Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:05 (GMT +7)
Nhớ lời Bác dặn, trồng cây - gây rừng
Chủ nhật, 15/09/2013 | 01:17:50 [GMT +7] A A
Những lần về thăm Quảng Ninh, Bác Hồ đã biểu dương, dặn dò quân và dân trong tỉnh thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng, trong đó có việc trồng cây, gây rừng. Làm theo lời Bác dạy, phong trào trồng cây đã được nhân dân các dân tộc trong tỉnh duy trì thực hiện tốt trong suốt những năm qua.
Bác dặn Tết trồng cây phải trở thành phong trào quần chúng
Những lần về thăm Quảng Ninh, Bác Hồ nhiều lần dặn dò nhân dân và cán bộ trong tỉnh phải tích cực trồng cây, gây rừng.
Ông Đào Văn Mĩnh (SN 1932), ở thôn Hoành Mô, xã Hồng Thái Tây (Đông Triều), nay tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Ông là một trong những người ở xã được gặp Bác Hồ hồi Tết Ất Tỵ 1965.
Bác Hồ nghỉ chân tại rừng thông Yên Lập, Tết Ất Tỵ 1965. (Ảnh Tư liệu) |
Ông kể với tôi rằng: Tết Ất Tỵ năm 1965, khi về thăm Quảng Ninh, Bác Hồ dừng chân ở quả đồi cạnh ngôi trường của xã, trước khi vào thăm thầy và trò trường Phạm Hồng Thái. Khi ấy ông là bảo vệ ở trụ sở xã.
Thấy đồi trơ trọi, không có cây xanh, Bác quay sang hỏi những người đang đứng đó có ai là đảng viên không? Một thầy giáo cấp hai và một y sỹ ở trạm xá xã thưa với Bác mình là đảng viên. Bác phê bình rồi dặn các đồng chí đảng viên phải lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Mọi người đều hứa sẽ thực hiện tốt lời Bác dạy, để lần sau Bác về sẽ nhìn thấy thật nhiều cây xanh.
Còn ông Phạm Xuân (SN 1933), ở thôn Khe Cát, phường Minh Thành, TX Quảng Yên, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Thành thì kể: Tết Ất Tỵ năm 1965, Bác Hồ dừng lại ở Khe Cát, vào thăm và chúc tết nhà ông Trần Mộc Sinh, một gia đình người Hoa trong thôn.
Sau đó, Bác ra ngồi nghỉ ở quả đồi phía đối diện. Bác dặn bà con trong thôn phải trồng nhiều cây để quả đồi này xanh tốt… Khi Bác đi rồi, bà Thoóng, một người Hoa trong thôn đã bê một hòn đá đặt vào đó để đánh dấu chỗ Bác nghỉ. Ít lâu sau, xã tiến hành xây đài lưu niệm nơi Bác dừng chân, thấy mọi người đào móng xây chưa đúng vị trí, bà Thoóng đã đề nghị mọi người xây ở vị trí như hiện nay. Ngọn đồi nơi Bác dừng chân năm xưa ít lâu sau đã được trồng phủ kín thông xanh.
Ông Phạm Xuân, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Thành (Quảng Yên) kể chuyện Bác Hồ thăm Quảng Ninh cho thế hệ trẻ trong xã. |
“Đoàn xã mấy chục năm qua đã thường xuyên duy trì việc tổ chức cho đoàn viên thanh niên dọn thực bì, chăm sóc rừng cây này. Người dân quanh đây ai cũng có ý thức bảo vệ rừng cây Bác Hồ, bởi rừng cây này có ý nghĩa rất thiêng liêng với chúng tôi”, ông Phạm Xuân, nguyên Bí thư Đoàn xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Thành tâm sự.
Trong lần về thăm quân và dân Quảng Ninh Tết Ất Tỵ năm ấy, nói chuyện với nhân dân thị xã Hòn Gai, Bác dặn: “Đẩy mạnh hơn nữa Tết trồng cây. Cho đến nay, có nơi làm khá nhưng nhiều nơi làm kém. Phải làm cho tết trồng cây thành một phong trào quần chúng vì mai sau nó sẽ là một nguồn lợi rất lớn cho nhân dân”…
Trước đó, trong những lần về thăm, trên các bài báo, bức thư, Bác Hồ đã nhiều lần cả biểu dương, cả phê bình nhắc nhở và dặn dò nhân dân trong tỉnh phải thực hiện tốt phong trào trồng cây, gây rừng.
Làm cho Quảng Ninh càng ngày càng xanh
Nhớ lời Bác dạy: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những năm qua, nhân dân khắp nơi trong tỉnh đã thực hiện tốt phong trào thi đua trồng cây, gây rừng.
Bà Đào Thị Nhàn ở thôn Lâm Xá 1, xã Hồng Thái Tây, huyện Đông Triều, là một trong những người từng được Bác chia kẹo và nghe Bác dặn về nhiệm vụ trồng cây năm xưa khi Người dừng chân thăm cán bộ và nhân dân trong xã Tết Ất Tỵ năm 1965.
Bà Nhàn kể: Mùa xuân năm ấy (1965), cả xã mở hội bàn biện pháp trồng cây, xây dựng một lực lượng lớn những người chuyên trách trồng cây. Sau đó, từ chỗ chỉ có 1 đội, xã Phạm Hồng Thái (cũ) đã hình thành được 6 đội với rất đông nam, phụ, lão, ấu tham gia trồng cây.
Đoàn viên, thanh niên phường Minh Thành (Quảng Yên) chăm sóc rừng thông nơi Bác Hồ nghỉ chân. |
Ngay trong mùa xuân năm 1966, cả xã Phạm Hồng Thái đã trồng được 14 vạn cây bạch đàn, phi lao, biến toàn bộ diện tích đồi trọc 100ha thành rừng cây xanh tốt, 10km bờ vùng và đường sá trong xã cũng được trồng cây xanh bên hành lang…
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Thái Tây cho biết: 326ha đất nông nghiệp, 409ha đất rừng sản xuất trong tổng số 683ha đất rừng của xã đều được giao cho nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Làm theo lời Bác, xã Hồng Thái Tây đã biến phong trào trồng cây, gây rừng thành phong trào quần chúng. Không chỉ phủ xanh được đất trống, tạo cảnh quan đẹp và bảo vệ môi trường, việc trồng cây, gây rừng còn làm cho đời sống nhân dân khấm khá lên.
Ở thôn Khe Cát, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) cũng vậy, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày ngày chăm chút cho rừng cây nơi Bác Hồ dừng chân (km11), biến nơi đây thành thắng cảnh đẹp, là nơi để người dân Minh Thành phát triển dịch vụ, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Không chỉ ở những nơi được đón Bác về thăm, được Bác Hồ trực tiếp dặn dò phải trồng cây, gây rừng mà nhân dân các dân tộc ở khắp các địa phương trong tỉnh đều đã tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào theo lời dạy của Người.
Công nhân ngành Than trồng cây trên bãi thải góp phần bảo vệ môi trường. |
Phong trào trồng cây, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên được người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trồng rừng trong tỉnh duy trì tốt.
Theo báo cáo của UBND tỉnh: Tỷ lệ che phủ rừng ở tỉnh tăng lên đáng kể theo từng năm, đến nay đạt 52,8%. Tỉnh đã rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, cơ cấu các loại rừng hợp lý hơn, đảm bảo hài hoà mục tiêu bảo tồn và phát triển.
Công tác giao đất, giao rừng cho người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ đã giúp cho ngành kinh tế lâm nghiệp ở tỉnh ngày càng phát triển. Trồng rừng đã trở thành thế mạnh của nhiều địa phương, giúp người dân nhiều nơi trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giầu.
[links(left)]
Ngọc Hà -Thái Bình-Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()