Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 15:17 (GMT +7)
Nền tảng cho phát triển bền vững
Thứ 7, 24/08/2024 | 12:43:45 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng. Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, Quảng Ninh tập trung huy động mọi nguồn lực, nâng cao tiềm lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Đầu tư xứng đáng cho KHCN và đổi mới sáng tạo
Giai đoạn 2012-2024, Quảng Ninh chi hơn 2.500 tỷ đồng cho hoạt động KHCN, bình quân hằng năm đạt 2,73% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh, trong đó cao nhất là các năm 2015, 2018, 2019 đạt trên 4% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Riêng năm 2024 chi đầu tư KHCN và đổi mới sáng tạo là 126,7 tỷ đồng, bằng 1,78% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh.
Nhiều địa phương cấp huyện cũng đã chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu như: Cô Tô, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long với tổng kinh phí gần 11,057 tỷ đồng. Điều này cho thấy KHCN và đổi mới sáng tạo luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Quảng Ninh cũng xác định KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Cụ thể như Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 5/5/2012) và Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 13/3/2017) về phát triển KHCN; Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND (ngày 7/12/2016) và Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND (ngày 9/12/2020) về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, còn có các chương trình, đề án khác như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; đề án bảo tồn nguồn gen đến năm 2025; kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chương trình phát triển thị trường KHCN…
Nhờ sự đầu tư xứng đáng, KHCN và đổi mới sáng tạo dần thể hiện rõ vai trò, cho thấy những đóng góp tích cực với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án KHCN được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. KHCN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm QP-AN và trật tự an toàn xã hội.
Theo tính toán, đến nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đóng góp chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP của tỉnh đạt 50,01% (năm 2023); Quảng Ninh xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.
Nâng cao tiềm lực KHCN
Dù có những nỗ lực, tuy nhiên hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, hạ tầng về KHCN của tỉnh vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chưa có các trung tâm dữ liệu lớn (Big data), sự tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành có thế mạnh của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến còn hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, của ngành; đóng góp của kinh tế số trong GRDP thấp, mới chỉ dừng lại ở con số 5,9%.
Với quan điểm, coi KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt cho phát triển KT-XH, Quảng Ninh đang tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu và giải pháp để gia tăng tiềm lực của KHCN. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN: Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư dự án hạ tầng KHCN và đổi mới sáng tạo bảo đảm đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất như: Trạm và các điểm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp địa phương; khu trình diễn, giới thiệu, chuyển giao mô hình thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KHCN, lưu trữ nguồn gen; khu công nghệ thông tin tập trung (Hạ Long ICT Park); các trung tâm khám phá KHCN và đổi mới sáng tạo tại Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Móng Cái... Quảng Ninh cũng phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một điểm đến triển lãm quốc tế hằng năm về khoa học biển, cảng biển và khoa học bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng sẽ mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, thương mại, logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường... để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN.
Tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo động lực và sức bật cho KHCN và đổi mới sáng tạo; ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu KHCN tiên tiến; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng tay nghề cao.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()