Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:24 (GMT +7)
Người Việt cổ và nền văn hóa Hạ Long
Chủ nhật, 10/12/2023 | 10:11:44 [GMT +7] A A
Hạ Long không chỉ là tên gọi một di sản thiên nhiên thế giới, một thành phố bên bờ di sản mà còn là tên của một nền văn hóa rực rỡ gắn liền với sự có mặt của người Việt cổ trên mảnh đất này. Những di chỉ khảo cổ học và những cổ vật tìm thấy đã minh chứng cho điều đó.
Nổi tiếng là một trong những nền văn hóa tiền sử được biết đến sớm nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, văn hóa Hạ Long đã được các nhà khảo cổ và địa chất học tìm ra và đặt tên từ những năm 1930. Văn hóa Hạ Long có niên đại vào khoảng 4.000 năm trước và được các nhà khảo cổ học xếp vào giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới. Người tiền sử đã chọn một vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam làm nơi cư trú, nơi có một nguồn thức ăn hải sản vô tận, lại có cả bãi biển và hang động làm nơi ở thuận tiện.
Địa bàn cư trú của người cổ Hạ Long là một vùng biển nông, độ sâu trung bình khoảng 10 mét, có tới 20 luồng lạch từ vùng vịnh thông ra đại dương, thuận tiện cho việc tránh gió và ra khơi đánh bắt xa bờ. Các nhà khảo cổ đã tìm được trong tầng văn hóa có những xương cá to, có thể họ đã bắt được cá nặng hàng tạ. Họ còn biết đánh cá bằng lưới mà hiện vật còn lại là những hòn chì lưới to. Ngoài cá, nhiều loại hải sản khác cũng được khai thác, nhiều vỏ nhuyễn thể còn được tìm thấy.
Đầu thế kỷ trước, học giả người Thụy Điển J.G. Anderson đã tìm thấy một số địa điểm thời tiền sử có dấu vết của con người và nhiều công cụ lao động. Ông chọn một trong số đó để khai quật và đặt tên là Danh Do La. Từ đó đến nay, chúng ta đã nghiên cứu và hệ thống được gần 20 di tích khảo cổ trên Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận. Với nhiều loại hình như di chỉ khảo cổ, địa điểm sản xuất, giao lưu buôn bán thương nghiệp trên biển, chiến trận trên biển v.v.. Có thể kể ra các di tích Tiên Ông, Xích Thổ, Đồng Mang, Bồ Chuyến, Đầu Rằm, hang Long Tiên, Hòn Hai - Cô Tiên, lò gốm Tuần Châu, bến Gạo Rang, làng Bang, núi Bài Thơ...
Trong số đó phải kể đến những di sản khảo cổ quan trọng, tiêu biểu nhất là di tích quốc gia Hòn Hai - Cô Tiên được phát hiện năm 2005, tiêu biểu cho văn hoá Hạ Long thuộc Hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 3.500 năm. Những điểm di tích gắn với chức năng của nó như lò sản xuất gốm Tuần Châu, bến Gạo Rang, một bến cảng cổ thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn v.v..
Chỉ riêng thị xã Hòn Gai trước đây, nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được các nhà khảo cổ khẳng định, các di chỉ người Việt cổ đã để lại nền văn hóa mang đậm sắc thái địa phương và tính bản địa. Riêng vùng ven Cửa Lục đã có tới 7 địa điểm di chỉ, chứng minh loại hình này là rìu, búa, đục, chì lưỡi, chày nghiền, bàn mài..., trong đó “Văn hoá Soi Nhụ” và kế tiếp là “Văn hoá Kế Bào” là những tiền thân của “Văn hoá Hạ Long” rực rỡ.
Tại hang Đông Trong I, các nhà khảo cổ đã phát hiện khá nhiều mảnh nồi, vò bằng gốm được bao phủ, gắn kết trong lớp trầm tích thạch nhũ. Chúng là những hiện vật điển hình của Văn hoá Hạ Long, cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Ngoài những mảnh nồi, vò gốm còn có cả những đốt sống, xương sườn của người và xương thú. Đây là dấu tích khu mộ táng của người Việt cổ ở Hạ Long.
Không những đi biển giỏi, người Hạ Long cũng là người biết làm nông nghiệp với các công cụ đá như cuốc, rìu, bôn đã có mặt. Họ cũng đã biết làm đồ gốm bằng cách nhào đất với vỏ nhuyễn thể giã nhỏ và nung lên, làm đẹp thêm cho gốm bằng cách khắc vẽ các hoa văn hình học. Người cổ Hạ Long còn biết tự làm đẹp. Họ ưa chế tạo đồ trang sức từ vỏ ốc biển như vỏ ốc cypraea, được mài thủng lưng để xâu dây đeo quanh cổ, dùng xương sống cá và vỏ nhuyễn thể làm hạt chuỗi, vòng tay. Người Việt cổ là chủ nhân văn hóa Hạ Long thuộc đại chủng Mongoloid da vàng, nhưng vẫn còn có yếu tố Australoid hòa trộn. Chính những tộc người cổ của Hạ Long đã góp một phần vào sự hình thành của dân tộc Việt hiện đại ngày nay.
Tại hang Đông Trong II, trong hố đào thám sát nhỏ cho thấy, tầng văn hóa ở đây dày hơn 40cm, khá tơi xốp, được kết cấu bởi vỏ nhuyễn thể biển, xương răng động vật và các di vật khảo cổ. Đồ đá có rìu mài nhẵn toàn thân có vai, rìu tứ giác, hòn kê, hòn ghè, bàn mài rãnh... Sự có mặt của những chiếc rìu mài có vai có nấc rất đẹp, làm bằng đá Nephrite chứng tỏ người Hạ Long có kỹ thuật chế tác công cụ đá đạt đến đỉnh cao với những kỹ thuật cưa, mài chuốt bóng để tạo ra những công cụ có bản sắc riêng độc đáo. Đồ gốm có gần 2.000 mảnh, gồm hai loại: Gốm xốp và gốm cứng. Về loại hình gốm nồi, vò, bát có kích cỡ khác nhau, hoa văn trang trí bao gồm văn khắc vạch, văn đắp thêm, văn trổ lỗ.
Rất nhiều hiện vật tìm thấy ở Vịnh Hạ Long đã được đưa về Bảo tàng Quảng Ninh. Nằm ở khu vực riêng biệt của tầng 2, hơn 3.500 món cổ vật của Bảo tàng được trưng bày và bài trí trong một không gian khá ấn tượng. Cả khu trưng bày cổ vật lấy tông màu trắng làm chủ đạo. Nhờ đó, những đường nét, hoa văn, kể cả những vết tích xưa cũ của thời gian trên từng món đồ, đều hiện lên rõ nét trong sắc trắng tinh khôi. Kho cổ vật này đa dạng và phong phú từ nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, công dụng cho đến niên đại. Bên cạnh những đồ cổ là đồ thờ cúng, đồ gia dụng của tầng lớp bình dân, còn có nhiều món đồ của tầng lớp trên trong xã hội như đồ trang sức, tranh thờ, tượng thờ... Có những món cổ vật có nguồn gốc từ nền văn hóa Hạ Long, văn hóa Phùng Nguyên.
Trong hệ thống cổ vật gốm sứ ở bảo tàng, gốm sứ Quảng Ninh cũng chiếm số lượng không nhỏ. Đồ gốm Quảng Ninh ra đời cách đây khoảng 5.000 năm, bắt đầu từ văn hóa Hạ Long thuộc hậu kì đá mới đến ngày nay. Vào thời đại kim khí, cư dân Việt cổ ở Quảng Ninh đã chế tạo ra nhiều loại gốm chắc như: Gốm Bồ Chuyến, gốm Đầu Rằm, gốm Hòn Hai - Cô Tiên với các loại hình, sản phẩm phong phú, được trang trí bằng nhiều loại hoa văn độc đáo: Đường chỉ dài, đường chấm dài, gập khúc, hình tam giác, khuông nhạc, hình lá cây...
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()