Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:19 (GMT +7)
Những "chiến sĩ" trên mặt trận sản xuất “vàng đen”
Thứ 3, 02/08/2022 | 09:07:54 [GMT +7] A A
So với các ngành lao động khác, ngành Than không kém cạnh gì, thậm chí vượt trội hơn về số lượng Anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, bằng lao động sáng tạo, bằng khen, giấy khen, thợ giỏi toàn quốc... Những ghi nhận đó của Nhà nước không chỉ có được vì sự nghiệp sản xuất nguồn “vàng đen” cho Tổ quốc, mà còn cho thấy tinh thần lao động hăng say, nhiệt huyết, trách nhiệm, không ngại vất vả, hy sinh của những “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ” trên mặt trận sản xuất than.
Những thợ lò “già dơ”
Ở Công ty CP Than Hà Lầm, không khó để bắt gặp những thợ lò “già dơ”. Họ đều là những người có tuổi đời và kinh nghiệm tuổi nghề. Không ít những tên tuổi thợ lò đã đi vào lịch sử.
27 năm gắn bó với nghề mỏ, vượt qua nhiều khó khăn, thợ lò Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng sản xuất Công trường kiến thiết cơ bản 1, Công ty CP Than Hà Lầm đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, giúp đơn vị tiết kiệm được nhiều tỷ đồng chi phí trong sản xuất. Đặc biệt, anh còn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Cuộc đời thợ mỏ của anh Thái có rất nhiều dấu ấn. Đặc biệt nhất là cách đây 11 năm, anh vinh dự được lãnh đạo Công ty CP Than Hà Lầm chọn là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300 (độ sâu kỷ lục của ngành Than Việt Nam). Anh cùng các đồng nghiệp đã vượt qua bao thách thức để chinh phục những đường lò. “Đó là thời điểm tạo bước ngoặt lớn cho TKV trong việc chinh phục độ sâu nhất trong khai thác của ngành Than vào thời điểm đó với những kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cá nhân tôi và các đồng nghiệp làm việc với tinh thần không nao núng. Chinh phục được đường lò -300 cũng chính là vinh quang của thợ mỏ Hà Lầm nói chung và thợ mỏ cả nước nói riêng”, anh Thái tự hào. Hiện dấu chân của anh được đúc đồng và lưu giữ tại phòng truyền thống của TKV.
Gần 30 năm làm thợ mỏ với bao công trình vượt khó, anh Thái đã có trên 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Nhiều năm liền, Tổ đạt năng suất kỷ lục dẫn đầu TKV về sản lượng đào lò với mức 150-200m lò/tháng.
Không chỉ xung phong đảm nhận những công việc khó, anh Thái luôn tích cực tham gia công tác cứu hộ, xử lý các tình huống khó khăn giúp các đơn vị bạn như: Tham gia cứu hộ sự cố bục nước tại mỏ than Thành Công năm 2011. Đặc biệt, sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng ở tỉnh Lâm Đồng năm 2014, anh Thái là kíp trưởng cùng các thành viên trong đoàn cứu hộ của TKV thực hiện đào 1 đường lò cứu hộ, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tìm mọi phương án thần tốc cùng lực lượng công binh cứu 12 công nhân bị mắc kẹt đưa ra ngoài an toàn. Với thành tích này, anh Thái cùng các đồng đội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ở mỏ Hà Lầm, không ít những tấm gương thợ mỏ ưu tú mà tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" đã ngấm vào máu. Cùng với anh Thái, cái tên thợ lò Phạm Văn An, Tổ trưởng Tổ đào lò, Công trường Kiến thiết cơ bản 2, cũng rất nhiều người biết đến. 28 năm công tác tại Hà Lầm, anh An đã cùng đồng nghiệp chinh phục không biết bao đường lò. Như anh Thái, thợ lò Phạm Văn An cũng không ngại xông pha trước những hiểm nguy cứu đồng đội trước sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng. Dẫu biết rằng phía sau là cậu con trai còn nhỏ duy nhất cần được chở che mà vợ thì đã mất vì bệnh trọng. Nhưng “hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi đau mất người thân. Tôi chỉ nghĩ vậy và lên đường” - giọng anh An cương quyết như lúc vừa nhận được phân công.
Từ tinh thần vượt khó, đoàn kết ấy, những chiến sĩ thợ mỏ Hà Lầm đã luôn cống hiến hết mình cho mỏ. Minh chứng là những thành quả trong lao động sản xuất của họ.
Độ “già dơ” của anh Bùi Văn Nhất, Tổ trưởng sản xuất, Công trường Cơ giới hóa khai thác 2, Công ty CP Than Hà Lầm cũng không kém các anh Thái, anh An. Điều đó thể hiện rất rõ nét trong quá trình gần 25 năm công tác của anh ở than Hà Lầm.
Được anh em trong tổ tín nhiệm, lãnh đạo đơn vị bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ sản xuất, phụ trách công tác chỉ huy sản xuất tại lò chợ mức -36 -:- +12 khu 3 - Vỉa 10 - lò chợ đầu tiên của Công ty cũng như ngành Than Việt Nam. Anh đã dẫn dắt tổ áp dụng thành công công nghệ khai thác bằng giá khung di động GK - một công nghệ khai thác than tiên tiến của ngành than Việt Nam thời điểm đó và đạt kết quả cao về cả sản lượng, thu nhập.
Làm tổ trưởng anh Nhất luôn bố trí công việc phù hợp theo từng tay nghề, bậc thợ, quản lý tốt thiết bị công nghệ, đặc biệt luôn động viên anh em chịu khó, nâng cao tay nghề, yêu nghề nghề không phụ. Chính vì vậy, anh em trong tổ luôn đoàn kết, thi đua sôi nổi lao động. Bên cạnh sự đầu tư công nghệ hiện đại của công ty vai trò điều hành của tổ trưởng Nhất và nỗ lực của anh em trong tổ, đến nay, mỗi ca tổ anh sản xuất được khoảng 2.000 tấn/ha; thu nhập bình quân 30-40 triệu đồng/người/tháng, con số tốp đầu so với các đơn vị ngành Than.
Đó là điều mà rất ít lò chợ có thể đạt được khi gặp các khó khăn về điều kiện khai thác, áp lực mỏ, địa chất không ổn định; hệ thống vận tải than, vận chuyển vật tư thiết bị, đường đi lại của công nhân phức tạp...
Gần 30 năm công tác, các thợ lò “già dơ” như anh Thái, anh An, anh Nhất đã luôn là những trụ cột sản xuất của Hà Lầm ở nhiều thời điểm. Ngay cả giờ đây, khi tuổi nghề đã cao nhưng các anh vẫn chứng minh được chân lý “gừng càng già càng cay”, cùng mỏ Hà Lầm vượt qua những khó khăn, vượt qua những thử thách để đột phá phát triển, trở thành đơn vị trong top đầu của TKV về công nghệ hiện đại và năng suất sản lượng.
Hơn 5.000 “chiến sĩ” được vinh danh
Tinh thần kỷ luật và đồng tâm, ý chí của người thợ mỏ đã được ghi nhận rất nhiều qua những danh hiệu thi đua từ cấp cơ sở đến trung ương. Và cũng chính những nhân tố tiêu biểu đó đã trở thành nguồn cảm hứng, khởi nguồn cho những phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ” trong ngành Than, đúng như lời Bác Hồ từng căn dặn “sản xuất than như quân đội đánh giặc. Những người thợ mỏ chính là những chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than”.
Ông Bùi Văn Ngợi, Trưởng Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Than Quảng Ninh cho biết: Công tác tuyên truyền lan tỏa hình ảnh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" được các đơn vị tổ chức thường xuyên, tích cực, đạt kết quả, bằng nhiều hình thức phong phú, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền miệng lồng ghép trong nhiều hội nghị sơ kết, trong sinh hoạt chi bộ, các đoàn thể quần chúng, các đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng thông tin đại chúng... đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Với tinh thần chủ động, cấp ủy cơ sở tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, kế hoạch xây dựng hình ảnh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" phù hợp với đặc điểm, quy mô, tình hình đơn vị, đến nay hầu hết các đơn vị đã ban hành các quy chế, quy định, để tổ chức thực hiện đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ và khoa học.
Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả phong trào “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ” là những năm gần đây, khi ngành Than phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát; một số đơn vị sản xuất than thiếu lao động, một số đơn vị cơ khí, dịch vụ thừa lao động, khó khăn trong tổ chức sản xuất; áp lực tiêu thụ than tồn kho trong điều kiện cạnh tranh thị trường tiêu thụ ngày càng quyết liệt...
Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng ủy Than Quảng Ninh cùng với TKV lãnh đạo các đơn vị phát huy truyền thống kỷ luật và đồng tâm, đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị quyết tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa quyết liệt triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, duy trì ổn định cùng TKV thực hiện tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao. Trong nhiều hoạt động thi đua, phong trào xây dựng hình ảnh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực, lan tỏa nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến.
Theo đó, sau 4 năm triển khai chương trình “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”, đến nay, toàn ngành có hơn 5.000 thợ mỏ được vinh danh, đóng góp tích cực cho phong trào thi đua sản xuất tại các đơn vị.
Cùng với sự phát triển của đất nước và yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng hơn 80 vạn thợ mỏ đã nỗ lực thi đua, thực hiện xuất sắc những lời dạy của Bác, đạt sản lượng tăng gấp năm chục lần ngày đầu tiếp quản khu mỏ, xứng đáng là một trong ba trụ cột của nước nhà. Với hạ tầng công nghệ hiện đại, TKV có điều kiện cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa ở hầu hết các khâu của dây chuyền sản xuất. Thợ mỏ ngành Than cũng đang từng bước trở thành đội ngũ lao động công nghệ, có sức vóc và tri thức, đủ năng lực chinh phục những giới hạn của ngành khai thác mỏ, dũng cảm tiến quân mở những gương than mới ở độ sâu hàng trăm mét trong lòng đất.
Có thể thấy, vai trò và vị thế của thợ mỏ Quảng Ninh hôm nay đã bước sang một trang mới. Họ ngày càng xứng đáng với vai trò "chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than" như lời Bác căn dặn năm xưa. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và nhu cầu than ngày một gia tăng như hiện nay, thợ mỏ càng chứng minh tinh thần kỷ luật, đồng tâm, sáng tạo, vượt khó, mỗi năm sản xuất trên 40 triệu tấn than cung cấp cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp quan trọng cho sự phát triển, tăng trưởng của ngành Than nói riêng, của tỉnh Quảng Ninh và đất nước nói chung.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()