Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:20 (GMT +7)
Nên ăn bao nhiêu thịt đỏ để không lo mắc ung thư?
Chủ nhật, 02/05/2021 | 13:35:32 [GMT +7] A A
Thịt đỏ cung cấp protein (chất đạm) có giá trị sinh học cao, có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, WHO cũng xếp nó là chất gây ung thư Nhóm 2A, có thể gây ung thư.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thịt đỏ được định nghĩa là thịt của động vật có vú chưa qua chế biến (ví dụ như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu...) hay còn được hiểu đơn giản là thịt của động vật 4 chân.
Thịt đỏ cung cấp protein (chất đạm) có giá trị sinh học cao, có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, thịt đỏ có hàm lượng sắt cao, một thành phần quan trọng để tạo máu, đồng thời thịt đỏ còn chứa nhiều vi chất cần thiết khác như vitamin B, kẽm,…
Tuy nhiên, nếu sử dụng thịt đỏ không hợp lý thì người sử dụng sẽ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại thịt đỏ là chất gây ung thư Nhóm 2A, có nghĩa là có thể gây ung thư, nguy hiểm hơn là thịt đã qua chế biến được xếp vào Nhóm 1-chất gây ung thư.
Năm 2015, Bouvard và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu dịch tễ học và đưa ra đủ bằng chứng về khả năng gây ung thư của thịt đã qua chế biến. Tuy nhiên đối với thịt đỏ, nhóm nghiên cứu kết luận rằng chứng cứ bị hạn chế và không có mối liên hệ rõ ràng nào được tìm ra. Bên cạnh đó, chất hóa học gây ung thư chủ yếu được hình thành trong quá trình chế biến thịt đỏ như: hun khói, nướng, chiên rán nhiều lần khiến thịt bị cháy.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), bạn không cần phải ngừng ăn thịt đỏ để giảm nguy cơ ung thư vì thịt đỏ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng. Hội đồng Ung thư NSW và hướng dẫn chế độ ăn uống của Úc khuyến cáo rằng bạn không nên ăn quá 700 g thịt đỏ sống hoặc 455 g thịt nạc đỏ nấu chín mỗi tuần.
Điều này có nghĩa là bạn có thể có 1 hoặc 2 khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày trong 3-4 bữa một tuần. Một khẩu phần thịt đỏ tương đương với 90-100 g thịt sống hoặc 65 g thịt nấu chín.
Ngoài thịt đỏ, bạn có thể sử dụng thịt gia cầm, tôm, cua, cá, trứng và các loại đậu đỗ. Bên cạnh đó, bạn nên áp dụng một số phương pháp chế biến thịt sử dụng ít chất béo và tránh để thịt bị cháy như hấp, luộc, xào, hầm, rang chậm hoặc bỏ lò vi sóng, hạn chế chiên rán và nướng.
Thịt đỏ (thịt của các loại gia súc) cũng là một loại thực phẩm bệnh nhân ung thư nên hạn chế. Bệnh nhân có thể thay thế bằng thịt gia cầm, cá, nguồn đạm từ thực vật. Trong trường hợp ăn thịt gia súc thì nên ưu tiên chọn phần thịt thăn.
Để phòng bệnh ung thư, duy trì một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, ăn uống khoa học là rất cần thiết. Bên cạnh đó, khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kỳ cần được quan tâm, đặc biệt là ở những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như tiền sử gia đình có người mắc bệnh, mang gen đột biến gây ung thư, nghiện rượu bia, thuốc lá…
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()