Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:36 (GMT +7)
Những hạt nhân của thôn bản
Thứ 2, 19/06/2023 | 12:15:45 [GMT +7] A A
Ở Ba Chẽ, các nghệ nhân được coi như là những “báu vật nhân văn sống”. Mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi dân tộc khác nhau nhưng đều chung niềm đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nghệ nhân dân gian Hà Xuân Tiến ở xã Nam Sơn hiện đang gìn giữ một kho tàng gần 600 cuốn sách với hơn 16.000 trang, ghi chép về văn hóa Dao ở khắp các vùng miền. Vốn kiến thức được ông lưu truyền đã giúp cộng đồng người Dao ở huyện Ba Chẽ và các xã Yên Than, Hải Lạng (Tiên Yên), xã Bằng Cả (TP. Hạ Long)... hiểu thêm về văn hóa Dao ở khắp dải đất Việt, từ đó phục dựng và phát triển văn hóa dân tộc Dao đúng với nguyên gốc tại địa phương mình. Từ năm 2004, nghệ nhân Hà Xuân Tiến đã tham gia giảng dạy các lớp tiếng Dao, hỗ trợ phát triển kênh phát thanh tiếng Dao trên sóng phát thanh truyền hình, qua đó giúp cho công tác bảo tồn văn hoá thuận lợi hơn. “Tôi còn giành thời gian sáng tác nhiều bài hát tiếng Dao để thế hệ trẻ dễ tìm hiểu văn hóa Dao thông qua các giai điệu” - ông Tiến chia sẻ.
Những năm qua, các giá trị văn hóa dân tộc tưởng chừng bị mai một đã được làm sống lại trong cộng đồng và truyền bá rộng rãi trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Đó là thành quả trong suốt hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm của những nghệ nhân vùng Đông Bắc. Hiện trên địa bàn huyện có 4 nghệ nhân dân gian được công nhận: ông Triệu Thanh Xuân, dân tộc Dao Thanh Phán, xã Đồn Đạc; ông Lục Văn Bình, dân tộc Cao Lan, ông Hà Xuân Tiến và ông Đặng A Mản, dân tộc Dao Thanh Y cùng ở xã Nam Sơn. Họ là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa, đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Không chỉ là người kế tục các di sản, những nghệ nhân ấy còn là kho tư liệu đồ sộ, “cơ sở dữ liệu” văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa tộc người.
Mỗi người bằng những cách thức khác nhau nhưng thông qua lao động và thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian như Nghi lễ cấp sắc, múa rùa, nhập đồng nhảy lửa, các nghi lễ đầy tháng, ma chay, cưới hỏi… những nghệ nhân trên địa bàn huyện đã khẳng định vai trò Người uy tín trong cộng đồng, truyền đạt kiến thức và giúp người dân thay đổi nhận thức, bài trừ, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Bằng những cách làm riêng, họ nắm bắt tâm tư nguyện vọng và cùng cộng đồng tháo gỡ khó khăn, dạy dỗ, bảo ban thế hệ trẻ lòng tự hào và trách nhiệm về bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình, từ đó vận động mọi người chung tay xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, số nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng ít dần đi mà không có lớp kế cận; huyện Ba Chẽ đã động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng, tiếp tục đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.
Theo ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Chẽ, huyện thường xuyên tạo điều kiện để các nghệ nhân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giúp họ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mình trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; ý thức được tầm quan trọng việc trao truyền cho thế hệ sau; góp phần vào công cuộc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn xây dựng toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
Chu Tuân
- Nét đẹp những lễ hội dân gian ở Ba Chẽ
- Ba Chẽ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Ba Chẽ: Hội thảo đầu bờ đánh kết quả thực hiện mô hình giống lúa mới J02
- Tăng tốc thi công đường tỉnh 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ
- Ba Chẽ: Phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hoạt động hè 2023
- Thẩm định kết quả xây dựng NTM huyện Ba Chẽ năm 2022
Liên kết website
Ý kiến ()