Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:18 (GMT +7)
Nhân lên những khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp
Thứ 3, 07/03/2023 | 10:20:44 [GMT +7] A A
Bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với tinh thần đó, nhiều phong trào thi đua, mô hình, dự án về môi trường đã được triển khai thực hiện, nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng để nhân lên ngày càng nhiều hơn những khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp.
Phát huy vai trò CCB gương mẫu
Năm 2014, xã Đông Xá của huyện Vân Đồn về đích NTM. Từ đó đến nay, tất cả các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân... vẫn tiếp tục được xã củng cố, nâng cao. Nhất là vài năm trở lại đây, việc giữ gìn những tuyến đường ngõ xóm luôn sạch đẹp đã trở thành nền nếp của các khu dân cư trong toàn xã. Sự chuyển biến mạnh mẽ này chính là kết quả từ tâm huyết của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Trong đó phải kể đến những đóng góp tích cực của đội ngũ CCB của xã, bằng việc đảm nhận thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”. Đến nay, gần 300 bóng đèn điện chiếu sáng tự động được hội CCB xã huy động, đóng góp kinh phí lắp đặt cho toàn bộ 11,5km đường dân sinh, đi qua 10 thôn trên địa bàn xã, giúp cho việc đi lại của người dân luôn được an toàn, thuận tiện.
Ông Nguyễn Trung Định, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đông Xá, chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu tiên Hội xin ý kiến của Đảng ủy xã, sau đó tiến hành khảo sát, tính toán phương án triển khai sao cho phù hợp nhất. Bao gồm việc ghi nhận thực tế nhu cầu của người dân, dự kiến mua sắm thiết bị, nghiên cứu từng vị trí lắp đặt bóng đèn... Kinh phí thực hiện được dự trù kỹ lưỡng để huy động một phần từ nguồn xã hội hóa, còn lại do chính các cán bộ, hội viên CCB tham gia đóng góp. Nhờ thế nên khi bắt tay vào triển khai, Hội CCB đứng ra nhận trách nhiệm thi công lắp đặt hoàn thiện rất thuận lợi. Hiện nay, từng chi hội ở khu dân cư vẫn cắt cử hội viên phụ trách việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo hệ thống đèn phát huy tốt hiệu quả hoạt động.
Khi các chi bộ khu dân cư trên địa bàn xã Đông Xá triển khai phong trào vệ sinh môi trường, các hội viên CCB cũng chủ động đăng ký tham gia các đợt ra quân cùng người dân ven các tuyến đường thực hiện các buổi dọn vệ sinh đường ngõ xóm, chăm sóc hoa và cây xanh luôn tươi tốt. Gương mẫu làm trước và triển khai nhiệm vụ như những chiến sĩ xung kích đi đầu, đó là cách để các hội viên CCB vận động, lôi cuốn đông đảo nhân dân cùng tham gia thực hiện. Nhờ đó, cảnh quan môi trường khu dân cư của Đông Xá luôn được giữ gìn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần để xã hoàn thành mục tiêu về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra.
Bằng việc cụ thể hóa phong trào thi đua “CCB gương mẫu” vào các mô hình, phần việc thiết thực tại các khu dân cư; lực lượng CCB xã Đông Xá cũng như trong toàn tỉnh, đang hàng ngày, hàng giờ đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa thiết thực. Thống kê của Hội CCB tỉnh, trong năm 2022, các cấp hội đã hưởng ứng thực hiện phong trào “Thắp sáng đường quê” bằng việc lắp đặt được gần 12.600 bộ bóng đèn, chiếu sáng cho gần 290km đường dân sinh. Tổng nguồn kinh phí thực hiện là trên 2,4 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp của cán bộ, hội viên CCB gần 550 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm ngày công lao động. Tùy thuộc từng địa bàn khác nhau, mỗi cơ sở hội lại chủ động triển khai thêm những phần việc, công trình phù hợp, như: Sửa chữa gần 160km đường giao thông nông thôn; sửa chữa 19,7km kênh mương tưới tiêu nội đồng; xây 120 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo vùng cao...
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Có thể khẳng định, một trong những thành tựu của Quảng Ninh trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, là huy động được sự vào cuộc, tham gia của đông đảo nhân dân. Trong đó phải kể đến phong trào Ngày Chủ nhật xanh do các cấp Hội LHPN phát động, làm nòng cốt. Với hiệu quả thiết thực mang lại, phong trào đã nhanh chóng được nhân rộng tới hầu khắp các khu dân cư trong toàn tỉnh với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Có phong trào dẫn đường, mỗi cá nhân dần hình thành thói quen, nền nếp ứng xử văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường xung quanh. “Mưa dầm thấm lâu”, việc dọn vệ sinh không chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà riêng của mỗi người, mỗi nhà mà còn được duy trì thực hiện để giữ gìn sạch đẹp cả đường thôn, ngõ xóm, nơi công cộng. Nhiều khu dân cư cùng đoàn kết, dành thời gian ngày nghỉ cuối tuần quét dọn vệ sinh, chăm sóc hàng cây xanh, phát quang sạch sẽ bụi rậm, vẽ tranh bích họa, cải tạo bãi đất trống tại khu dân cư thành vườn hoa...
Ở khu phố 6C (phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả), phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã trở thành nếp từ nhiều năm nay. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của chi bộ khu phố với các chi, tổ hội đoàn thể, thông điệp về giữ gìn môi trường, cảnh quan chung đã thực sự đi sâu vào đời sống của nhân dân. Các thùng rác công cộng được lắp đặt để hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi. Những tuyến đường tự quản do Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên đảm nhận dần xuất hiện. Mỗi tháng 2 lần, việc ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường vào sáng ngày Chủ nhật lại được các hộ dân trong khu phố hưởng ứng nhiệt tình, mỗi lần thu hút được đại diện gần 40 gia đình cùng tham gia, có cả các thành phần người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, nam nữ... Mỗi người một việc, hăng say lao động giúp cho khu phố thêm sạch, đẹp.
Ông Lê Duy Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 6C, khẳng định: Chúng tôi xác định, mỗi một buổi ra quân không phải là làm thay công việc của nhân viên môi trường, mà quan trọng hơn là nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân trong khu phố. Và để không gian sống luôn trong lành, tươi đẹp thì bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm, phải thực sự có ý thức ở mọi nơi, mọi lúc, liên tục hàng ngày. Thông điệp này đã được đưa vào quy ước chung của khu phố, cũng là một tiêu chí thi đua danh hiệu văn hóa giữa các tổ dân được bình xét vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân hằng năm.
Giữ gìn môi trường sống có thể được thực hiện bằng những việc làm đơn giản mỗi ngày. Đó cũng là cách để mỗi cá nhân thể hiện tình yêu, trách nhiệm với quê hương, lan tỏa lối sống đẹp, văn minh trong cộng đồng. Ở các địa bàn nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào DTTS đời sống khó khăn... những chuyển biến tích cực này đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu lớn là xây dựng NTM, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Bởi lẽ môi trường là một tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi không chỉ sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mà tất yếu đòi hỏi cả ý thức cao của mỗi công dân.
Dự án thu gom rác thải nhựa
Mặt trái của tăng trưởng kinh tế là áp lực về bảo vệ môi trường ngày càng lớn. Đối với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thì đó là yêu cầu về giảm thiểu rác thải nhựa để giữ gìn hệ sinh thái ven biển luôn trong lành, tươi đẹp. Đó cũng chính là mục tiêu của Hội Nông dân và Hội LHPN tỉnh hướng đến khi phối hợp triển khai dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long" từ đầu năm 2020 đến nay. Từ dự án, đến nay, tại 5 phường của TP Hạ Long là Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Phong, Tuần Châu đã hình thành được 4 chi hội, 2 tổ nhóm thường xuyên thực hiện công việc thu gom, phân loại rác thải nhựa tại địa bàn dân cư, với các hội viên phụ nữ, nông dân là thành viên nòng cốt.
Chị Nguyễn Thị Bích Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Hà Phong, cho biết: Việc thành lập ra một nhóm nòng cốt về thu gom, phân loại rác thải nhựa đã giúp công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiệu quả. Đến nay, không chỉ các thành viên của nhóm thực hiện tốt, mà nhiều hộ dân cũng đã tự giác thực hiện thường xuyên việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay tại nhà thay vì đổ chung lẫn lộn vào điểm tập kết. Đã có những thùng chứa ve chai được đặt tại góc vườn, góc sân mỗi gia đình để việc phân loại riêng được thuận tiện. Nhờ đó, lượng rác sinh hoạt của khu dân cư đã giảm; tình trạng chai lọ nhựa, vỏ lon, túi nilon vứt bừa bãi hầu như không còn... bởi được chính người dân thu gom thường xuyên. Lượng rác thải nhựa này được bán phế liệu, gây quỹ cho nhiều hoạt động của khu dân cư, thay vì vứt bỏ lãng phí.
Còn tại phường Hồng Hà, nhóm thu mua ve chai gồm 20 thành viên được thành lập từ dự án, trong suốt hơn 3 năm qua đã luôn là “mắt xích” trong chuỗi thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa rất hiệu quả tại địa phương. Mỗi ngày, các thành viên trong nhóm tỏa ra khắp các địa bàn dân cư, tiến hành thu mua, thu gom các loại đồ nhựa bỏ đi, vận chuyển về bãi tập kết. Tại đây, đồ nhựa được tiếp tục phân loại lần cuối trước khi đưa đến nhà máy xử lý tập trung theo quy định. Trong quá trình len lỏi đến từng ngõ phố để thu mua ve chai, các thành viên cũng đồng thời là một tuyên truyền viên, giúp lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường đến từng người, từng nhà.
Trong quá trình triển khai dự án, những giải pháp để tái chế nhựa, gia tăng giá trị cho những sản phẩm này sau khi đã qua sử dụng, đúng với phương châm “biến rác thành tiền”. Tức là bên cạnh việc đơn giản nhất là bán phế liệu cho các nhà máy xử lý tập trung, thì nhựa còn được tái chế thành những mặt hàng sản phẩm mỹ nghệ, thủ công... được thị trường khá đón nhận, phù hợp với xu hướng sống xanh của một bộ phận không nhỏ người dân. Tại chợ Hạ Long I, gian hàng bán các sản phẩm tái chế cũng đã được thành lập từ dự án, trở thành một địa chỉ quen thuộc với nhiều người dân, du khách với những mặt hàng túi xách, balo, cặp đựng tài liệu, ví tiền... được làm thủ công từ những vật liệu tái chế.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chuỗi các hoạt động, mô hình được triển khai, xây dựng từ dự án “Cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” đã góp phần tác động, thay đổi tích cực về nhận thức, hành động của người dân TP Hạ Long về bảo vệ môi trường sống, bắt đầu từ những hành động nhỏ là giảm thiểu, tái chế rác thải nhựa trong sinh hoạt gia đình, từ mỗi khu dân cư. Đây sẽ là tiền đề để lan tỏa nhiều hơn nữa những hành động đẹp, cụ thể, thiết thực ra cộng đồng, giúp cho môi trường sống luôn sạch đẹp. Đồng thời phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng tầng lớp nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống đang được thực hiện một cách quyết liệt, chặt chẽ. Dễ nhận thấy nhất là việc ngày càng nhân lên những khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp. Điều này cũng phần nào cho thấy rằng chất lượng đời sống của nhân dân Quảng Ninh đang ngày càng được nâng cao.
Những năm qua, nguồn lực cho BVMT được Quảng Ninh liên tục tăng cường. Trong đó ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường được bố trí tăng hằng năm và không dưới 3% tổng chi NSNN, cao hơn mức quy định của Trung ương.
Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng, lồng ghép các phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV - Kỳ họp thứ 9 thông qua tại Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 9/7/2022). Trong đó, đã kế thừa và phát huy giá trị của Quy hoạch Môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch Môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... để phòng ngừa ô nhiễm môi trường ngay từ các phương án phát triển kinh tế - xã hội.
|
Hoàng Giang
- Tiên Yên: Đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
- Xây dựng các khu công nghiệp xanh
- Không khuyến khích khai thác, sử dụng khoáng sản làm phá vỡ cảnh quan, môi trường
- Ứng dụng KHCN trong công tác bảo vệ môi trường
- Ba Chẽ: Điểm sáng về thực hiện tiêu chí môi trường
- Hải Hà: Phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường
Liên kết website
Ý kiến ()