Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:51 (GMT +7)
Ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (Khoá XII): Nhiều ý kiến tâm huyết tham gia vào Quy hoạch phát triển KHCN của tỉnh
Thứ 6, 14/03/2014 | 10:35:01 [GMT +7] A A
Ngày 13-3, trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh dành phần lớn thời gian để nghe và thảo luận về Quy hoạch phát triển KHCN của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sau khi nghe dự thảo, các đại biểu sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào bản Quy hoạch này.
* Đại biểu Nguyễn Thị Huân (Tổ đại biểu Đông Triều): Quy hoạch đã bám sát định hướng phát triển của tỉnh
Quy hoạch đã bám sát Quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành và định hướng phát triển của tỉnh. Qua nghiên cứu đồ án quy hoạch, tôi xin tham gia một số nội dung: Về quan điểm, từ thực trạng và sự đóng góp của KHCN vào phát triển của tỉnh, để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, xây dựng tỉnh thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại, Quảng Ninh phải phát triển mạnh KHCN mà trọng tâm là ứng dụng và chuyển giao KHCN vào các lĩnh vực nên trong quan điểm đặt ra của quy hoạch cần khẳng định rõ hơn nội dung này.
Về mục tiêu, trong quy hoạch đề ra năm 2015 hàm lượng KHCN đạt 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đến năm 2020 đạt từ 40 đến 45% là thấp, đề nghị cần điều chỉnh lại mục tiêu này. Đồng thời cần cụ thể rõ hơn mục tiêu ứng dụng, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ của tỉnh.
Việc dành nguồn lực từ ngân sách và huy động các nguồn đầu tư ngoài ngân sách cho KHCN là hết sức cần thiết. Song không chỉ dành nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh mà cần phải cân đối nguồn lực này trong ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao KHCN, xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá của từng địa phương trong tỉnh.
* Đại biểu Kiều Quốc Huy (Tổ đại biểu Tiên Yên): Phát triển KHCN để thúc đẩy ngành thuỷ sản và kinh tế rừng
Quảng Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế thuỷ sản và kinh tế rừng. Tới đây tỉnh ta sẽ có nghị quyết chuyên đề về 2 lĩnh vực này nên trong quy hoạch cần quan tâm hơn đến ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế rừng và thuỷ sản.
Muốn thúc đẩy các ngành này, trong quy hoạch phát triển KHCN cần đề ra nhiệm vụ giải pháp tiến hành điều tra cơ bản làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai phát triển kinh tế thuỷ sản và nông nghiệp. Ở huyện Tiên Yên, vừa qua khi rà soát lại thông tin cơ bản về thuỷ sản và lâm nghiệp, tôi thấy chưa có cơ sở dữ liệu gì. Tìm hiểu thêm ở Ba Chẽ, tôi thấy cũng trong tình trạng đó. Không điều tra cơ bản về thổ nhưỡng, nguồn nước, môi trường, nguồn gen động vật, đặc điểm sinh học từng loài… thì khó có cơ sở để lựa chọn loài và vùng bảo tồn sản xuất, sản phẩm chủ lực và công nghệ tiên tiến tương ứng.
Theo tôi việc này phải làm ngay và rất tốn kém nên cần đầu tư nhiều về ngân sách. Trong quy hoạch xác định đầu tư 3 tỷ trong giai đoạn 2014-2015 là thấp, cần được nâng lên.
* Đại biểu Vi Ngọc Bích (Tổ đại biểu Quảng Yên): Bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng có gen quý đưa vào sản xuất thành sản phẩm chủ lực
Để thực hiện các mục tiêu phát triển KHCN, tôi đề nghị: Đối với nhiệm vụ KHCN trong ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản, đồ uống: Cần nêu rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng chế biến các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh và xuất khẩu. Bởi lẽ tỉnh ta phần lớn diện tích chủ yếu là rừng, với đa dạng các sản phẩm dược liệu quý, ưu tiên cho việc nghiên cứu này sẽ phát huy tốt tiềm năng, góp phần tích cực cải thiện đời sống dân cư khu vực miền núi, biên giới.
Đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng có gen quý đưa vào sản xuất thành sản phẩm chủ lực với quy mô sản xuất lớn phục vụ nhu cầu thị trường. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi đề nghị cần quan tâm đến việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong quản lý để minh bạch quy trình sản xuất từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát huy hiệu quả các thương hiệu sau khi xây dựng. Đồng thời cần bổ sung đối tượng nhóm hộ, hộ nông dân là chủ các trang trại, gia trại cũng được hướng dẫn và tạo điều kiện xây dựng, đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hoá.
* Đại biểu Châu Hoài Thu (Tổ đại biểu Vân Đồn): Cần có giải pháp triển khai hiệu quả những đề tài nghiên cứu có giá trị
Về hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Mỗi năm tỉnh có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học từ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, trong đó có nhiều đề tài bảo vệ được đánh giá có giá trị về khoa học và có tính khả thi cao trong thực tiễn. Thế nhưng việc triển khai áp dụng các đề tài này vào thực tế sản xuất của địa phương vẫn chưa nhiều. Đây là sự lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên chất xám. Vì vậy, trong Quy hoạch này đề nghị cần làm rõ thực trạng và giải pháp trong việc xem xét, lựa chọn triển khai ứng dụng những đề tài có giá trị, có tính khả thi trong điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, cần có giải pháp về việc liên kết với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để đặt hàng một số đề tài KHCN mà tỉnh cần. Bên cạnh đó, tôi thấy vấn đề hình thành doanh nghiệp KHCN là một nội dung quan trọng đã được đề cập trong bản Quy hoạch. Đây chính là cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu và ứng dụng, do vậy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp KHCN hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực khó nên đến nay cả nước mới có trên 200 doanh nghiệp KHCN và tỉnh ta chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động với quy mô nhỏ (Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty TNHH Long Hải với sản phẩm Nấm Việt tại Đông Triều). Do đó, tôi đề nghị trong nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch cần đề cập sâu hơn nội dung này.
* Đại biểu Mai Vũ Tuấn (Tổ đại biểu Uông Bí): Đưa Đề án số hoá truyền dẫn phát sóng số mặt đất vào nhiệm vụ KHCN tỉnh
Theo Quyết định số 2451/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án số hoá truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 thì Quảng Ninh phải hoàn thành việc số hoá truyền dẫn phát sóng số mặt đất vào năm 2016 sớm hơn lộ trình chung của cả nước 4 năm (cả nước hoàn thành Đề án vào năm 2020). Việc số hoá công tác truyền dẫn truyền hình mặt đất cho phép cùng một tần số có thể phát vài chục kênh truyền hình, tránh được lãng phí về đầu tư máy phát sóng, tần số phát sóng vì tần số vô tuyến điện hiện nay cũng được coi là một tài nguyên rất quý. Triển khai thực hiện Đề án số hoá của Chính phủ, đến nay các khâu sản xuất chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã được số hoá hoàn toàn. Tuy nhiên, để triển khai công tác truyền dẫn số mặt đất đến tất cả các địa phương trong tỉnh đòi hỏi chúng ta phải tập trung chỉ đạo dành nguồn lực và có các giải pháp đồng bộ phát huy được hệ thống hạ tầng hiện có, tránh lãng phí trong đầu tư. Do đó, tôi đề nghị đưa nội dung thực hiện Đề án số hoá truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất vào nhiệm vụ KHCN.
Ngọc Hà - Lê Hải (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()