Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:29 (GMT +7)
Giáo dục vùng khó “thay da đổi thịt”
Thứ 2, 22/08/2022 | 09:47:58 [GMT +7] A A
Những ngôi trường khang trang, những góc học tập rực rỡ, tiếng đọc bài ê a vang khắp núi rừng. Đó là hình ảnh bức tranh sinh động của “sự học” ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Quảng Ninh hôm nay. Vượt lên những hạn chế về điều kiện kinh tế, xã hội, địa hình… công tác giáo dục ở khu vực này đã và đang được nhận sự quan tâm đặc biệt của tỉnh.
Sự chuyển mình ở vùng khó của TP Hạ Long
Vào những ngày giữa tháng 8, khi chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới, trời đã chuyển sang thu, chúng tôi theo chân các cán bộ của Phòng GD&ĐT TP Hạ Long đi thăm cơ sở vật chất của một số trường thuộc xã vùng cao, vùng sâu, vùng đông đồng bào DTTS của thành phố.
Đường tới Trường Mầm non Đồng Lâm (xã Đồng Lâm) vẫn uốn lượn, song đã không còn khó khăn như trước. Không chỉ đường trục chính mà các con đường thôn, xóm nay đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, người dân đi lại, sản xuất.
Đang mải đắm chìm trong khung cảnh của núi non với những cánh rừng xanh ngắt, chúng tôi không khỏi sững sờ khi nhìn thấy ngôi trường mầm non 2 tầng khang trang, hiện đại, rộng rãi, bởi ngôi trường này trong ký ức của chúng tôi rất cũ kỹ, xuống cấp, chật hẹp.
Đón tiếp chúng tôi, cô giáo Lưu Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Lâm, không giấu được niềm vui: Chỉ còn ít ngày nữa bước vào năm học mới, cô và trò sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang, nên ai cũng vui lắm. Công tác tại Trường đã lâu nên hơn ai hết tôi thấu hiểu những vất vả trăm bề của giáo viên, học sinh và phụ huynh nơi đây. Trường có 7 điểm trường, trong đó có 1 điểm trung tâm và 6 điểm lẻ, điểm xa nhất cách điểm trung tâm hơn 20km. Điểm trường trung tâm có 3 lớp ghép nhưng chỉ có 2 phòng học. Vì thế, 1 lớp phải học ở phòng chờ của giáo viên, rộng chừng 10-12m2, không có nhà vệ sinh riêng. Năm nay, được sự quan tâm của thành phố, điểm trường trung tâm được xây mới với quy mô 2 tầng, 5 phòng học, 8 phòng chức năng, phòng hiệu bộ và khu vực bếp ăn. Với cơ sở mới, điểm trung tâm năm nay sẽ được tách thành 4 lớp theo các độ tuổi, phù hợp với sự phát triển, thúc đẩy tư duy của các con.
Chị Triệu Thị Thanh (xã Đồng Lâm) có con học tại Trường Mầm non Đồng Lâm, phấn khởi nói: "Người dân Đồng Lâm chúng tôi rất vui mừng bởi các con được học trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, đầy đủ. Các con sẽ được chăm lo giáo dục, rèn luyện tốt hơn...".
Năm nay TP Hạ Long dành nguồn lực đầu tư xây mới các hạng mục trường học cho 3 Trường: Mầm non Đồng Lâm, TH&THCS Vũ Oai (xã Vũ Oai), TH&THCS Núi Mằn (xã Thống Nhất), tổng mức đầu tư trên 55,3 tỷ đồng.
Chúng tôi tới thăm Trường TH&THCS Núi Mằn khi dãy nhà 3 tầng với 7 phòng bộ môn, 1 hội trường, 1 thư viện phục vụ cho cả 2 cấp học mới được đưa vào sử dụng trong năm học mới này. Những dãy nhà còn mùi sơn mới, các phòng học sạch sẽ, thư viện rực rỡ sắc màu của đủ loại sách.
Thầy giáo Lê Trung Chính, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Núi Mằn, cho biết: Năm 2019, Trường được thành phố đầu tư xây dựng 1 dãy nhà 3 tầng với 15 lớp học. Đến tháng 3/2022, Trường tiếp tục được xây thêm. Thành phố đã có chủ trương xây dựng thêm 1 dãy nhà 3 tầng với 6 phòng học trong học kỳ 1 năm học mới tới đây. Có trường, lớp mới, học sinh em nào cũng hồ hởi, phấn khởi, mong được đến Trường. Sau khi hoàn thành công trình này, Trường sẽ có điều kiện để dồn ghép điểm trường lẻ Xích Thổ với 141 học sinh về điểm trường trung tâm.
Còn nhớ những ngày đầu huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, khi ấy ngành Giáo dục Hạ Long phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là phải giải quyết bài toán về chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Một số xã vùng cao như Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Đồng Lâm… giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác, trình độ của một bộ phận người DTTS còn hạn chế. Thêm vào đó, điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn… đã làm cho sự học nơi đây đã khó lại thêm khó.
Với mong muốn chăm lo cho người dân các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhất là thế hệ trẻ, ngay sau khi sáp nhập, TP Hạ Long đã dồn ghép các điểm trường, xóa phòng học tạm, đầu tư nâng cấp, bổ sung, xây mới nhiều trường, lớp. Đồng thời, cử nhiều giáo viên trẻ, nhiệt huyết, có chuyên môn cao lên các trường vùng cao. Từ đó, thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Nhờ đó, đến nay phòng học kiên cố trên địa bàn TP Hạ Long đạt 99,38%, phòng học bán kiên cố chỉ còn 0,62%. Bức tranh giáo dục vùng khó ở địa phương này hiện là những gam màu của sự đổi thay đến kỳ diệu.
Những hy vọng mới
Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, thay đổi diện mạo khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các Trường: THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà), THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn), THPT Hải Đông, PTDT nội trú Tiên Yên (huyện Tiên Yên)… Dự kiến, trong quý III/2022, các Trường: THPT Bình Liêu, THCS&THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu), THPT Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) được khởi công xây dựng.
Với những quan tâm ấy, sự học của thầy và trò không còn vất vả, nhọc nhằn như những năm về trước, mà đã bước sang một trang mới, với diện mạo mới, hy vọng mới. Trường học giờ đây là ngôi nhà thứ hai của học sinh. Trên khắp rẻo cao, những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, rực rỡ đang là cánh cửa để đưa các em đến với tương lai tươi sáng.
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, chia sẻ: Năm học vừa qua, tỷ lệ trẻ 5 tuổi của huyện ra lớp đạt 99,7%, trẻ 6 tuổi ra học lớp 1 đạt 100%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ra học lớp 6 đạt 99,84%, học sinh tốt nghiệp THCS ra học lớp 10 đạt 81,66%. Kết quả này có được là từ sự quan đặc biệt của tỉnh, của huyện dành cho ngành Giáo dục, cho thế hệ trẻ bằng các chính sách cụ thể.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ học sinh khu vực miền núi, hải đảo, biên giới... tới trường. Điển hình như: Nghị quyết số 60/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh"; Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Ban hành Quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026", trong đó học sinh đoạt giải là người DTTS ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào, miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được thưởng bằng 1,5 lần mức thưởng quy định...
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với các đối tượng ở các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đến hết năm học 2022-2023 theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ của tỉnh là nguồn động viên rất lớn để mỗi học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn yên tâm tới trường, viết tiếp những ước mơ tri thức, từng bước mở ra cánh cửa tương lai rạng ngời. Từ đó, từng ngày, từng giờ, bằng tri thức của mình, các em sẽ không ngừng phấn đấu, cống hiến, xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()