Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:07 (GMT +7)
Người giữ "hồn xưa" của Vịnh Hạ Long
Thứ 7, 18/10/2014 | 13:56:59 [GMT +7] A A
Cảnh sắc Vịnh Hạ Long thì bao đời nay vẫn thế, vẫn những núi đá vôi nhô lên trên mặt biển trong xanh, vẫn những người dân chài mang nét lam lũ sớm, tối đi về... Nhưng Vịnh Hạ Long nay cũng khác xưa không ít, không còn đâu những cánh rừng ngập mặn ven bờ xanh mênh mông, những con thuyền gỗ kiểu cũ của dân chài, những cánh buồm nâu truyền thống. Những bến cá giờ đây cũng không còn cảnh ngư dân phơi lưới trắng xoá mỗi chiều về... Người đã chụp và lưu giữ bằng ảnh những ký ức xưa mà chưa xa lắm ấy của Hạ Long có lẽ chỉ còn NSNA Đỗ Kha, nguyên Trưởng ban Chính trị - Xã hội (Báo Quảng Ninh). Kèm bài viết này chúng tôi giới thiệu ba tác phẩm: Thu đi qua; Thuỷ mặc Hạ Long; Trưa hè yên tĩnh của NSNA Đỗ Kha.
Thu đi qua. |
Sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành ở thành phố biển Hạ Long, vì vậy những thăng trầm cuộc đời ông đều gắn với nơi đây. Nhưng cơ duyên mà NSNA Đỗ Kha có được những bức ảnh Vịnh Hạ Long xưa, chủ yếu là ảnh đen - trắng bắt đầu từ khi ông gắn bó với nghề báo. Ông từng chia sẻ trong những trang viết sau này rằng, ông có chút nghề ảnh từ nhỏ khi bố giao cầm máy ảnh chụp các trại lính Pháp giai đoạn đầu những năm 50 thế kỷ trước. Sau này, cuộc sống cuốn ông đi theo dòng chảy của nó, cho đến khi về Báo Quảng Ninh, nhìn các phóng viên ảnh thời ấy đã thức tỉnh sự khao khát trong ông.
Quen biết, gặp gỡ nhiều lần, được chứng kiến gia tài ảnh phong cảnh Vịnh Hạ Long của ông, tôi cứ nghĩ, hẳn phải có một niềm đam mê thầm lặng mà cháy bỏng lắm trong con người nghệ sĩ Đỗ Kha. Vậy nên, vào cái thời ảnh phong cảnh vẫn còn là thứ gì quá xa vời, chẳng được mấy người coi trọng, cũng là giai đoạn cả nước khó khăn, máy ảnh hiếm hoi, quy chế sử dụng lại ngặt nghèo…, ông lại cứ tranh thủ mượn bạn bè, đồng nghiệp máy ảnh, rồi vụng trộm đi chụp Vịnh Hạ Long vào những ngày nghỉ. Mà chụp rồi có dùng làm gì đâu, cất vào kho chơi thôi.
Thuỷ mặc Hạ Long. |
Vậy nhưng, thật mừng vì nhờ có ông với đam mê “khác người”, đam mê vượt lên cả những khó khăn đời thường như thế, kho ảnh nghệ thuật về Vịnh Hạ Long xưa giờ mới có được những bức ảnh đẹp và hiếm như thế. Đó là làng chài Lán Bè với những con thuyền câu truyền thống, xúm xít buồm nâu tấp nập đi về; là những con thuyền sau một ngày đánh cá, phơi những tấm lưới như giăng võng đung đưa trong gió; là những cánh buồm cánh tiên xoè ra hai mảnh buồm nâu đi tới như cánh bướm giữa biển xanh. Rồi những chiếc thuyền cắm sào lặng đỗ giữa trưa hè yên tĩnh…
Sau này, khi chuẩn bị làm tập Sách ảnh về Vịnh Hạ Long, ông đã chăm chỉ săn tìm thêm để gia tài ảnh ngày càng dày dặn hơn. Chắc chắn, ông đã chụp có ý thức hơn chứ không thuần chỉ là đam mê vẻ đẹp Hạ Long như trước nữa. Những bức ảnh này cũng không chỉ là cảm xúc thăng hoa mà có lý trí hơn, thể hiện Vịnh Hạ Long đa dạng ở nhiều không gian, thời gian hơn. Nhưng dù có chụp khi nào thì ảnh Vịnh Hạ Long của Đỗ Kha vẫn toát lên một vẻ đẹp riêng, tựa những bức tranh thuỷ mặc, vừa đậm chất thơ, vừa giàu chất hoạ với nét lãng mạn, thơ mộng, huyền ảo rất khác biệt.
Đặc biệt, NSNA Đỗ Kha ưu ái chụp nhiều về làng chài Lán Bè một thuở. Ông lý giải rằng: “Đây là một làng chài lam lũ từ thuở xa xưa với những con thuyền mang dáng cổ, cũ kỹ, ọp ẹp, buồm rách, buồm vá phất phơ trong nắng chiều. Một làng chài với những cảnh thui thuyền, lửa và khói mù mịt một vùng sông nước huyền thoại… Một làng chài với những người đàn ông để trần, lưng rám nắng; những người đàn bà đầu đội khăn mỏ quạ, hay vấn khăn đen với những đứa con còn để truồng nô rỡn với con chó trên mui, trên sạp thuyền… Với tôi, nó không chỉ có những cảnh ấy, người ấy, những dáng cây trên bờ, những trái núi, những con sóng, những áng mây, mà nếu ai có một tâm hồn nhạy cảm, hẳn phát hiện ra nhiều cung bậc của thiên nhiên, để mà yêu nó, đắm say vì nó. Và nếu là một nghệ sĩ, phải biết sáng tạo, bởi chính nó cho anh chứ không phải anh… làm cho nó”. Không chỉ say mê chụp làng chài này từ cuối những năm 60, sau này lúc rỗi rãi hoặc mỗi khi đi qua mà có máy ảnh trong tay là ông lại lội nước, lội bùn để chụp Lán Bè.
Trưa hè yên tĩnh. |
Đam mê với ảnh nghệ thuật Vịnh Hạ Long đã dẫn dắt ông đến với cơ duyên chụp bộ ảnh Vịnh Hạ Long bằng phim dương bản, để làm hồ sơ trình chiếu UNESCO đề nghị công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Chụp bộ ảnh vào năm 1992, khi ấy ông đã 54 tuổi nhưng vẫn thích thú, miệt mài vừa dò đường đi lối lại để chụp ảnh trong các hang động trên Vịnh, chụp từ trên cao và từ ven bờ với thuyền bè, cuộc sống của ngư dân. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào thành công chung trong việc Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994.
Cũng từ ảnh phong cảnh Vịnh Hạ Long, NSNA Đỗ Kha đã giành được nhiều giải thưởng ảnh cao quý trong cuộc đời làm nghề của mình. Nhưng điều bất ngờ với ngay cả ông là chính những bức ảnh “chơi chơi” này đã giúp ông mưu sinh sau khi nghỉ hưu với đồng lương hạn hẹp ngày ấy. Có lẽ, trong số những nghệ sĩ nhiếp ảnh của Quảng Ninh, đến giờ chỉ duy nhất ông là sống được bằng nghề. Tôi trộm nghĩ, hẳn NSNA Đỗ Kha thấy mãn nguyện lắm, bởi nghề này cũng đồng thời cống hiến cho đời những giá trị nghệ thuật đẹp, lại để người nghệ sĩ thoả mãn niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt ông, một người con của thành phố biển Hạ Long.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()