Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 00:59 (GMT +7)
Nỗ lực vận động học sinh vùng khó ra lớp
Thứ 4, 21/09/2022 | 13:30:38 [GMT +7] A A
Bên cạnh nỗ lực dạy tốt, giáo viên tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo của tỉnh còn thêm nhiệm vụ quan trọng là vận động học sinh ra lớp. Nhờ đó đến nay, tình trạng học sinh bỏ học ở những nơi này đã giảm đáng kể.
Đây là năm học đầu tiên mà các thầy cô giáo Trường PTDT bán trú THCS Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) không phải đến nhà học sinh vận động sau ngày tựu trường. 205 học sinh của nhà trường đã có mặt đông đủ trong ngày khai giảng và thực hiện chuyên cần trong 3 tuần đầu của năm học mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Cẩm (Trường PTDT bán trú THCS Đồn Đạc) cho biết: Những năm học trước, nhiều học sinh và cha mẹ các em nhận thức còn hạn chế, coi việc đến trường là không quan trọng. Tất cả các giáo viên của nhà trường phải tham gia vào công tác vận động, thậm chí đón, đưa các em tới trường. Năm học 2022-2023, giáo viên chỉ phải đến các thôn 1 lần để thông báo với trưởng thôn và thăm gia đình học sinh để báo lịch tựu trường. Trước ngày khai giảng, 100% học sinh đã ra lớp đầy đủ, duy trì đảm bảo sĩ số đến nay.
Tại Trường THCS Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), công tác vận động học sinh ra lớp được Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo thực hiện thường xuyên. Đi cùng các giáo viên của nhà trường đến vận động đồng bào cho con ra lớp, chúng tôi thêm hiểu sự nhọc nhằn của các thầy cô giáo nơi đây, khi 100% học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số, không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ cho con đến trường.
Không muốn những đứa trẻ bị thiệt thòi về con chữ, thầy giáo Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lâm, thường xuyên đến các thôn, khe bản để nắm bắt tình hình học sinh và vận động phụ huynh cho con ra lớp. Đến nhà không gặp, thầy lại lặn lội đi tìm xung quanh, rồi trở lại nhiều lần, động viên, tuyên truyền các chế độ chính sách mà các em được hưởng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con ở nhà làm ruộng, làm nương...
Thầy Nguyễn Văn Tám chia sẻ: Địa bàn xa nhất mà các giáo viên đi vận động cách trường 15km. Nhà trường thành lập các nhóm giáo viên phụ trách từng thôn, bản, thường xuyên phối hợp với trưởng thôn, bản và phụ huynh thông tin, tuyên truyền các kế hoạch giáo dục của nhà trường; đến các gia đình động viên phụ huynh cho con đi học, nhất là dịp đầu năm học, sau các dịp nghỉ lễ, tết. Dần dần học sinh đã ra lớp đầy đủ, nhưng vẫn còn những trường hợp vận động rất khó, các thầy cô lại tiếp tục phân công nhau...
TP Hạ Long có nhiều thuận lợi cho phát triển giáo dục đào tạo, nhưng vẫn có những trường gặp khó khăn trong việc vận động học sinh ra lớp, đặc biệt là các cơ sở giáo dục tại Khu tái định cư làng chài (khu 8, phường Hà Phong). Với tình yêu nghề, yêu trẻ, mong muốn đem lại con chữ cho người dân và trẻ em làng chài, giáo viên từ mầm non đến THCS trên địa bàn phường Hà Phong đã có nhiều cách làm sáng tạo, miệt mài vận động để phụ huynh cho con em ra lớp. Hiểu và cảm thông với những vất vả, lênh đênh của những gia đình làm nghề chài lưới, nên các giáo viên nơi đây vẫn đến từng nhà, đi nhờ đò ra tận nơi những con thuyền đánh cá đang neo đậu để thuyết phục các phụ huynh cho con em đến trường.
Với rất nhiều nỗ lực, các giáo viên tại địa bàn vùng khó đã và đang miệt mài trong công tác vận động học sinh ra lớp. Quyết tâm “không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nhiều nhà trường đã thành công trong hành trình xây dựng trường học là mái nhà ấm áp, để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui và hạnh phúc.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()