Đến nay, giới khoa học vẫn tranh cãi liệu giấc ngủ trưa có phải cách lành mạnh để khởi động hệ thống não bộ vào thời điểm năng lượng xuống thấp nhất trong ngày, hay là mối đe dọa phá vỡ nhịp sinh học.
Một nghiên cứu mới ở Tây Ban Nha, do Trường Kinh doanh Harvard thực hiện, chỉ ra rằng những người ngủ trưa kéo dài hơn 30 phút có thể tăng rủi ro mắc bệnh béo phì, huyết áp cao và tiểu đường. Điều này là do nhóm này thường ăn quá nhiều vào bữa trưa và không ngủ đủ 8 tiếng vào ban đêm. Ngược lại, những người ngủ trưa ít hơn 30 phút sẽ cải thiện huyết áp và trí nhớ.
Vì sao chúng ta gà gật vào buổi trưa?
Một số người cần chợp mắt vào buổi trưa do các yếu tố liên quan đến bệnh lý, nhưng nhiều người xem đó là niềm vui khi chợp mắt trong 10 phút vào giữa ngày.
"Tất cả chúng ta có những cơ chế sinh học rất khác nhau. Cơ thể của một số người thích chợp mắt vào buổi trưa, ngay cả khi họ hoàn toàn khỏe mạnh và không hề bị thiếu ngủ. Nếu giấc ngủ trưa không ảnh hưởng đến lịch trình làm việc của bạn, đừng trì hoãn", Sophie Bostock, người sáng lập Sleep Scientist, một tổ chức tư vấn về giấc ngủ ở Anh, nói.
Do cơ chế hoạt động của nhịp sinh học, năng lượng mỗi người giảm xuống tự nhiên trong khoảng thời gian từ 13h đến 15h. Đó là thời điểm chúng ta dễ ngủ gật nhất. Bạn cũng có nhiều khả năng buồn ngủ vào buổi trưa hơn nếu bị ốm hoặc thiếu ngủ, hoặc đơn giản là do bạn ăn quá nhiều vào bữa trưa.
Lợi ích của việc ngủ trưa
Nếu thực hiện đúng cách, giấc ngủ trưa ngon sẽ có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng sống. Michael Breus, người sáng lập Sleep Doctor, nói: "Giấc ngủ trưa giúp củng cố trí nhớ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn và có thể cải thiện tâm trạng của bạn trong thời gian còn lại của ngày".
Qua nhiều năm nghiên cứu, Breus cũng phát hiện ra rằng giấc ngủ trưa có thể tăng hiệu quả học tập vào cuối buổi chiều. Những học sinh ngủ nhanh sau bữa trưa sẽ học tập tốt hơn trong thời gian còn lại trong ngày.
Ý kiến ()