Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 07:21 (GMT +7)
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông: Nền tảng số là giải pháp đột phá xây dựng chuyển đổi số quốc gia
Thứ 6, 04/11/2022 | 14:06:05 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trên thế giới thực, nếu không làm chủ nền tảng số, dữ liệu của người dân Việt Nam kinh doanh, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài sẽ bị thu thập.
Xử lý chậm sẽ lan truyền rất rộng
Mở đầu phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/11 đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng, trong bối cảnh việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm, tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, nếu xử lý chậm sẽ lan truyền rất rộng. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định, trong đó quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, đồng thời hạ thời gian các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ rút xuống còn 24 giờ, thậm chí có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ.
Mức phạt với các hành vi đưa thông tin xấu, độc hiện nay đã tăng lên 3 lần, tuy nhiên theo Bộ trưởng, mức này so với các nước khác trên thế giới mới chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đề nghị xem xét, cân nhắc đưa mức xử phạt này lên mức răn đe, ít nhất ngang với mức trung bình của các nước trong khu vực.
Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) về nâng cao “sức đề kháng” trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng nêu quan điểm cơ quan, tổ chức, cá nhân nào quản lý lĩnh vực này trong không gian thực thì cũng phải quản lý trên không gian mạng.
Bộ trưởng cho biết nhân lực để ngăn chặn thông tin xấu, độc ở Việt Nam còn mỏng, trong khi 1 người Việt Nam thường có 4 tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Nếu chỉ dựa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an - hai lực lượng chính trong công tác này thì “làm không xuể”, không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc “làm sạch” không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.
“Không gian mạng là của chúng ta, mỗi người trong chúng ta cần có trách nhiệm làm cho không gian đó trong sạch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh khi toàn bộ xã hội cùng vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Bộ trưởng cũng nêu rõ Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động rà soát, gỡ quét thông tin xấu độc.
Bộ trưởng cũng thông tin, hiện Bộ đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung kỹ năng số vào chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng đào tạo kỹ năng số trực tuyến để mọi người dân truy cập học tập, bồi đắp kỹ năng cơ bản trong môi trường số. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây cũng là các bước để nâng cao “sức đề kháng” trước thông tin xấu, độc.
Cần chính sách thu hút nhân tài
Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia và giải bài toán chảy máu chất xám nhân tài công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá xây dựng chuyển đổi số quốc gia.
Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trên thế giới thực, nếu không làm chủ nền tảng số, dữ liệu của người dân Việt Nam làm ăn, vui chơi giải trí trên các nền tảng số nước ngoài sẽ bị thu thập. Khẳng định dữ liệu số cũng là tài nguyên của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển nền tảng số.
Bộ trưởng cho hay, năm 2022, Bộ đã công bố nền tảng số dùng chung quốc gia, trong đó có trên 52 nền tảng số đã cơ bản xây dựng xong và đưa vào khai thác, vận hành. Bộ trưởng cũng thông tin về tín hiệu đáng mừng khi năm nay, đã có 50 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số do Việt Nam phát triển, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt và con số này đang tăng lên.
Về vấn đề chảy máu chất xám, theo Bộ trưởng, nhân tài là nguồn lực cơ bản của quốc gia, là yếu tố quan trọng trong làm chủ và quyết định công nghệ. Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài trả lương cho nhân lực công nghệ thông tin cao gấp nhiều lần công ty trong nước, Bộ trưởng cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đã trả mức lương tương đương nước ngoài, bắt đầu xuất hiện nhiều người lao động Việt Nam đang làm ở nước ngoài về nước và cả người nước ngoài cũng đến Việt Nam làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam có phát triển được giá trị gia tăng, tạo ra lợi nhuận cao để sẵn sàng trả lương cao hay không. Cho rằng Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, Bộ trưởng cũng đề nghị cần có thêm nhiều chính sách thu hút nhân tài hơn cho phát triển khoa học công nghệ.
Trả lời câu hỏi đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp xử lý thực trạng nhân lực về công nghệ thông tin còn yếu và thiếu như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, nguồn nhân lực công nghệ thông tin nước ta hiện có khoảng 1,2 triệu người, trong đó khoảng 550 nghìn có trình độ cao đẳng trở lên.
Bộ trưởng nêu bài toán, các quốc gia như ở châu Âu đặt mục tiêu đến 2030, nhân lực làm trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin chiếm khoảng 5% dân số, nếu với tỷ lệ đó, ở Việt Nam là 5 triệu người, hoặc ít hơn cũng phải 3 triệu người.
Thực tế Việt Nam mỗi năm trung bình các trường đại học, cao đẳng trong nước cho ra trường cũng chỉ khoảng 60-70 nghìn người. Theo Bộ trưởng, đào tạo truyền thống đã đạt đến mức giới hạn do yếu tố giáo viên, cơ sở vật chất của các trường…, vì vậy giải pháp đột phá là đại học số.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm nay cấp 5 giấy phép về thí điểm đại học số. Theo Bộ trưởng, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, một trong những nước thực hiện rất tốt đại học số. Nếu có thể thí điểm sớm, đây là một trong những giải pháp quan trọng để nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, phục vụ không chỉ chuyển đổi số Việt Nam mà ở các nước khác.
“Hiện nay, có một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm rất tốt, doanh thu rất cao đến hàng tỷ USD chính là làm các chương trình chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật Bản... Có thể coi đây là một trong những cơ hội để chúng ta xuất khẩu nhân lực công nghệ thông tin”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, nên có cách nhìn mới về đào tạo nguồn nhân lực số. Ngoài việc học đại học, cao đẳng, mỗi người dân Việt Nam từ công chức, người lao động, người dân cũng nên có kỹ năng về chuyển đổi số.
Một giải pháp căn bản Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến cho người dân để tất cả đề có kỹ năng chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng, Bộ đã xây dựng nền tảng học tập trực tuyến mở đại trà có tên Onetouch và đưa vào vận hành được 6 tháng với 10 triệu người Việt Nam tham gia học tập. Trong đó, cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức tham gia tự học, tự đánh giá, tự cấp các chứng chỉ.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()