Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:45 (GMT +7)
Những nhà văn thương binh say mê sáng tác về đồng đội
Thứ 7, 27/07/2024 | 11:15:50 [GMT +7] A A
Viết về đồng đội của mình, các nhà văn là thương binh ở Quảng Ninh đã xây dựng những chân dung đẹp về đồng đội với những lời ngợi ca cùng sự đồng cảm và cả những mất mát, hy sinh.
Nhà văn Nguyễn Tùng Lâm là thương binh nặng hạng 1/4, từng là một lái xe Trường Sơn, cống hiến tuổi thanh xuân trên tuyến đường rực lửa bom đạn, vượt qua mọi khốc liệt dưới làn mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ để cùng đồng đội chuyển những chuyến hàng tiếp viện ra nơi chiến trường. Ông đã hy sinh một phần thân thể nơi chiến trường, riêng đôi mắt ông chỉ còn một phần ánh sáng. Vậy nhưng trong 15 năm qua, nhà văn Tùng Lâm đã xuất bản 7 tập sách. Trong đó có hai tập thơ “Hương tình” và “Những giọt nắng xuân”, 1 tập truyện ký “Trường Sơn ngày ấy”, 2 tập truyện ngắn “Cung đường lửa” và “Tình em nơi đầu sóng”, 2 tiểu thuyết “Ngã rẽ” và “Cung đường tình yêu”.
Văn chương của Tùng Lâm thể hiện nỗi niềm đau đáu với đồng đội đã chiến đấu và nằm lại trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy. Tất cả ký ức ùa về như thôi thúc ông viết lại những khắc nghiệt, những hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là một thương binh nặng, ông đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và dần hoàn thành những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng. Nhà văn Tùng Lâm viết cả về những nghiệt ngã thời hậu chiến khi những thương binh phải đối mặt với khó khăn của cuộc sống đời thường. Ông đã từng được trao nhiều giải thưởng văn chương, như: Giải ba (truyện ngắn) của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông - Vận tải năm 2015, giải ba Văn nghệ Hạ Long giai đoạn 2015-2020, giải ba Giải thưởng Võ Huy Tâm năm 2015 và năm 2022, giải ba Cuộc thi sáng tác VHNT và báo chí kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh năm 2023.
Còn một nhà văn khác chuyên viết những câu chuyện chân thực, cảm động về tình đồng chí, đồng đội cao đẹp, tình cảm quân dân keo sơn gắn bó, tình nghĩa thủy chung, son sắt giữa hậu phương với tiền tuyến, đó là Lương Liễm. Nhà văn Lương Liễm, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, nguyên thiếu tá quân đội, là bộ đội thời đánh Mỹ, là thương binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin hiện sinh sống tại TX Quảng Yên. Ông đến với văn chương khá muộn, bắt đầu từ thể loại thơ. Năm 2012, tập thơ đầu tay “Gió miền quê” của ông ra đời. Trong 3 năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016, ông lần lượt in tiếp các tập thơ “Giọt nắng vu vơ”, “Thương nhớ một thời” và “Tâm tình ươm nụ”.
Có lẽ, tự nhận thấy những trải nghiệm thực tế, những vốn sống phong phú thời binh lửa được đánh đổi bằng cả máu, nước mắt của mình và đồng đội khó mà chuyển tải hết được qua thơ, ông chuyển sang viết văn và bắt đầu với tập truyện ngắn "Tiếng xòe trong đêm". Ở đó có cả những góc khuất chiến tranh, có cả những tâm tư, tình cảm của người lính mà thời đó khó thổ lộ được. Mỗi nhân vật trong truyện ngắn Lương Liễm đều là đồng đội gắn bó trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Không lâu sau đó, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông ra đời mang tên “Chuyện tình lính trận”. Tiểu thuyết dựa trên cuộc đời các nguyên mẫu có thật là những đồng đội của tác giả, một người lính đã cống hiến những năm tháng tuổi xuân ở các chiến trường từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, Đà Nẵng. Là người từng trải qua nhiều đơn vị thuộc các quân chủng, binh chủng khác nhau ở những chiến trường ác liệt nhất, nhà văn Lương Liễm có vốn sống, sự hiểu biết dày dặn về người lính. Những vốn sống ấy đã giúp Lương Liễm đem lại cho bạn đọc những góc nhìn chân thực nhất, sống động nhất về người lính Cụ Hồ.
Ngoài những trường hợp kể trên, ở Quảng Ninh hiện nay còn nhiều nhà văn đang say sưa viết về đồng đội, như: Nguyễn Duy Liễm, Trần Ngọc Dương, Đỗ Đăng Hành, Ngô Hải Đảo, Trọng Khang, Nguyễn Quang Vinh… Trong đó, Nguyễn Duy Liễm là một tác giả rất say sưa với đề tài này. Ông đã có tập truyện hay lấy tên là “Phía sau người lính”. Năm 2015, tiểu thuyết “Chiến tranh qua rồi” của ông đã đoạt giải C giải thưởng VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức. Ngay sau đó, ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Đất làng Bồi” viết về 3 thế hệ người lính trong một gia đình.
Cùng chung mạch cảm xúc đó là nhà văn Trần Ngọc Dương, từng là thương binh phục viên về công tác tại Công ty Than Đèo Nai. Khoảng 25 năm trở lại đây, ông tập trung viết văn với nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết đã ra đời. Văn xuôi của Trần Ngọc Dương đi sâu khai thác đề tài chiến tranh cách mạng. Các tập tiểu thuyết “Ngôi nhà dưới giàn hoa giấy”, "Giới hạn", "Cát nơi đảo xa" thể hiện vốn sống của một người từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với cảm xúc thấm đẫm sự cảm thương, tinh thần nhân văn.
Huỳnh Đăng
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ và thương binh tại TP Móng Cái
- Công an tỉnh tổ chức gặp mặt, tặng quà các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ
- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ và thương binh tại TP Móng Cái
- Chuyện những thương binh "tàn nhưng không phế"
- Thăm, tặng quà gia đình thương binh, bệnh binh tại Cô Tô
- NSND Thu Hiền: Tôi từng cứu chữa thương binh, đỡ đẻ
- Chủ tịch nước quyết định tặng quà dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ
Liên kết website
Ý kiến ()