Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:32 (GMT +7)
Nâng cao năng lực bơm thoát nước mỏ
Thứ 6, 13/09/2024 | 16:39:27 [GMT +7] A A
Nâng cao năng lực bơm thoát nước mỏ là một trong những yêu cầu quan trọng với các đơn vị ngành Than nhằm đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả. Tại các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh, những thiết bị bơm đang được sử dụng đều có công suất lớn, chiều cao đẩy lớn và phương pháp bơm cưỡng bức để thoát nước đáy moong. Với các mỏ khai thác than hầm lò, những hệ thống bơm cũng được tự động hóa và đồng bộ với công nghệ kiểm soát, thăm dò mọi nguy cơ bục nước, ngập mỏ.
Ở độ sâu tiệm cận -300m so với mực nước biển, những mùa mưa trước, moong than khai trường Đèo Nai của Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV có trữ lượng nước dao động khoảng 6 triệu m3. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay với những trận mưa lớn kéo dài, vũ lượng vượt trội so với dự báo, lượng nước tích trong moong có thời điểm cao hơn 6 triệu m3.
"Để xử lý lượng nước này, khai trường Đèo Nai hiện đang sử dụng 6 bơm công suất 1.250m3/h từ mức đáy moong đến mức trung gian -50m và lên mặt bằng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở mức +90m so với mực nước biển. Về mặt công nghệ, các hệ thống bơm của Than Đèo Nai đều sử dụng công nghệ bơm tiên tiến, điều khiển khởi động mềm tập trung và được tự động, liên động trong từng dãy bơm từ cấp dưới lên cấp trên bằng sóng wifi" - ông Nguyễn Văn Minh, Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa TB Cơ điện, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV cho biết.
Đặc điểm các mỏ lộ thiên của ngành Than là khai thác theo mùa. Mùa mưa khai thác các tầng trên cao, mùa khô đào sâu đáy mỏ để lấy than. Mặt khác, diện khai thác của các mỏ than lộ thiên đều được tổ chức dưới mức thoát nước tự chảy. Để đào sâu đáy mỏ lấy than, các đơn vị sẽ triển khai phương pháp bơm cưỡng bức, bơm cạn nước và vét sạch khối bùn lắng đọng tại đáy mỏ sau mỗi mùa mưa.
Các mỏ có kích thước khai trường lớn sẽ bố trí trạm bơm trung gian trên bờ mỏ và sử dụng bơm 2 cấp, mỏ kích thước khai trường hạn chế sử dụng công nghệ bơm nối tiếp để bơm từ đáy mỏ lên trên mức thoát nước tự chảy. Tùy yêu cầu thực tế, các loại bơm được sử dụng cho các mỏ có lưu lượng từ 560-800m3/h và từ 1.040-1.260m3/h; một số mỏ sử dụng thêm các loại bơm có công suất lớn với lưu lượng 1.400m3/h, 2.000m3/h và bơm bùn lưu lượng 400m3/h.
Còn với các mỏ khai thác than hầm lò, công tác thoát nước mỏ là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng cùng với phòng ngừa cháy nổ khí mỏ, điều khiển áp lực mỏ. Do đó, các đơn vị sẽ chủ động xác định nguồn xuất lộ nước từ những khu vực chứa nước trên bề mặt địa hình như: Sông suối, ao hồ, các moong khai thác lộ thiên, bãi thải đang hoặc đã ngừng hoạt động; các khu vực bị sụt lún, nứt nẻ. Đáng chú ý là những khu vực chứa nước dưới lòng đất như: Địa tầng chứa nước, lỗ khoan địa chất, khu vực đã khai thác, hệ thống lò cũ, đứt gãy; khu vực giáp ranh chồng lấn khai thác giữa các đơn vị khai thác.
Hiện nay, diện khai thác hầm lò khu Lộ Trí của Công ty Than Thống Nhất nằm dưới khai trường lộ thiên của Công ty Than Khe Sim trực thuộc Tổng Công ty Than Đông Bắc. Hàng năm, hai đơn vị thường xuyên phối hợp trong công tác xử lý nước moong Khe Sim, nhằm hạn chế tối đa lượng nước mặt gây thẩm thấu xuống các diện khai thác than hầm lò của Công ty Than Thống Nhất.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Than Thống Nhất - TKV, trận bão số 3 vừa qua đã khiến mực nước trong moong lộ thiên dâng cao, trong khi đó, hệ thống điện lưới quốc gia bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão khiến công tác bơm tiêu thoát nước khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Để xử lý nước moong Khe Sim, hạn chế lượng nước mặt tràn xuống các đường lò khu Lộ Trí, Công ty Than Thống Nhất đã phải huy động các hệ thống bơm của Công ty, phối hợp với hệ thống bơm của Công ty Than Khe Sim và bố trí máy phát điện nhằm đảm bảo hoạt động bơm nước được liên tục. Nhờ vậy, ngay sau khi bão số 3 đi qua, Than Thống Nhất đã nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại và ra than ngay trong ngày 10/9 vừa qua.
Hàng năm, để đảm bảo hiệu quả công tác xử lý nước hầm lò, các mỏ đã thực hiện nhiều biện pháp thăm dò, xác định những khu vực, điểm tàng trữ nước để chủ động triệt tiêu từ sớm nguy cơ nước ảnh hưởng đến diện sản xuất. Tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, các phương án thoát nước mỏ phải được triển khai với hệ số dự phòng cao hơn. Bởi trên thực tế, trận mưa lịch sử năm 2015 và gần đây nhất là cơn bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão, lượng mưa lớn kỷ lục cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ thống điện sản xuất đã khiến một số mỏ không đáp ứng được yêu cầu thoát nước. Chính vì vậy, các mỏ khai thác than vùng Quảng Ninh cần nâng cao hơn nữa năng lực bơm thoát nước, đảm bảo hoạt động của các hệ thống điện, triển khai tốt các biện pháp phòng ngừa ngập nước trong quá trình sản xuất.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()