Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:55 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả từ các hiệp định FTA
Thứ 4, 27/12/2023 | 10:38:42 [GMT +7] A A
Có được FTA chỉ là một phần của giấy thông hành sang các thị trường, quan trọng để đi được đường dài và nâng cao năng lực cạnh tranh, DN phải xây dựng được thương hiệu.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay có thể đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022. Đóng góp vào kết quả này là 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp Việt Nam có lợi thế tại hơn 60 thị trường đối tác toàn cầu và cùng với đó là mở rộng cửa ngõ sang các thị trường tiềm năng.
Bộ Công Thương cho biết, mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm, hiện chỉ còn dưới 6%. Tỷ lệ tăng trưởng với các mặt hàng tận dụng FTA đối với chế biến chế tạo tăng đột biến như linh kiện điện tử hơn 30%, dệt may da giày hơn 20%.
"Những mặt hàng này đã cho thấy chuỗi cung ứng trước đây mong muốn hình thành ở Việt Nam để sản xuất đã bắt đầu hình thành. Do đó, những doanh nghiệp đó đã đủ tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để tận dụng xuất khẩu", ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho hay.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam trở thành cửa ngõ quan trọng trong chuỗi cung ứng khi hiện nay đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đang ưu tiên các địa điểm đầu tư như Việt Nam, đảm bảo các tiêu chí khả năng phục hồi kinh tế nhanh, chuỗi sản xuất liên vùng và đa dạng hóa nhà cung cấp. Các Hiệp định thương mại tự do đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư với chiến lược như vậy", ông Hans Kerstens, Giám đốc quản lý Khu công nghiệp DEEP C, nhận định.
Tuy nhiên, nhận định chung là nhu cầu giảm mạnh vẫn còn kéo dài ở hầu hết các thị trường. Các đối tác, thương hiệu trên thế giới phải dừng đơn hàng, định hình lại các nhà cung ứng, cùng với đó là các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn. FTA là một lợi thế, nhưng đó là chưa đủ để có thể cạnh tranh.
Dệt may là một trong những ngành hàng có tỷ lệ sử dụng các hiệp định thương mại tự do nhiều nhất, nhưng các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ gia công, chủ yếu xuất khẩu qua trung gian, do vậy giá trị gia tăng thấp. Bài toán đặt ra đó là có được các FTA chỉ là một phần của giấy thông hành sang các thị trường, quan trọng để đi được đường dài và nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu.
"Các khách hàng lớn trên thế giới từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu mong muốn các nhà máy Việt Nam có khả năng phát triển mẫu, thiết kế, liên kết sâu hơn trong chuỗi cung ứng của khách hàng làm sao không chỉ mình gia công, mà còn cung cấp các giải pháp", ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông tin.
Xây dựng thương hiệu không dễ và chỉ dành cho các doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, sự hiểu biết về thị trường và một chiến lược bài bản, nhưng là việc phải làm để có thể đảm bảo xuất khẩu bền vững.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()