Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:41 (GMT +7)
Nhiều điểm mới, tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong năm 2024
Chủ nhật, 11/02/2024 | 13:50:46 [GMT +7] A A
Trong năm 2024, chính sách bảo hiểm y tế có nhiều thay đổi, giúp gia tăng quyền lợi người dân, người lao động khi thụ hưởng các chế độ…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2024, có nhiều điểm mới tăng quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.
Cuối năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP với nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế từ năm 2024.
Theo đó, bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Cụ thể, gồm người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng (ATK) vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng.
Đối tượng nữa là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, bổ sung, nâng mức hưởng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình, nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá, nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, có mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đối với quy định về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm tế, cho phép xuất trình căn cước công dân thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác, hoặc giấy tờ đã được định danh điện tử mức độ 2 trên VNelD (ứng dụng định danh điện tử) khi đi khám chữa bệnh.
Về quy định thời hạn của Giấy hẹn khám lại: Trường hợp quá thời gian hẹn khám lại, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được hẹn khám lại, người bệnh liên hệ nhân viên y tế để đăng ký lịch khám phù hợp, hoặc tự đến khám lại.
Cũng trong năm 2024, mức đóng bảo hiểm y tế có sự thay đổi. Theo quy định, mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình được cập nhật: Người đầu tiên trong hộ sẽ đóng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi các thành viên tiếp theo có mức đóng giảm dần.
Theo đó, người thứ hai đóng 70%, người thứ ba đóng 60% và người thứ tư đóng 50% so với mức đóng của người đầu tiên. Kể từ người thứ năm trở đi, mức đóng giảm xuống còn 40%.
Đối với học sinh, sinh viên, mức đóng hàng tháng là 4,5% mức lương cơ sở, với sự hỗ trợ 30% từ ngân sách nhà nước và 70% còn lại do cá nhân tự đóng.
Tuy nhiên, từ 1/7/2024, hệ thống tiền lương sẽ được cải cách, bỏ mức lương cơ sở hiện hành. Điều này có thể dẫn đến việc phải xem xét lại và đưa ra hướng dẫn mới về mức đóng và hưởng bảo hiểm y tế cho các đối tượng, như hộ gia đình và học sinh, sinh viên.
Một trong những thay đổi nữa là việc bãi bỏ mức lương cơ sở làm tham chiếu cho chi phí khám chữa bệnh. Trước đây, chi phí khám chữa bệnh dưới 15% mức lương cơ sở (khoảng dưới 270.000 đồng) sẽ được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, quy định này sẽ không còn hiệu lực.
Đối với chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2024, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định và thời điểm có hiệu lực của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Dự kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ trong tháng 2/2024 và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024.
Với nhiều cải cách mang tính đột phá tại dự thảo luật đang được xây dựng, khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế sẽ có những thay đổi lớn, và gia tăng quyền lợi cho người thụ hưởng chính sách.
Theo Vneconomy
Liên kết website
Ý kiến ()