Những ngày cuối năm 2023, người thân và hàng xóm liên tục kéo đến hỏi thăm, chia vui khi nghe tin chị Lê Thị Phượng, 41 tuổi, ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa đã về nhà sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Tất cả chuyên mục
Ngày theo mẹ và một người cùng quê "lên phía Bắc làm ăn" năm 1993, Phượng không biết đó là khởi đầu của chuỗi ngày đen tối nhất đời mình.
Những ngày cuối năm 2023, người thân và hàng xóm liên tục kéo đến hỏi thăm, chia vui khi nghe tin chị Lê Thị Phượng, 41 tuổi, ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa đã về nhà sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc.
Ngồi nép mình trong ngôi nhà nhỏ, chị Phượng chậm rãi kể lại những tháng ngày cơ cực nơi đất khách bằng thứ tiếng Việt không còn sõi. Chị nói đến bây giờ vẫn chưa hết ám ảnh và sợ hãi mỗi khi nghĩ đến những tháng năm phải làm vợ của hai người đàn ông nơi xứ người.
"Đó là những tháng ngày khổ cực, ê chề cả thể xác lẫn tinh thần mà tôi rất buồn mỗi lần nghĩ tới", Phượng nói.
Trong trí nhớ không liền mạch, thi thoảng người thân ngồi bên cạnh nhắc lại chị Phượng mới nhớ lại gần đủ về hành trình lưu lạc đẫm nước mắt của bản thân.
Khoảng mùa hè năm 1993, sau vụ thu hoạch lúa vụ chiêm, mẹ chị - bà Lê Thị Vẹn - nghe lời rủ rê của một người phụ nữ ở xã bên "lên phía bắc đi làm ăn". Hai mẹ con rời nhà lúc trời nhá nhem tối, không thông báo cho gia đình biết. Sau khi vượt biên, họ mới biết đã lọt vào tay những kẻ buôn người chứ không có công việc nào như hứa hẹn.
Thời gian đầu bị bán đến một vùng quê heo hút của tỉnh Vân Nam bị quản thúc nghiêm ngặt, hai mẹ con vẫn được ở cùng nhau. Năm Phượng lên 15 tuổi bị ép gả cho người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi. Chung sống với người chồng đầu tiên khoảng 15 năm, chị sinh được ba đứa con, hai gái một trai. Cuộc sống quanh quẩn ruộng vườn và có gia đình nhỏ nhưng Phượng bảo vẫn không nguôi nỗi nhớ quê nhà.
Khoảng năm 2008, Phượng cùng mẹ tìm đường hồi hương. Nghe tin chồng đã lập gia đình mới sau nhiều năm không tìm được vợ con, bà Lê Thị Vẹn không về mà tá túc nhà người quen. Vài ngày sau, hai mẹ con tìm cách trở lại Trung Quốc vì nhớ cháu, phần vì không thích nghi được với cuộc sống quê nhà sau nhiều năm tha hương.
Trở lại Trung Quốc, Phượng lần thứ hai bị lừa bán cho một người đàn ông góa vợ ở tỉnh Sơn Tây và mất hoàn toàn liên lạc với mẹ.
Ở nhà người chồng thứ hai khoảng 9 năm, chị Phượng thường xuyên bị chồng và gia đình chồng giam lỏng không cho tiếp xúc với bên ngoài. Họ đánh đập, ép làm công việc nương rẫy nặng nhọc, ăn uống kham khổ. Phượng sau đó âm thầm lên kế hoạch trốn đi. Do không có tiền, không biết tiếng, không giấy tờ tùy thân, chị sống lang thang nay đây, mai đó trong tình trạng mất trí nhớ một phần.
Đầu năm 2020, lực lượng chức năng Trung Quốc trong quá trình rà soát, phát hiện Phượng không có giấy tờ tùy thân nên tạm giữ hơn một năm. Xác định chị Phượng là người Việt bị lừa bán, công an sở tại đã phối hợp với lực lượng chức năng của Việt Nam tìm kiếm quê quán, nhân thân.
Cuối năm 2022, Phượng được trao trả về Việt Nam nhưng lúc này chị không còn nhớ người thân hoặc quê hương bản quán. Chị được chăm sóc ở cơ sở Ngôi nhà bình yên thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Gần đây, khi khôi phục một phần trí nhớ, chị Phượng mới biết thông tin quê quán nên đầu tháng 12 được đưa về đoàn tụ gia đình.
Bất ngờ hội ngộ cùng cô con gái đầu lòng sau nhiều năm mất tích, ông Lê Quang Phố (65 tuổi, bố đẻ chị Phượng), cho hay những ngày qua ông vui vì đã tìm được con nhưng lòng đau nhói mỗi lần nghe con kể về những năm tháng lưu lạc, cuộc sống cơ cực nơi xứ người.
Ông Phố kể ngày vợ con đường đột bỏ nhà ra đi 30 năm trước mà không một lời từ biệt, ông lo lắng và nghĩ đến những điều xấu nhất. Nhiều tháng ròng rã, ông dắt theo hai con nhỏ đi kiếm tìm vợ song bặt vô âm tín. Cứ hễ nghe tin về manh mối vợ ở đâu, ông tức tốc lên đường.
"Có ngày cuốc bộ, có ngày tôi đạp xe hàng chục cây số, rong ruổi khắp làng trên xóm dưới mong tìm thấy vợ con đưa về song bao năm không có kết quả", ông Phố nói. Mấy năm sau, ông đi bước nữa với người phụ nữ trong làng và có thêm hai người con. Các con ông nay đã trưởng thành và có gia đình riêng.
Bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thiệu Giang, cho biết vì sức khỏe và tinh thần chị Phượng chưa ổn định, hội cắt cử người thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ, hướng dẫn chị Phượng cách nấu ăn, làm việc nhà để dần dần quen với cuộc sống mới. Về lâu dài, khi tâm lý ổn định, địa phương sẽ hỗ trợ chị Phượng tìm kiếm việc làm, tự nuôi sống bản thân và sớm hòa nhập với cộng đồng.
Ý kiến ()