Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:56 (GMT +7)
Nghệ thuật điêu khắc truyền thống ở Quảng Yên xưa
Chủ nhật, 12/06/2022 | 08:17:21 [GMT +7] A A
Thị xã Quảng Yên được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với rất nhiều công trình kiến trúc là di tích đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Bởi thế, cũng không lạ khi nghệ thuật điêu khắc dân gian đã rất phát triển ở nơi này.
Theo ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên, nói đến điêu khắc cổ ở Quảng Yên phải kể đến hệ thống kiến trúc điêu khắc đình làng, bia đá thế kỷ 17, 18 và điêu khắc tượng tròn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.
Ở Quảng Yên xưa, mỗi làng thường có 1 đình và 1 chùa. Các ngôi đình có kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn là đình Cốc, đình Trung Bản và đình Lưu Khê. Đình thường có kiến trúc vì kèo rất đẹp. Giữa hai cột cái có câu đầu, trên câu đầu có giá chiêng. Nối các vì kèo có thượng lương, xà trung, xà hạ. Trên các bức cuốn, đầu bẩy, đầu dư, xà ngang đều được chạm tinh xảo hình tứ linh, hình chim, cá, tôm, cua, cảnh bắt hổ, bắt báo.
Tiêu biểu nhất là đình Cốc. Đình có nghệ thuật điêu khắc, trang trí mỹ thuật toàn bộ kết cấu bên trong đình hầu hết bằng gỗ lim, phía trước là hệ thống cửa bức bàn, gồm hai cửa phụ, cửa chính và các chắn song lùa gió. Trong đó, cửa chính là một tác phẩm kiến trúc độc đáo. Mỗi bên cửa được chạm nổi hình một con rồng như đang uyển chuyển từ trên mây sà xuống, xung quanh là hình mây lửa và các riềm hoa văn. Khi khép hai cánh cửa lại thì thành một tác phẩm với hai con rồng chầu mặt trời.
Ông Lê Đồng Sơn cho biết thêm: Đình Cốc có nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung hưng. Bao gồm nhiều mục như chạm kênh bong (chạm nổi trên gỗ) các đầu xà, đầu cột. Chạm nổi các họa tiết ở thân đầu, vì kèo, cột và cửa chính. Đặc biệt cửa chính chạm nổi. Ở đây một bức tranh “long ly quy phượng” rất đẹp, con rồng từng chi tiết vẩy, râu, móng đầu đều được các nghệ nhân khéo léo chạm rất công phu từng đường nét.
Đặc biệt, các đầu xà của đình, nghệ nhân còn khéo léo chạm nổi các con rồng. Việc chạm nổi nhiều con rồng cho thấy việc tôn trọng các vị thần biển ở nơi đây rất cao. Người dân mong muốn thờ những vật chủ như con rồng biển để cầu mong đi biển được bình an.
Bên cạnh đó, đình Cốc còn được chạm khắc các đề tài: Long, ly, quy, phượng (tứ linh), các hình ảnh lễ hội dân gian đánh vật, chọi gà, bơi thuyền, đi hội. Hình ảnh được chạm nổi nhưng không hề rối, không gò bó, vụn vặt mà rất hài hoà với không gian kiến trúc, thể hiện bàn tay khéo léo của nghệ nhân dân gian xưa.
Quảng Yên còn nhiều chùa cổ trong đó có những chùa được xây từ thế kỷ 16. Tổng cộng có khoảng 300 bức tượng Phật và rất nhiều bia đá. Tượng Phật là những tác phẩm điêu khắc tượng tròn độc đáo và có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu như chùa Yên Đông được dựng vào năm 1587. Chùa còn 22 pho tượng trong đó có 6 pho được tạc năm 1588. Sáu bức này được chạm khắc tinh tế hài hoà từ dáng hình nét mặt đến nếp áo. Họa tiết trang trí màu sơn thiên về đen nâu thếp vàng. Đây là 6 bức tượng điển hình cho phong cách tượng tròn thời Mạc, thời kỳ rực rỡ nhất của nghệ thuật tượng tròn trong nền điêu khắc Việt Nam. Đặc biệt, chùa vẫn giữ được nguyên vẹn pho tượng phật được làm vào năm Đoan Thái thứ 3 (1588). Đây là các tác phẩm điêu khắc gỗ được tạo tác với các đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Ngoài ra chùa Yên Đông còn lưu giữ được 2 tấm bia khắc vào năm Hưng Trị thứ 3 (1590), Hưng Trị thứ 4 (1591). Đó là những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo của thời Mạc với hình tượng rồng uốn lượn, hoa văn hoa lá đặc trưng của thế kỷ 16 mà ít chùa có được. Không chỉ vậy chùa Yên Đông còn có nhiều tượng phật, bia đá, đồ thờ tự được làm vào thời Nguyễn mang giá trị nghệ thuật cao. Trán bia chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt rất đẹp; riềm bia chạm hoa lá với những họa tiết điển hình thời Mạc.
Một mảng đáng chú ý ở Quảng Yên là điêu khắc đồ thờ cúng và trang trí nhà của trong các gia đình dòng họ. Nhiều căn nhà gỗ, bức đại tự chạm hình tứ linh, chim muông, cỏ cây, hoa lá độc đáo. Các ngai thờ, bài vị, bát hương, kiệu long cống, kiệu long đình ở nhiều nhà thờ họ, tư gia đều chạm nổi rồng phượng, hoa lá, được sơn son thếp vàng rất đẹp.
Phạm Học
- Đi tìm nguồn gốc trang trí hổ phù trong mỹ thuật truyền thống
- Trên 30 tác phẩm hội họa, điêu khắc sẽ trưng bày tại triển lãm mỹ thuật 'New Days'
- Hổ trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt
- Hổ biến hóa ra sao trong hơn 2.000 năm mỹ thuật Việt?
- 25 năm, Câu lạc bộ Mỹ thuật Quảng Yên...
- Mỹ thuật Quảng Ninh vượt khó
Liên kết website
Ý kiến ()