Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:53 (GMT +7)
Nghị quyết đầu tiên
Thứ 4, 07/10/2020 | 05:39:23 [GMT +7] A A
Ngay sau thành công của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung thảo luận để chuẩn bị cho việc ban hành nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Đó là, Nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Vì sao chọn phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nội dung công việc đầu tiên? Tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nhiệm kỳ này xác định phải đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm: Đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; Đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nhìn lại 2 nhiệm kỳ trước (2010-2015, 2015-2020) thấy rằng, những nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa mới được ban hành đều đã đạt mục tiêu đề ra và khẳng định nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Đó là, Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, toàn tỉnh có 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), vượt mục tiêu đặt ra; hết năm 2020 bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; có 7/13 địa phương cấp huyện (vượt chỉ tiêu đề ra) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Đối với lĩnh vực dịch vụ đã có sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đến hết năm 2020, tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% (năm 2015) lên 44,6%.
Bước vào nhiệm kỳ mới, với nghị quyết đầu tiên về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, BCH Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, quán triệt một tinh thần tiến công mới, đó là: Trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở từng vùng, từng địa phương, từng KKT, KCN, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.
Cụ thể, sẽ thu hút, đầu tư một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao như: Công nghiệp thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, sản phẩm số, công nghiệp ô tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp môi trường, công nghiệp thời trang... và phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn một số địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái… Rà soát, đánh giá hiện trạng từng khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, dự án đầu tư, môi trường, lao động, hạ tầng xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... để xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực; thu hút các dự án đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp tỉnh, cấp huyện và trách nhiệm tham gia của người dân, đảm bảo phát triển bền vững.
Đặc biệt, phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) trở thành khu công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc, thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô và các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao khác để hình thành “hệ sinh thái công nghiệp sản xuất ô tô”, gắn với khu đô thị - khu dịch vụ trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh và thành phố Hạ Long, gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng quy mô dân số, chất lượng dân số và nâng cao hiệu quả đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Việt Hàn. Khu công nghiệp Cái Lân, thực hiện Quy hoạch lại và cơ cấu lại, chuyển đổi ngành nghề trở thành khu công nghiệp thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả đất đai, phát triển đô thị dọc hai bờ vịnh Cửa Lục để phát triển không gian thành phố Hạ Long.
Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà và Khu công nghiệp Hải Yên, thành phố Móng Cái, phát triển thành trung tâm công nghiệp thời trang, công nghiệp sáng tạo khu vực phía Bắc gắn với khu kinh tế Vân Đồn, hướng tới thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới; ưu tiên thu hút ngành dệt may công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá, thân thiện với môi trường; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; sản xuất trang thiết bị y tế, công nghiệp công nghệ cao...
Khu kinh tế Vân Đồn, phát triển trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Bái Tử Long; phát triển theo mô hình đô thị thông minh, trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực. Tập trung thu hút phát triển một số ngành sử dụng công nghệ cao như: y dược, sinh học, công nghệ nano; công nghệ thông tin trong hệ thống sản xuất, công nghệ sử dụng nguyên liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng và môi trường. Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, phát triển bền vững, có chọn lọc một số ngành công nghiệp, với các trụ cột chính là: Dệt may; chế biến thực phẩm, đồ uống và công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô. Khu kinh tế ven biển Quảng Yên hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng...
Vạn sự khởi đầu nan, với quyết tâm cao, mốc lộ trình thực hiện cụ thể cho từng nhiệm vụ đặt ra, tin tưởng nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV sẽ về đích với thành công.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()