Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:06 (GMT +7)
Nỗ lực để phục hồi tăng trưởng cảng biển
Thứ 3, 10/01/2023 | 14:22:13 [GMT +7] A A
Hết năm 2022, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của Quảng Ninh chỉ đạt gần 90% so với năm 2021. Mức tăng trưởng chậm của hàng hóa được xác định do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua từ các doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh.
Năm 2022, Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ trước những thuận lợi, đan xen không ít khó khăn. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, động lực tăng trưởng của tỉnh gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận dòng vốn để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã “bào mòn sức khỏe” của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất do không ký được các đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, giai đoạn đầu năm, nguồn than nhập từ Indonesia ngắt quãng do giá thành cao, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa tăng cao, khiến nhiều hãng tàu dừng nhận vận chuyển hàng hóa, hoạt động vận tải đường biển trở nên kém sôi động.
Theo thống kê từ Cơ quan Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, năm 2022, các cảng trên địa bàn tỉnh chỉ đón được 79.900 lượt tàu, bằng 64,7% năm 2021; tổng lượng hàng hóa chỉ đạt 131 triệu tấn, bằng 87,3% năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng hóa tàu biển chỉ đạt 64 triệu tấn, bằng 85,7% năm 2021.
Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, mức độ tăng trưởng chậm của hàng hóa qua cảng do nhiều yếu tố. Nguyên nhân chính do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi. Chính sách "Zero Covid" của thị trường Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh như nông sản, vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ... giảm; thị trường vận tải biển đã có nhiều thay đổi lớn, tình hình xấu đi theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Điều này khiến sản lượng vận tải biển đã giảm tốc.
Dù năm 2022, mặt hàng container cũng đã bắt đầu chọn Quảng Ninh trở thành điểm đến. Các hãng tàu vận tải container quốc tế lâu đời và lớn nhất trên thế giới là MAERSK và SITC đã đưa Cảng CICT Cái Lân vào hành trình vận chuyển hàng hóa xuyên châu Á. Bên cạnh đó, vận tải hành khách tàu biển quốc tế đã dần khôi phục sau hơn 2 năm giãn đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sản lượng và tần suất vẫn còn khá thấp khi năm 2022, các cảng của Quảng Ninh chỉ đón được 10.000 teus từ các hãng tàu vận tải container quốc tế và 6 lượt tàu biển quốc tế đưa khoảng 500 hành khách đến với Hạ Long.
Trong khi đó, các mặt hàng truyền thống của tỉnh là hàng khô, hàng lỏng đều gặp khó khăn do lạm phát tăng đã tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa; giá nguyên liệu tăng, khiến các hãng vận tải đã áp dụng thêm phụ phí biến động giá nhiên liệu (BAF) để bù đắp việc chi phí nhiên liệu, dẫn đến việc tăng cước vận tải. Đặc biệt, chính sách hạn chế đi lại của Trung Quốc - quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu, khiến sản lượng hàng hoá qua cảng chịu ảnh hưởng. Tại Quảng Ninh có đến 80% tàu nhỏ dưới 200 DWT, hoạt động tại khu vực Cảng Vạn Gia (TP Móng Cái) thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc dừng hoạt động...
Việc bức tranh tăng trưởng cảng biển Quảng Ninh chưa được như mong muốn trong năm 2022 là bài toán chung, có thể thấy ở hầu hết các cảng của Việt Nam. Do vậy, với vai trò đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, để cảng biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh, rất cần có sự nhìn nhận, định vị rõ nét. Nhất là khai thác hiệu quả hạ tầng kết nối đang có là những trục cao tốc, những KCN với lợi thế kết nối thẳng đến các cửa khẩu quan trọng và thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc đã được khôi phục hoạt động thông quan từ ngày 8/1 vừa qua.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU giai đoạn 2019-2025, chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, nhất là mặt hàng khí hóa lỏng; mở rộng hạ tầng cảng biển, khu dịch vụ hậu cần sau cảng; phát huy tinh thần chủ động của các doanh nghiệp cảng trong tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu mối hàng mới; xây dựng thương hiệu, định vị thương hiệu cảng biển Quảng Ninh đến các thị trường quốc tế để xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()