Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:12 (GMT +7)
Tuân thủ khuyến cáo của ngành Y tế để phòng tránh bệnh do virus Marburg
Thứ 2, 10/04/2023 | 10:01:06 [GMT +7] A A
Trước những lo lắng của người dân về bệnh do virus Marburg gây ra và cách phòng tránh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quyết Thắng (ảnh), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Ninh) về nội dung này.
- Người dân hiện đang khá lo lắng về bệnh do virus Marburg, bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh này?
+ Bệnh do virus Marburg gây ra là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ổ chứa viurs tự nhiên từ loài dơi. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong danh mục bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế quy định. Bệnh do virus Marburg gây ra có nhiều đặc điểm giống nhau về mặt lâm sàng với Ebola như quá trình phát triển trong cơ thể, mức độ, cách thức lây lan, đặc biệt có thể gây ra những triệu chứng và biến chứng tương tự Ebola, có nguy cơ bùng phát thành dịch với tỷ lệ tử vong cao.
Có thể đánh giá rằng đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, do bệnh hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (lên tới trên 80%). Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận ca mắc Marburg.
- Bệnh do virus Marburg có dễ lây lan không và cơ chế lây bệnh như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Bệnh do virus Marburg gây ra có khả năng lây truyền cao, virus có thể từ động vật lây truyền sang người và gây bệnh, lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể, hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus Marburg... Những người thường xuyên làm việc, sinh sống trong khu vực có dơi ăn quả châu Phi/động vật linh trưởng; nhân viên y tế; nhân viên phòng thí nghiệm; người tiếp xúc các thiết bị y tế như kim tiêm, ga trải giường; khách du lịch... là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus Marburg.
Đặc biệt, nếu mắc bệnh trong thời gian mang thai, virus sẽ có trong nhau thai, nước ối và cả thai nhi. Ở những phụ nữ đang cho con bú, nếu nhiễm Marburg, virus có nguy cơ tồn tại trong sữa mẹ.
- Người dân cần làm gì để phòng, tránh lây nhiễm bệnh do virus Marburg? CDC Quảng Ninh hiện đã tham mưu cho tỉnh xây dựng phương án phòng, chống bệnh này ra sao, thưa bác sĩ?
+ Hiện bệnh do virus Marburg chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bởi vậy, để chủ động phòng tránh, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế. Đó là cách ly, hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm/bị nhiễm virus; trang bị các thiết bị bảo hộ như áo choàng, găng tay, khẩu trang, kính mắt... trước khi tiếp xúc với người nghi nhiễm/bị nhiễm virus; sử dụng thiết bị y tế một lần như kim tiêm.
Khử trùng kỹ những thiết bị dùng lại sau khi có tiếp xúc với dịch cơ thể nhiễm virus Marburg; thận trọng với các chất thải như máu/bãi nôn... hoặc bất cứ vật dụng nào của người bệnh; cần phòng ngừa với cả người thân của người bệnh. Tránh các vật chủ có nguy cơ tiềm ẩn chứa virus như dơi ăn quả, động vật linh trưởng, lợn nhà...
Rửa tay thường xuyên sau khi chăm sóc người bệnh. Nấu chín kỹ tất cả loại thịt trước khi ăn, tránh ăn thịt sống, tái.
WHO khuyến cáo nam giới sau khi khỏi bệnh nên quan hệ tình dục sau hơn 12 tháng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng bệnh, hoặc cho đến khi có 2 lần xét nghiệm tinh dịch âm tính với virus Marburg.
Khi có triệu chứng, biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người khác và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.
Trước những diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh, CDC Quảng Ninh đã theo dõi sát tình hình dịch, nhận định dự báo nguy cơ xâm nhập và bám sát các chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế để tham mưu cho Sở Y tế văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Marburg. Trong đó chú trọng việc kiểm soát, ngăn ngừa tại cửa khẩu, giám sát ca bệnh tại cộng đồng qua hệ thống giám sát bệnh dựa vào sự kiện; giám sát ca bệnh nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, cũng như chủ động các điều kiện nguồn lực cần thiết tại các địa phương sẵn sàng đáp ứng dịch. Hiện CDC Quảng Ninh đang xây dựng nội dung truyền thông trên website của đơn vị và xây dựng văn bản chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị y tế triển khai hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch Marburg.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()