Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:31 (GMT +7)
Những người tìm nguồn “vàng đen” trong lòng đất
Thứ 4, 04/10/2023 | 08:28:44 [GMT +7] A A
Để đảm bảo các mục tiêu phát triển chiến lược, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào thành công chung của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), thời gian qua những người thợ địa chất (Công ty CP Địa chất mỏ - TKV) đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tiên phong, mở đường tìm kiếm nguồn “vàng đen” trong lòng đất...
Bám trụ bên những tháp khoan
Lâu nay, nói đến ngành than, người ta thường nghĩ đến thợ lò, những người làm ra thật nhiều vàng đen cho Tổ quốc. Nếu thợ mỏ là "chiến sĩ" khai thác than, thì người thợ địa chất được mệnh danh là “trinh sát” dẫn đường tìm kiếm nguồn than cho Tổ quốc. Công việc của người thợ địa chất cũng không kém phần nặng nhọc, vất vả, nhưng dù phải đối mặt với khó khăn, gian khổ, những kỹ sư địa chất vẫn ngày đêm kiên trì chinh phục các mũi khoan sâu để tìm kiếm tài nguyên than phục vụ khai thác.
Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp đi cùng các kỹ sư địa chất của Công ty CP Địa chất mỏ đến các điểm khoan thăm dò tại khu vực TP Hạ Long. Sau hơn 15 phút chạy xe qua những con đường quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi mới tiếp cận được vị trí mũi khoan số 10, khu vực mỏ than Hà Lầm - nơi những kỹ sư địa chất Công ty CP Địa chất mỏ đang thực hiện mũi khoan thăm dò phục vụ khai thác 27 mỏ Hà Lầm.
Những trận mưa tầm tã vài hôm trước khiến con đường mòn dẫn vào điểm khoan khó đi hơn nhiều. Tay vừa đảo vô lăng, mắt quan sát điều khiển xe tránh đi vào bùn lầy trước mặt, người tài xế bảo điểm khoan trên mỏ Hà Lầm mà tôi đang đến chưa thấm tháp gì so với những điểm khoan mà anh đã trải qua. Bởi hầu hết các điểm khoan do Công ty CP Địa chất mỏ thi công đều nằm ở địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, thực hiện hàng trăm mũi khoan khác nhau, với Tổ trưởng Tổ khoan số 10 (Công ty CP Địa chất mỏ) Vũ Huy Cường mỗi lần nhận mũi khoan mới đồng nghĩa anh em trong tổ phải di chuyển tới vị trí làm việc khác. Công việc nay đây mai đó, có lúc bám trụ tháp khoan vài tuần, có khi kéo dài cả tháng.
Anh Cường chia sẻ: Nơi ăn, chốn nghỉ là lán trại dựng bằng khung sắt, lợp tôn, cách khoan trường chừng 40-50m. Những công trình khoan đều ở xa khu dân cư, đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vì vậy chúng tôi phải học cách thích nghi, khắc phục khó khăn. Như mũi khoan thăm dò phục vụ khai thác 27 mỏ Hà Lầm có độ sâu 270m. Cuối tháng 9 vừa qua, thời tiết mưa nhiều khiến công trình không thể triển khai các bước xây lắp. Trong khi đó, vị trí mũi khoan nằm sát đồi núi rất dễ bị sạt lở đất đá. Anh em trong tổ dự tính phương án hôm nào thời tiết mưa to sẽ di chuyển lán ở xuống vị trí xa khu vực sạt lở. Điều quan trọng nhất trong quá trình tổ chức khoan, Tổ khoan số 10 vừa phải đảm bảo phương án an toàn, vừa chạy đua với thời gian hoàn thành tiến độ thi công. Hiện nay, Tổ khoan số 10 đang huy động tối đa nhân lực chia làm 3 ca túc trực bên tháp khoan 24/24 giờ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo kế hoạch đơn vị giao.
Hơn chục năm gắn bó với ngành địa chất, từ một chàng kỹ sư trẻ non kinh nghiệm, nay anh Nguyễn Văn Thạch đã trở một trong những kỹ sư chủ chốt thực hiện nhiều mũi khoan khó trong đơn vị. Đầu năm 2023, anh Thạch được công ty tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ khoan số 18, quản lý 12 biên chế thợ khoan. Từ đầu năm 2023 đến nay, Tổ khoan số 18 đã thực hiện được 2 mũi khoan sâu trên 800m.
Hiện nay Tổ khoan số 18 đang khoan thăm dò lỗ khoan phục vụ khai thác +31, độ sâu 345m mỏ Hà Lầm. Lỗ khoan được khởi công ngày 20/9/2023. Để thi công lỗ khoan thăm dò này đòi hỏi nhiều khâu chuẩn bị như: Xây lắp khoan trường, đào hố lắng và xây đường tuần hoàn dung dịch, vận chuyển cần khoan, ống khoan, thùng mẫu, đất sét, phụ gia dung dịch... Lắp và dựng tháp, cân chỉnh máy khoan, lắp đặt máy bơm, cối trộn dung dịch, dựng nhà kíp trưởng, nhà ở, nhà để mẫu... Sau khi xây lắp xong khoan trường, anh Thạch mới bố trí anh em thợ khoan bắt đầu khoan.
"Quá trình đứng máy điều khiển thiết bị khoan đòi hỏi phải nắm chắc quy trình vận hành, vừa thực hiện nhiều thao tác, vừa quan sát phối hợp cùng đồng nghiệp, vừa tư duy phán đoán hiện trạng lỗ khoan để vận hành thiết bị cho phù hợp. Chỉ sau hơn 1 tuần thi công, Tổ khoan số 18 đã tiếp cận được mẫu than đầu tiên ở độ sâu 18,4m. Hiện nay, Tổ khoan số 18 đang khoan độ sâu 168m, phấn đấu đến 15/10/2023 sẽ hoàn thành" - anh Thạch cho biết.
Công ty CP Địa chất mỏ hiện có 22 tổ khoan. Ngoài Tổ khoan số 10 và Tổ khoan số 18, các tổ khoan địa chất mỏ còn lại cũng đang ngày đêm miệt mài mở các mũi khoan tiến sâu xuống lòng đất để tìm kiếm, đánh thức tiềm năng tài nguyên than.
Khát vọng chinh phục những tầng than sâu
Thực tế hiện nay, trung bình mỗi năm TKV khai thác 40-42 triệu tấn than các loại. Các mỏ than ở Quảng Ninh ngày càng xuống sâu, trong khi đó nhiều dự án mỏ đang trong giai đoạn chuẩn bị hết giấy phép khai thác, phải đầu tư những dự án mỏ mới. Vì vậy, công tác khoan thăm dò phải đi trước một bước và thực hiện được những mũi khoan sâu, đánh giá nhanh nhất và chính xác nhất về trữ lượng.
Hiện Công ty CP Địa chất mỏ là đơn vị duy nhất của TKV chuyên làm nhiệm vụ điều tra cơ bản, thăm dò địa chất, khoáng sản, đặc biệt là thăm dò than. Năm 2023, Công ty CP Địa chất mỏ được TKV giao khối lượng khoan thăm dò đạt trên 54.000m. Không chỉ đảm bảo hoàn thành số mét khoan, thời gian gần đây công ty còn tiến hành các mũi khoan ở độ sâu kỷ lục.
Điển hình, ngày 16/2/2023, tại bể than Quảng Ninh, Công ty CP Địa chất mỏ đã hoàn thành lỗ khoan MK1227 với chiều sâu 1.320m. Đây là độ sâu kỷ lục tính đến nay của ngành than. Vị trí lỗ khoan MK1227 tại khu vực đồi núi cao, dốc đứng ở xã Tràng Lương, TX Đông Triều. Đặc điểm địa chất tại đây rất phức tạp, công trình xa khu dân cư, xa nguồn nước, thi công trong khu vực nước có áp, địa tầng sạn kết dày, có độ rỗng lớn, thường xuyên gây mất nước rửa hoàn toàn, nước xâm nhập, nước phun... Tầng sét kết có cấu tạo phân lớp mỏng, nhiều mặt trượt cục bộ dọc theo lớp, độ liên kết kém bền vững, dẫn đến xảy ra hiện tượng trương nở bó mút và sập lở mạnh thành lỗ khoan.
Bởi vậy, việc hoàn thành lỗ khoan đã khẳng định năng lực quản lý, thi công của đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật và năng lực thiết bị khoan hiện có của Công ty CP Địa chất mỏ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thi công những công trình khoan lấy mẫu khoáng sản sâu trên 1.300m.
Cùng với mũi khoan kỷ lục này, 9 tháng năm 2023, Công ty CP Địa chất mỏ đã khoan được gần 40.000m khoan thăm dò. Hiện nay, công ty đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ khoan thăm dò phục vụ một số dự án xuống sâu, như: Mỏ Suối Lại, mỏ Hà Ráng, mỏ Đồng Vông, mỏ Uông Thượng, mỏ Vàng Danh... Đây là những dự án trọng điểm mở rộng, nâng công suất khai thác than của TKV trong giai đoạn sắp tới.
Giám đốc Công ty CP Địa chất mỏ - TKV Hà Minh Thọ cho biết: Hiện nay, công tác khoan thăm dò địa chất khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên công ty luôn xác định tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có để chuẩn bị đủ tài nguyên tin cậy phục vụ thiết kế khai thác theo quy hoạch và đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước. Trữ lượng phải được đánh giá khách quan, chính xác đến xấp xỉ 100% và độ tường minh phải cụ thể thì mới hình thành được mỏ, nếu không sẽ rất rủi ro cho các dự án. Từ những kết quả khoan thăm dò sẽ là cơ sở xây dựng lên bản đồ mỏ, tính toán khối lượng để đưa ra phương án khai thác hiệu quả, hợp lý.
Để đáp ứng được yêu cầu đó, Công ty CP Địa chất mỏ phải hướng đến phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, giúp cho việc tổng hợp tài liệu, xử lý tài liệu nhanh và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, thời gian tới công ty sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ, thiết bị thăm dò khảo sát địa chất và tài nguyên khoáng sản nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác thăm dò khảo sát trữ lượng than các dự án mỏ ở mức sâu. Mục tiêu của công ty sẽ chinh phục những địa tầng khó khăn nhất để vươn tới những địa tầng mà mục tiêu thăm dò và phát triển của ngành than đang hướng đến.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()