4
18
/
830742
Người vác tù và hàng tổng "2 vai" ở Khe Lẹ
longform
Người vác tù và hàng tổng "2 vai" ở Khe Lẹ

 

Sau hơn một năm thực hiện kiêm nhiệm "2 vai", tất cả những bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu "dân tin, Đảng cử" của Quảng Ninh đều đang nỗ lực, dốc sức vì nhiệm vụ chung. Nhất là ở những nơi còn khó khăn như thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, anh Sằn Chi Nàm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn chính là đầu tàu, là chỗ dựa vững chắc cho bà con trong thôn để cùng nhau đoàn kết, quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tiến bộ.

Hai năm trước Khe Lẹ được biết đến là một trong những thôn khó khăn nhất của huyện Tiên Yên, nằm heo hút cách trung tâm huyện gần 40km. Cả thôn chỉ có 35 hộ dân với 171 nhân khẩu. Vào Khe Lẹ hồi ấy, con đường đưa tôi vào thôn chỉ toàn gồ ghề sỏi đá, đất bùn nhớp nháp bởi ngày mưa và hoàn toàn có thể bị chia cắt bởi những con suối mỗi mùa lũ về. Đi hàng cây số mới có một nóc nhà nhưng cũng toàn vách đất nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Khe Lẹ khi ấy được hình dung bằng hai chữ “nghèo đói”.

Vì nghèo đói, đường sá đi lại khó khăn, thôn Khe Lẹ gần như biệt lập với bên ngoài. Người dân chấp nhận cuộc sống nghèo đói đó vì có muốn thoát nghèo, muốn làm giàu cũng không được. Kể cả khi có chủ trương tái định cư, để vận động được nhân dân từ thôn cũ ra khu tái định cư cũng không hề dễ dàng. Bởi 100% bà con là đồng bào dân tộc Dao, bao đời nay đã quen với tập quán sinh hoạt cũ, trình độ nhận thức hạn chế chưa lường hết được nguy hiểm khi ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao...

Trở lại Khe Lẹ vào những ngày đầu tháng 10/2018, trong cái nắng hanh hao và gió thu mát rượi, con đường dẫn vào khu tái định cư của thôn đã được đổ bê tông, uốn mình giữa những cánh rừng keo xanh ngắt. Những đoạn chưa được đổ bê tông đang được bà con trong thôn tập trung nhân lực hoàn thiện. Khắp thôn là âm thanh náo nhiệt của tiếng máy trộn bê tông hối hả, hòa tiếng động cơ từ những chiếc xe tải nối đuôi nhau vận chuyển vật liệu.

Những ngôi nhà ngói đỏ khang trang, kiên cố, nằm san sát đang gấp rút hoàn thiện để bà con kịp vào đón Tết nguyên đán này. Khu tái định cư cách thôn cũ khoảng 3km, rộng gần 4ha với tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Mỗi hộ định cư tại đây được cấp 250m2 đất sử dụng dùng để xây nhà, công trình phụ gồm bếp, kho nông cụ, vườn rau theo mô hình nhà vườn kiểu mẫu nông thôn mới.

Vui nhất là có điện lưới và cây cầu bắc qua con suối sâu, giao thông đi lại thuận tiện, cái khó của bà con càng lùi xa.

Khu tái định cư Khe Lẹ giờ đang nên hình nên dáng của một “phố thị” đông đúc với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đón chúng tôi, Bí thư, Trưởng thôn Khe Lẹ Sằn Chi Nàm hồ khởi khoe: “Mấy ngày này, thôn đang tập trung hoàn thiện kè đá và hệ thống cống thoát nước trong khu dân cư nên không khí lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhà của 35 hộ dân về cơ bản đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, nên mọi người cũng chia nhau vừa làm nhà vừa góp sức làm công trình chung của thôn”.

Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, giúp bà con thoát nghèo, ngay khi có chủ trương của tỉnh, huyện về xây dựng khu tái định cư, anh Sằn Chi Nàm đã họp thôn nhiều lần để thông báo, tuyên truyền. Người cán bộ thôn bắt đầu hành trình dài bằng công tác tuyên truyền, khi đến từng nhà giải thích, vận động. “Vận động một lần chưa được thì vận động nhiều lần. Nhiều việc nếu mình chỉ nói bà con chưa nghe thì mình phải làm trước cho bà con thấy. Khi người dân hiểu và đồng thuận thì khó khăn nào cũng vượt qua” – anh Nàm bộc bạch.

Nghĩ là làm, Sằn Chi Nàm vừa đi vận động, vừa lo xây nhà, một mình xoay xở mọi việc từ nhà ra ngõ. “Mưa dầm thấm lâu”, cùng hình ảnh ngôi nhà mái ngói đỏ tươi vững chãi, khang trang đầu tiên của anh được dựng lên trên khu đất tái định cư đã “đặt nền móng” cho những ngôi nhà còn lại nối tiếp nhau mọc lên.

Anh Sằn Phúc Cắm, hộ dân đầu tiên trong thôn xây nhà 2 tầng trong khu tái định cư khi gặp chúng tôi hồ hởi khoe, khi được vận động chuyển ra khu tái định cư gia đình mình cũng băn khoăn, lo lắng lắm, vì ở trong bản cũ quen rồi lại lo không có tiền xây nhà. Nhưng ngày nào trưởng thôn Nàm cũng đến vận động, giải thích nhà cũ ở trong khu sạt lở nguy hiểm và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn xây nhà lãi suất thấp theo chính sách hỗ trợ của nhà nước nên gia đình cũng mạnh dạn, cố gắng xây nhà rộng rãi, khang trang cho con cái được ăn ở, sinh hoạt thoải mái.

Còn Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nàm thì vui vẻ nói: “Bà con có nhà mới, không sợ mưa bão, lũ, sạt lở đất đá nữa là mừng lắm rồi, giờ có cầu, có đường, bà con không chỉ đi lại thuận lợi hơn, mà kinh tế, đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Ngày trước, giá keo chỉ được 20-25 triệu đồng/ha, vì đường đi khó, không ai vào thu mua. Nhưng bây giờ, những chiếc xe tải đã kéo nhau vào sâu trong thôn. Nông sản, lâm sản làm ra được giá gấp đôi trước kia".

Có nơi an cư ổn định, bà con Khe Lẹ giờ tập trung vào phát triển kinh tế, tạo thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Bà con cũng đã quen dần với việc tự giác tham gia các lớp tập huấn do huyện, xã mở để học hỏi phát triển các mô hình kinh tế mới. Như gia đình chị Lý Thị Nga, nhờ những vườn rau xanh mướt, mô hình gà được chăn nuôi đảm bảo quy trình, phòng trừ dịch bệnh mà kinh tế của gia đình chị khấm khá hơn trước. Chị phấn khởi khoe: “Nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ cuộc sống trong thôn sẽ đổi thay thế này. Có Bí thư, Trưởng thôn Nàm, bà con như có một chỗ dựa vững chắc. Nhìn cán bộ trẻ năng động hăng hái, nhiệt tình vì bà con, chúng tôi cũng không thể “ì” mãi ra được. Mô hình gà nhà tôi được như thế này cũng nhờ học theo kinh nghiệm chăn nuôi của nhà anh Nàm, có gì khó khăn yên tâm sẽ có trưởng thôn Nàm xuống tận nơi hướng dẫn, cùng nhau tìm cách giải quyết”.

Sự tiên phong, đi đầu của người đảng viên, người đứng đầu thôn có tác động rất lớn đến nhân dân. Chẳng ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, Sằn Chi Nàm đã chứng minh niềm tin trọn vẹn nhân dân gửi gắm nơi anh, để làm tốt vai trò người dẫn đường tận tụy, trách nhiệm. Và đó cũng là lúc niềm tin được nhân lên, sức mạnh đại đoàn kết phát huy mạnh mẽ...

Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong nhà nhưng anh Nàm cứ đứng lên ngồi xuống liên tục chạy ra, chạy vào khi có tiếng gọi của người dân và đội thợ xây công trình. Anh Lã Văn Vi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hà Lâu, người đưa chúng tôi vào thôn, kể: Lần nào tôi vào thăm khu tái định cư cũng phải loanh quanh một vòng tìm trưởng thôn. Từ khi xây dựng khu nhà mới đến giờ, anh Nàm vất vả lắm, hôm nào cũng đội nắng ngoài khu vực xây dựng để đôn đốc đội thợ, hướng dẫn, góp ý với từng hộ xây nhà. Đặc biệt là đảm bảo xây dựng công trình phụ, nhà vệ sinh sạch sẽ. Nhưng chính vì cán bộ thôn tích cực mà người dân cũng phải bắt tay vào làm theo. Nhà nào xây xong trước lại giúp nhà kia xây, khi làm công trình chung trong khu dân cư là cả thôn cùng góp sức mà không phải kêu gọi, vận động nữa.

Có lẽ nhờ tinh thần đoàn kết, đùm bọc ấy mà căn nhà nhỏ của ông Tằng A Sy mới được cất lên khang trang, vững chãi, ấm áp tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống đơn thân của người đàn ông nghèo, sức khỏe yếu khiến ông chưa bao giờ suy nghĩ đến việc có thể ra khu tái định cư với dân làng. Trăn trở nhiều ngày, loay hoay tìm cách, anh Sằn Chi Nàm quyết định bàn với vợ đứng ra vay tiền ngân hàng, người thân lấy kinh phí xây nhà cho ông Sy. Còn ngày công thì huy động nhân dân trong thôn, các đoàn thể của xã giúp đỡ.

Trong khi chính căn nhà của mình anh Nàm vẫn còn phải vay nợ nhưng lại sẵn sàng đứng ra để lo cho người dân trong thôn. Tấm lòng thơm thảo, trách nhiệm của người Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đã khiến cho bà con vô cùng cảm kích và tin tưởng. Nhưng về phần mình anh Nàm bảo: Mình còn trẻ, còn có thể phát triển kinh tế để chăm lo, giúp đỡ nhân dân. Quan trọng nhất là qua mỗi việc làm của mình bà con hiểu để mà đồng thuận, hăng hái tham gia. Có như vậy, phong trào thi đua mới đi lên được, mới sớm xây dựng được nếp sống văn hóa, văn minh trên khu tái định cư này.

Gánh “2 vai” tức là phải “trọn việc Đảng, tròn việc dân”, bởi vậy mà lo cho nhân dân thôi chưa đủ, người cán bộ thôn trẻ vẫn đau đáu làm cách nào để xây dựng chi bộ Đảng vững mạnh. Vì nhiều năm liền, anh Nàm là đảng viên duy nhất của thôn, 3 đảng viên khác là tăng cường từ xã xuống. “Nếu có thêm đảng viên, có thêm người gương mẫu, tiên phong thì công tác vận động nhân dân sẽ dễ dàng hơn, bà con có thêm tin tưởng để cùng nhau đoàn kết, chung sức thi đua” – anh Nàm tâm sự.

quote.jpg
 

“Nói phải đi đôi với làm”, tư duy ấy chưa bao giờ thay đổi trong suy nghĩ của anh Nàm. Từ khi đảm nhiệm cương vị bí thư chi bộ, anh đã rà soát trong đội ngũ cán bộ chi hội thôn để vận động những người đủ tiêu chuẩn phấn đấu vào Đảng trước. Đến nay, chi trưởng hội phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên thôn đã hoàn thành xong công tác điều tra lý lịch. Vậy là sát cánh cùng với Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn trẻ tuổi tới đây sẽ có thêm những đồng chí đảng viên mới. Họ đang và sẽ tiếp tục cùng nhau tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của thôn, trong phát triển kinh tế, là người “thổi lửa” cho các phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Mỗi mong ước của người Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn vùng cao đều được thực hiện bằng sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của anh. Và điều thấm thía nhất anh đúc kết sau những việc làm đó thật giản dị. Đó là mọi việc dù khó đến đâu cũng sẽ thuận lợi suôn sẻ, nếu mục đích hướng tới nhân dân và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. 

Sau khi các hộ dân trong thôn đều đã xây nhà kiên cố, sang năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Khe Lẹ dự kiến sẽ giảm từ 14 hộ xuống còn 2 hộ (thuộc diện đơn thân, không có sức lao động). Trẻ em của thôn trong độ tuổi đến trường đảm bảo 100%, các phong tục tập quán lạc hậu dần được đẩy lùi.

Có thể nói, diện mạo của Khe Lẹ hôm nay là “trái ngọt” từ các chủ trương, chính sách giảm nghèo, quan tâm hỗ trợ đồng bào vùng khó của tỉnh, từ sự quyết tâm đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Quan trọng hơn cả là sự đồng lòng, ý thức vươn lên mạnh mẽ của người dân. Đối với riêng người dân trong thôn, “trái ngọt” ấy chính là “ấm no”. Đó cũng là từ mà được người dân nhắc nhiều nhất khi chúng tôi hỏi về cảm nhận ở khu tái định cư: “Ấm chỗ ở, no cái bụng”.

Chúng tôi tạm biệt Khe Lẹ khi những ánh nắng cuối ngày vẫn còn len lỏi qua rừng keo, chiếu xuống đoạn đường bê tông dẫn vào thôn mới trải thẳng tắp. Bố con anh Nàm vui vẻ vẫy chào chúng tôi nơi chiếc cổng chào đỏ tươi, đẹp đẽ của thôn. Chúng tôi vội vàng giơ chiếc điện thoại bắt lấy khoảnh khắc ấy. Đó là ánh mắt đầy niềm tin của người cán bộ thôn tâm huyết Sằn Chi Nàm về những đổi thay của quê hương, là ánh mắt ăm ắp niềm vui của con trẻ vào một tương lai tươi sáng hơn. Bởi bây giờ, người dân Khe Lẹ có quyền mơ nhiều hơn thế!

Bài, ảnh, clip: Nguyễn Dung - Hoàng Quỳnh

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu