chè tươi bình quân hàng năm đạt 6.300 tấn, sản lượng này chủ yếu của các hộ dân và một số cơ sở sản xuất được cung cấp cho 7 cơ sở chế biến chính, trong đó có 3 cơ sở chế biến công suất lớn và thị trường tiêu thụ sang Trung Quốc, các nước Trung Đông. Các cơ sở còn lại chủ yếu chuyên về chế biến sâu phục vụ thị trường nội địa. Hiện sản phẩm chè Đường Hoa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, xếp hạng 4 sao trong Chương trình OCOP Quảng Ninh với bao bì hoàn thiện, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc...
Đồng chí Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Hải Hà là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp phát triển cây chè và nhiều năm qua cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương để phát triển kinh tế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị cây chè, giai đoạn 2022 – 2025, huyện đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chè, trong đó chủ yếu tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Huyện đã triển khai thí điểm trên diện tích 35ha để cho bà con học tập và nhân rộng; thực hiện hỗ trợ giống, phân bón, xưởng chế biến, nhãn mác, bao bì..., từ đó nâng cao được giá trị vùng chè. Hiện sản phẩm chè theo hướng vô cơ trên địa bàn dao động từ 100-200 nghìn đồng/kg, nhưng sản phẩm theo hướng hữu cơ từ 300-500 nghìn đồng/kg, sản xuất đến đâu sẽ bán hết đến đấy.
Ngoài hỗ trợ các hộ dân sản xuất chè áp dụng khoa học công nghệ đưa máy móc vào khâu thu hái, lắp đặt dây chuyền chế biến chè chất lượng cao để tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như trong nước. Huyện cũng đã giới thiệu, xây dựng vùng chè thành điểm du lịch sinh thái, tổ chức ngày Hội chè; tham gia hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá, xúc tiến sản phẩm chè, từ đó nâng cao giá trị cây chè, giúp nông dân có thể gắn bó với vùng chè, phát triển chè một cách bền vững.
Trần Trinh (TTTT&VH Hải Hà)
Liên kết website
Ý kiến ()