Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:11 (GMT +7)
Nhận biết và phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Thứ 2, 08/05/2023 | 14:08:27 [GMT +7] A A
Hè đến với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus gây bệnh đường ruột phát triển. Chính vì thế đây cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm.
1. Vì sao mùa nắng nóng dễ bị ngộ độc thực phẩm?
- Thời tiết nóng bức cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nhất là trong đường tiêu hóa sinh sôi và phát triển. Trong khi đó nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu…
- Thức ăn chưa được nấu chín kĩ để tiêu diệt vi khuẩn làm vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn.
- Nhiều nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhiều người vẫn phải nấu thức ăn với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc chế biến trong môi trường không đảm bảo vệ sinh… dễ dẫn đến tiêu chảy và ngộ độc thức ăn. Chính vì thế, môi trường ô nhiễm, nước thải sinh hoạt kém là điều kiện thuận lợi cho virus xuất hiện và gây bệnh.
- Thực phẩm và rau quả chưa được rửa sạch và đúng cách.
- Nắng nóng nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bán sẵn không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc và tiêu chảy.
2. Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm
Đa số bệnh nhân bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm đều có một trong những triệu chứng sau:
- Người bệnh đột nhiên buồn nôn, khó chịu.
- Người bệnh đi ngoài phân lỏng và đau bụng.
Tuy nhiên nhiều trường hợp ngộ độc nhẹ nên biểu hiện tiêu chảy cấp cũng không rõ rệt.
- Đặc điểm nổi bật cần lưu ý nếu bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, khoảng trên 4 lần/ ngày. Tuy nhiên đi ngoài không xối xả như những người mắc tả. Người bị tiêu chảy do ngộ độc sẽ đau quặn bụng từng cơn. Ở một số trường hợp có thể có sốt nhẹ. Cơ thể mệt mỏi vì mất nước.
Các triệu chứng rầm rộ trên có thể bắt đầu trong vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn các thực phẩm bị ô nhiễm.
- Đặc biệt, nhiều trường hợp nặng sẽ bị mất nước và rối loạn điện giải như: Bệnh nhân khát nước, cảm giác miệng khô, bệnh nhân tiểu ít hoặc không có và kèm theo triệu chứng đau dầu, chóng mặt và mệt mỏi rũ rượi.
Ngay khi có dấu hiệu và triệu chứng giống như ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm nặng và loại trừ các tình huống nguy hiểm cấp cứu như: viêm ruột thừa cấp hay những tình trạng bụng ngoại khoa khác.
3. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nóng
Tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm là bệnh tiêu hóa phổ biến khi thời tiết nóng và ẩm như hiện nay. Nên chọn mua và chế biến thực phẩm đúng cách để ngăn vi khuẩn lây lan và phát triển gây ngộ độc bằng cách:
- Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chế biến và sau khi xử lý thực phẩm. Nên rửa sạch thực phẩm và rau quả bằng nước sạch, có thể ngâm nước muối để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Nên bảo quản thực phẩm thô riêng biệt và đúng cách: Thực phẩm thô là thực phẩm tươi sống không qua chế biến như nướng, salad… Loại thực phẩm này thường dễ bị nhiễm bẩn. Trường hợp ô nhiễm chéo cũng có thể xảy ra nếu thịt sống, hải sản và gia cầm… nếu không bảo quản đúng cách. Vì vậy nên cẩn thận bọc thực phẩm, đặt và phân biệt chúng trong một ngăn riêng biệt để bảo quản.
- Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín là cách khử độc tố trong thực phẩm. Luôn luôn ăn chín, uống sôi để giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, nhất là trong mùa nắng nóng.
- Giữ lạnh và rã đông đúng cách: Làm tan thực phẩm đông lạnh kỹ lưỡng. Không rã đông thực phẩm nhiều lần, nhất là khi đi du lịch mùa hè. Cần chọn một dụng cụ làm mát cách nhiệt chứa đầy đá để bảo quản đồ ăn; Nên tránh ánh nắng trực tiếp và dùng hộp đựng thức ăn và đồ uống riêng biệt.
- Nên lựa mua thực phẩm còn tươi có nhãn mác. Cần lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.
- Lưu ý điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C; tủ đông ở -15 độ C đến -18 độ C.
- Nên sử dụng thớt khác nhau cho thực phẩm sống và chín; rửa chúng giữa các lần sử dụng.
- Không nên để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh; Lưu trữ thức ăn thừa một cách an toàn trong 3-5 ngày. Nếu không nên để trên ngăn đông để bảo quản lâu hơn.
- Hạn chế ăn uống vỉa hè để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là vào mùa hè nóng nực thức ăn rất dễ bị ôi thiu.
- Ăn uống lành mạnh; tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()