Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 01:03 (GMT +7)
Nhiều lợi ích từ chuyển đổi phao xốp sang phao nổi tiêu chuẩn HDPE
Thứ 3, 07/03/2023 | 09:01:23 [GMT +7] A A
Điều đáng ghi nhận, quá trình chuyển đổi phao xốp sang phao nổi chuẩn HDPE mang lại đa lợi ích, tiến tới mục tiêu phát triển không gian biển một cách bền vững thay vì một mục tiêu phát triển thuỷ sản bền vững. Tuy nhiên, tiến độ chuyển đổi phao xốp sang phao nổi chuẩn HDPE mà các đơn vị toàn tỉnh đạt được là chậm hơn so với mục tiêu đề ra, và cần phải nỗ lực khắc phục.
Cứng rắn lập lại trật tự trong nuôi trồng thủy sản
Vụ việc TP Cẩm Phả quyết định kỷ luật một số cán bộ của mình về hành vi buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng NTTS tự phát trên vùng vịnh Bái Tử Long thuộc địa phận TP Cẩm Phả quản lý vào cuối tháng 8/2022 được coi là tuyên bố cứng rắn của chính quyền trong việc chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý NTTS.
Trước đó, trong quá trình TP Cẩm Phả rà soát, vận động các hộ NTTS chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, nhiều trường hợp hộ NTTS không phép, song vẫn tồn tại nhờ sự làm lơ, “nhẹ tay” của đội ngũ công chức quản lý nhà nước đã được phát hiện. Đây là cơ sở để TP Cẩm Phả làm rõ vi phạm và tiến hành kỷ luật những cá nhân liên quan.
Sau vụ việc này, các hoạt động cưỡng chế những hộ NTTS không chấp hành quy định thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE, các hộ NTTS trái phép, nuôi ngoài, nuôi trái quy hoạch, nuôi vào lòng, lề luồng lạch giao thông thuỷ, nuôi chồng lấn vào các vùng phát triển kinh tế khác… của TP Cẩm Phả có thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.
Toàn các vùng NTTS của TP Cẩm Phả có khoảng trên 65.000 quả phao xốp cần được chuyển đổi, trong đó khoảng 40.000 quả trong quy hoạch, trên 25.000 quả không phù hợp quy hoạch. Đến thời điểm này, hơn 40.000 quả phao xốp đã được thay thế bằng phao chuẩn HDPE.
Nỗ lực làm sạch biển
Theo ông Nguyễn Thạch Long, Trưởng Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả: Từ việc lập lại trật tự NTTS trên biển đã đạt những kết quả nhất định và hiện đang được đẩy mạnh triển khai, TP Cẩm Phả ngày càng có không gian biển xanh, sạch, thoáng đãng, mỹ quan; giảm thiểu, tiến tới không còn các hộ NTTS tự phát; các vùng NTTS theo quy hoạch của Cẩm Phả cũng sẽ được đầu tư hơn để đáp ứng yêu cầu của người NTTS; luồng lạch giao thông thuỷ được đảm bảo an toàn hơn. Về lâu về dài, TP Cẩm Phả có diện tích mặt biển “sạch” để quy hoạch phát triển, để trở thành dư địa xúc tiến thu hút đầu tư phù hợp, giúp thành phố phát huy lợi thế từ biển…
Cùng với Cẩm Phả, hầu hết các địa phương có biển thời gian qua đều đẩy mạnh việc chuyển đổi phao xốp sang phao nổi chuẩn HDPE. Giải pháp của các địa phương đưa ra là rà soát thực tế số hộ NTTS, số phao xốp đang có mặt trên biển, xác định trường hợp NTTS đúng quy hoạch, trường hợp NTTS sai quy hoạch để xây dựng phương án xử lý phù hợp.
Huyện Vân Đồn là địa phương chiếm đến gần 90% tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nổi HDPE trên toàn tỉnh. Địa phương này khi bước vào triển khai gặp nhiều vướng mắc do thời gian dài có những chồng chéo trong công tác quy hoạch phát triển địa phương.
Quyết tâm lập lại trật tự trên biển, huyện Vân Đồn lần lượt xử lý các trường hợp vi phạm theo thứ tự mức độ vi phạm, mức độ ảnh hưởng tới biển. Theo đó, huyện Vân Đồn mạnh tay xử lý các hộ NTTS trong, cạnh luồng lạch giao thông, trong khu vực cảng bến neo đậu tàu thuyền; tiếp đến là các hộ NTTS ngoài, trái quy hoạch. Đối với các hộ NTTS trong vùng quy hoạch, công tác tuyên truyền vận động, ký cam kết được đưa lên hàng đầu. Sau bước này, huyện Vân Đồn kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, hộ NTTS trong vùng quy hoạch mà đã qua giai đoạn thu hoạch sản phẩm nhưng vẫn cố tình chậm chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trước thời điểm năm 2021, tổng số phao xốp trên mặt biển Vân Đồn được địa phương báo cáo là gần 9 triệu quả. Con số này, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người NTTS tự chuyển đổi mô hình nghề nghiệp nên lần lượt giảm xuống 5 triệu quả, 4 triệu quả và 2,2 triệu quả như con số chốt tính đến hết năm 2021.
Hiện nay, trong con số 2,2 triệu quả phao xốp của Vân Đồn đã có 1,2 triệu quả được thay thế bằng phao nổi chuẩn HDPE, số còn lại sẽ giảm mạnh do người NTTS đang tiếp tục chuyển đổi hoặc giảm do đơn vị chức năng tiến hành cắt bỏ, thu gom cưỡng chế theo đúng quy định.
Có thể thấy từ một chủ trương đúng, chuyển đổi phao xốp sang phao nổi theo tiêu chuẩn HDPE trong hoạt động NTTS, các vùng NTTS của Quảng Ninh không chỉ được cải thiện về mỹ quan và sự trong lành, bảo vệ môi trường nước, tạo sự phát triển cho sinh vật biển, qua đó phát triển thuỷ sản bền vững.
Hơn hết mặt biển Quảng Ninh được trả lại vẻ đẹp và giá trị, thực sự là mặt biển sạch cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nơi được định hình rõ ràng với vùng giao thông thuỷ thông thoáng, vùng mặt nước nguyên sơ chờ được quy hoạch phát triển, chờ được khai thác, chờ được xúc tiến đầu tư. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE cũng chính là quá trình thắt chặt công tác quản lý, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn cũng như người NTTS, hướng tới quy cách quản lý khoa học, làm ăn quy củ, giá trị cao. Mặt biển thực sự trở thành dư địa, thế mạnh phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Việt Hoa
- 1.203.997 - là số quả phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa ở Quảng Ninh
- Quảng Yên: Giải ngân 1 tỷ đồng triển khai mô hình chuyển đổi vật liệu nổi quy chuẩn
- 2,5 tỷ USD - là ước tính thiệt hại kinh tế thủy sản mỗi năm trên toàn cầu do rác thải nhựa
- 5,6 triệu tấn/năm - là tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cả nước vào năm 2025
Liên kết website
Ý kiến ()