Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:11 (GMT +7)
Nâng cao giá trị cho cây chè Hải Hà
Thứ 5, 28/07/2022 | 09:08:35 [GMT +7] A A
Nhắc đến Hải Hà, nhiều người nghĩ ngay đến những đồi chè lúp xúp trên mảnh đất này đã hơn 50 năm. Theo những người lớn tuổi làm ở Nông trường chè Hải Hà trước đây, sản phẩm chè Hải Hà đã từng được đưa đi phục vụ tại Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1973. Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành trong nước, giá trị cây chè Hải Hà vẫn ở mức thấp, bởi vậy, huyện đang nỗ lực nâng cao chất lượng, giá trị diện tích chè trên địa bàn.
Hải Hà hiện có gần 800ha chè, nằm rải rác ở các xã, trong đó nhiều nhất là xã Quảng Long với 250ha. Từ năm 2016 đến nay, huyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc thay thế 200ha chè giống mới (Ngọc Thúy); đầu tư dây chuyền sản xuất ở một số cơ sở để đáp ứng việc chế biến chè chất lượng cao; hỗ trợ máy móc cơ giới hóa cho người nông dân thu hái, trồng chè và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Hiện toàn huyện có 4 doanh nghiệp và một số cơ sở nhỏ lẻ chế biến chè. Sản lượng chè 5 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 1.500 tấn búp tươi.
Mặc dù vậy, giá trị trên 1ha chè ở Hải Hà mới đạt hơn 33 triệu đồng/năm, còn tại vùng chè Thái Nguyên giá trị sản xuất của cây chè đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, độ đượm của chè Hải Hà không thua kém gì chè Thái Nguyên. Năm 1972 các nhà nghiên cứu cũng đã khảo sát rất nhiều vùng chè, trong đó có cả chè Thái Nguyên và quyết định chọn 2 tạ chè ở Hải Hà để phục vụ Hội nghị Paris (diễn ra việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa). Hiện một số cơ sở tại Hải Hà vẫn xuất nguyên liệu chè cho các doanh nghiệp ở Thái Nguyên để họ chế biến, đóng gói xuất ra nước ngoài dưới thương hiệu chè Thái Nguyên.
Nguyên nhân giá trị chè Hải Hà thấp là do trên địa bàn còn nhiều diện tích chè giống cũ, năng suất thấp, đầu tư thâm canh kém hiệu quả. Cùng với đó, do sự dễ dãi trong thu mua trước đây của các cơ sở chế biến đã hình thành thói quen thu chè lẫn rất nhiều cộng dài, thậm chí cả lá già của người dân, trong khi chè Thái Nguyên chủ yếu thu hái theo tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá”. Thêm vào đó, công nghệ chế biến chè của các cơ sở chưa cao, chủ yếu ở dạng thô, ít coi trọng các yếu tố theo tiêu chuẩn cho từng công đoạn (sao, sấy, đóng gói). Chè Hải Hà chủ yếu được các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu. Sản lượng chè khô của huyện đạt khoảng 1.500 tấn/năm, thì 700-800 tấn xuất sang Trung Quốc, còn lại được tiêu thụ nội địa trong và ngoài tỉnh.
Hải Hà xác định chè là một trong những loại sản phẩm chủ lực, là sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển. Huyện đề ra mục tiêu đưa diện tích chè đến năm 2025 đạt 900ha, sản lượng chè búp tươi đạt 8.100 tấn, trị sản xuất chè đạt 64,8 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1ha chè đạt 72 triệu đồng...
Sản phẩm chè Đường Hoa hiện đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý; tham gia Chương trình OCOP và được xếp hạng 4 sao. Ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, huyện cũng đang tập trung tìm thị trường tiêu thụ ở một số nước khác và tăng thị trường tiêu thụ nội địa, trong đó khai thác thị trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Muốn vậy, huyện tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao, như: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên... Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới trên toàn huyện đạt trên 85% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, huyện vận động người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2-3 lá”; vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp, áp dụng chặt các tiêu chuẩn của một số công đoạn trọng yếu trong chế biến như: Hấp chè, vò chè, sao lăn và phân loại trước khi đóng gói.
Năm 2022, Hải Hà đôn đốc đơn vị tư vấn đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho 25ha chè tại xã Quảng Long; hỗ trợ nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền chế biến; hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP; chuyển giao quy trình công nghệ chế biến đối với các cơ sở chế biến chè trên địa bàn huyện; hỗ trợ các cơ sở thiết kế mẫu mã bao bì, đăng ký nhãn mác sản phẩm có nhu cầu và tham gia vào chu trình OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Hải Hà còn đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh chè; thành lập các chuỗi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến kinh doanh và nông hộ trong sản xuất, chế biến. Phát triển vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ tập trung tại Quảng Long và phụ cận gắn với các tuyến du lịch sinh thái tại vùng chè, trải nghiệm sản xuất chè...
Mong rằng, những biện pháp huyện đang thực hiện sẽ giúp chè Hải Hà ngày càng có nơi tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị, trở thành cây chủ lực góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()