Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:24 (GMT +7)
Nơi hội tụ văn hóa các vùng, miền
Chủ nhật, 03/09/2023 | 07:39:01 [GMT +7] A A
Là hai bộ phận chính để cấu thành nền văn hoá Quảng Ninh, tuy nhiên nếu chỉ nói đến văn hoá biển và văn hoá công nhân mỏ thì sẽ bỏ qua sự đa dạng, thống nhất và đặc sắc trong văn hoá của vùng đất đặc biệt này.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, nếu căn cứ vào tính cách con người Quảng Ninh thì nên chia 5 vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị, người Kinh ở nông thôn làm nông nghiệp, người vùng biển hải đảo và ven biển, văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Trong bức tranh đa dạng đó thì văn hoá biển Quảng Ninh được hình thành từ sớm nhất gắn liền với nền văn hoá Hạ Long. Văn hóa biển đảo của Quảng Ninh là tập hợp các phong tục tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện tự nhiên đặc thù khai thác nguồn lợi từ biển khơi tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo.
So với những người Việt cổ, tổ tiên của những dân tộc thiểu số đến Quảng Ninh muộn hơn. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ninh thể hiện rất rõ trong các sinh hoạt cộng đồng, ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của dân cư vùng núi gắn bó suốt cuộc đời từ thế hệ này qua thế hệ khác bám rễ với núi rừng. Trong quá trình phát triển, văn hóa biển và văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi đã có sự giao thoa, tiếp biến ảnh hưởng lẫn nhau làm giàu bản sắc văn hóa Quảng Ninh.
Có nhiều dẫn chứng về sự giao thoa ấy là sự di cư của nhóm người Tày từ Bình Liêu xuống ven biển Đầm Hà làm ăn sinh sống; việc kết hôn giữa người miền núi và người miền biển; chuyện Đức ông Hoàng Cần quê ở miền biển nhưng hành trạng và chiến công lại ở miền núi; Lễ hội Bàn Vương ở huyện miền núi Ba Chẽ cũng có hội bơi thuyền tái hiện hành trình vượt biển (khảm hải) của tổ tiên người Dao. Hay như ở Ba Chẽ, miếu Ông và miếu Bà không phải là một cặp hình tượng cha - mẹ mà là sự phối thờ giữa một nhân thần vùng sông nước và một thiên thần của rừng xanh.
Hình thành muộn hơn gắn với công cuộc khai thác than và không kém phần đặc sắc là văn hoá công nhân mỏ. Những dòng người di cư từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và vùng Thanh Hoá - Nghệ An ra Vùng mỏ làm phu, sinh cơ lập nghiệp từ thời Pháp thuộc đã tạo cho Quảng Ninh một kiểu gia đình đặc biệt, đó là gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ, những tế bào xã hội để tạo ra sự hội tụ văn hoá ở Vùng mỏ. Tại Quảng Ninh, kéo dài từ Đông Triều qua Uông Bí, Hạ Long đến Cẩm Phả có các mỏ liên tiếp nhau, tạo ra sự quần tụ của các xóm thợ, làng mỏ, khu phố công nhân mỏ.
Sợi dây cố kết cộng đồng giữa cộng đồng dân cư thợ mỏ với nhau không phải mối quan hệ huyết thống, họ hàng mà chính là mối quan hệ đồng nghiệp. Trong các làng mỏ, xóm thợ vừa kể, nhiều gia đình thợ mỏ từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ra lập nghiệp và gắn kết với nhau như anh em một nhà. Mỗi gia đình thợ mỏ dù không cùng làm việc trong một mỏ nhưng họ hiểu công việc, hoàn cảnh của nhau, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Thực tế lịch sử đã cho thấy, trong cuộc Tổng đình công năm 1936, hàng vạn thợ mỏ đã đứng lên đình công vì yêu thương nhau, vì khối đại đoàn kết của những gia đình thợ mỏ. Khi hòa bình, người thợ được làm chủ mỏ thì văn hoá gia đình thợ mỏ có điều kiện phát triển.
Trở lại với ý kiến của ông Nguyễn Quang Vinh bên trên, thực ra, văn hóa của người Kinh giao thoa và đan xen với văn hóa công nhân mỏ và văn hóa biển. Người Việt cổ xây dựng nền văn hóa Hạ Long là tổ tiên của người Kinh ở Quảng Ninh hiện nay. Các gia đình thợ mỏ ở Quảng Ninh hiện nay đa số xuất thân từ nông thôn, nông dân với đặc thù văn hoá làng xã đậm đặc. Bởi thế, gia đình thợ mỏ là nơi hội tụ, lưu giữ các giá trị văn hóa vùng miền và tạo thành kết cấu làng xã mới trên đất mỏ.
Những năm gần đây, có xu hướng thanh niên các dân tộc thiểu số về mỏ làm thợ lò và sinh cơ lập nghiệp. Như thế, văn hóa mỏ hiện nay còn thể hiện sự hoà trộn, giao thoa văn hóa nhiều vùng miền với văn hoá bản địa, tạo nên văn hoá cộng đồng của cư dân Vùng mỏ. Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Người thợ mỏ sống với nhau rất cởi mở, giao thoa văn hoá các vùng, miền. Văn hoá Quảng Ninh khác ở Thái Bình, Nam Định mặc dù thợ mỏ ở đây trước kia nhiều người đi ra từ đất ấy. Nhưng vùng đất mới đã rèn luyện con người, con người phải hòa nhập vào Vùng mỏ này để tạo ra những nét văn hoá mới.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()