Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 18:26 (GMT +7)
Những ngôi nhà kiến trúc Pháp ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 24/04/2022 | 14:29:11 [GMT +7] A A
Ngày 12/3/1883, theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ, viên trung tá hải quân Pháp Henri Rivière đã đem quân đánh chiếm Quảng Yên, chiếm lấy mỏ than Hòn Gai và phong toả vùng vịnh Hạ Long mở đầu cho 72 năm xâm chiếm và vơ vét tài nguyên khoáng sản than của khu mỏ.
Để đặt bộ máy cai trị và khai thác mỏ, các chủ mỏ Pháp đã xây dựng nhiều công trình như nhà ở, nhà làm việc, điều hành sản xuất, nhà sàng than, nhà máy điện, nhà thờ Công giáo và nhiều công trình khác. Trải qua thời gian, nắng mưa bào mòn và nhất là những năm tháng đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh, nhiều công trình kiến trúc được xây dựng những năm 1955 trở về trước đã bị hư hại. Hiện nay, số công trình kiến trúc này còn lại không nhiều và phần nhiều trong đó đã được các địa phương, đơn vị, cơ quan chủ quản bảo tồn và tiếp tục phát huy công năng, sử dụng.
Tại thành phố Hạ Long hiện các công trình kiến trúc nhà thời Pháp còn lại không nhiều, tiêu biểu là nhà làm việc của “chủ mỏ’ Pháp được xây dựng năm 1896. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, những trận ném bom của máy bay Mỹ đã phá huỷ nhiều công trình kiến trúc Pháp ở khu vực này nhưng nhà chủ mỏ may mắn không bị trúng bom. Tới nay, công trình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn hình hài, kiến trúc bên trong và bên ngoài, cửa, cầu thang, ván sàn gỗ lim. Đây đang là nơi làm việc của một số phòng, ban thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh.
Năm 1920, trước nhu cầu điện cho khai thác than và sinh hoạt của chủ mỏ, cai ký người Pháp đã cho xây dựng Nhà máy điện ở khu vực Cột 5 đến năm 1926 thì hoàn thành. Lúc đầu nhà máy chỉ có 4 tổ máy phát điện công suất 1000kW/máy. Năm 1939, công suất vận hành đạt 4.000 - 6.000kW. Năm 1953, tổng công suất của nhà máy nâng lên khoảng 14.000kW.
Năm 1960, với sự giúp đỡ của Chính phủ Ba Lan, công suất của nhà máy được cải tạo đạt 9.000 - 10.000kW. Sau hai trận bom của máy bay Mỹ ném trúng ngày 09/5/1972 và 12/9/1972, nhà máy gần như bị phá hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại một phần toà nhà, đến năm 2018 thì được tháo dỡ hẳn để mở rộng quốc lộ 18.
Thị xã Quảng Yên là nơi có nhiều công trình kiến trúc nhà Pháp tới nay còn nguyên vẹn và đang được sử dụng. Có thể kể như trụ sở chính quyền thị xã ngày nay vốn là toà nhà hành chính của dinh tỉnh trưởng Quảng Yên xưa xây dựng cùng thời với trụ sở làm việc của chủ mỏ Pháp ở Hòn Gai. Ngoài ra, còn có nhiều ngôi nhà nằm trên các con phố thuộc thị trấn và ở một số xã, phường trên địa bàn. Đáng chú ý, ngay cạnh trụ sở thị trấn Quảng Yên còn đó ngôi nhà của gia đình bác sĩ Lê Văn Cơ, nguyên vụ trưởng Vụ khám chữa bệnh Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội khoá I của Quốc hội Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Hiện nay, ngôi nhà đang thuộc sở hữu của cháu nội cụ Cơ. Trong ngôi nhà vẫn giữ gần nguyên vẹn các kiến trúc Pháp như lò sưởi, gạch lát nền, ngói, cầu thang và sàn gác gỗ lim, thậm chí chạn bát, ly cà phê, chai lọ từ thời Pháp đang được lưu giữ.
Tại Cẩm Phả cũng có một số công trình nhà vốn của chủ mỏ từ thời Pháp cũng đang được bảo tồn, sử dụng làm nhà lưu niệm vùng than, nhà khách của Công ty Than Thống Nhất.
Tại Vân Đồn, các công trình kiến trúc Pháp cơ bản còn lại dấu tích như nhà sàng Kế Bào còn móng và bờ kè đá, những cầu cảng rót than, cầu sắt dân sinh, đường hầm xuyên núi. Ở khu vực mũi Vạn Hoa còn toà dinh thự tương truyền trước năm 1955 vốn là nơi ở của Voòng A Sáng, người đứng đầu “Xứ Nùng tự trị” cùng tay chân. Nhà được xây tường gạch dày, có phòng khách, phòng ngủ, hầm. Bên ngoài có vườn hoa nổi hình tròn, bể nước. Ngôi nhà nằm ở địa thế tuyệt đẹp của mũi Vạn Hoa, vừa nhìn được ra vịnh Bái Tử Long, vừa quan sát một vùng rộng lớn Vân Đồn, Tiên Yên (khi đó, người Pháp đặt là huyện cửa Tiên Yên gồm một phần đảo Cái Bầu (Vân Đồn hiện nay) và một số xã thuộc huyện Tiên Yên). Bao bọc và bảo vệ ngôi nhà có khoảng trên dưới 20 lô cốt đến nay còn nguyên vẹn. Đáng tiếc, do thời gian, toà biệt thự đã hoang phế, không còn mái, chỉ còn những bức tường và hầm, bể nước.
Huyện Ba Chẽ cũng còn một số công trình nhà Pháp, nghe nói vốn là nhà của kiểm lâm, kiến trúc gần như nguyên vẹn. Một công trình hiện là nhà tiếp khách của Huyện uỷ Ba Chẽ, ngôi nhà còn lại là trụ sở Ban tiếp công dân của huyện nằm kề cổng trụ sở Uỷ ban nhân dân huyện.
Thời chiếm đóng Hải Ninh, thị trấn Tiên Yên được người Pháp coi là một trong những vị trí quan trọng nên họ đã xây dựng từ sớm ở đây nhiều toà công sở. Hiện nay, đáng kể còn nhà thương Tiên Yên (đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh) được xây dựng từ những năm 1940, còn khá nguyên vẹn. Đồn Cao của quân Pháp, nay là trụ sở của đơn vị Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327.
Nhiều năm đã trôi qua, đa phần các công trình kiến trúc nhà người Pháp xây dựng ở Quảng Ninh đã và đang được bảo tồn với nguyên tắc giữ tối đa kiến trúc như ban đầu. Chúng trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử, văn hoá nhiều địa phương trong tỉnh nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()