Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:18 (GMT +7)
Nỗi lo ô nhiễm môi trường từ các chợ dân sinh
Thứ 6, 29/07/2022 | 13:39:13 [GMT +7] A A
Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 chợ hạng 1, 2, ngoài một số chợ đã được nâng cấp, cải tạo thì phần lớn các chợ đều ở trong tình trạng cơ sở vật chất đã xuống cấp kéo theo sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực tế này, ban quản lý chợ, chính quyền các địa phương đã nỗ lực khắc phục, nhưng về lâu dài, rất cần sự đầu tư bài bản để bảo đảm môi trường thương mại văn minh, an toàn thực phẩm...
So với những năm trước, việc thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường tại các chợ ngày càng được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể như: Rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý theo Hợp đồng dịch vụ vệ sinh môi trường hàng năm; bố trí khu vực tập kết rác thải riêng biệt, trong ngày đảm bảo không có rác thải tồn đọng tại chợ; thường xuyên khơi thông, nạo vét và cải tạo, nâng cấp hệ thống cống, rãnh thu gom nước mưa, nước thải tại các chợ; nước thải sinh hoạt đã được thu gom và xử lý sơ bộ, đấu nối vào hệ thống thu gom của địa phương để xử lý.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Sở TN&MT, vấn đề vệ sinh môi trường tại các chợ vẫn còn nhiều tồn tại, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống các nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được yêu cầu, thiếu nước hoặc các trang thiết bị cần thiết, ống thoát nước rò rỉ, hư hỏng, nhiều chợ vẫn chưa có công trình xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; không có vị trí tập kết rác tạm thời hoặc có nhưng không đảm bảo, chưa có tường bao, mái che, rãnh thu gom nước rỉ rác; chưa thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định hiện hành.
Trong đó chợ Hạ Long I (TP Hạ Long), chợ Trung tâm Uông Bí (TP Uông Bí), chợ Trung tâm Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), chợ Trung tâm Móng Cái, chợ 2, chợ 3 Móng Cái (TP Móng Cái), chợ Rừng (TX Quảng Yên), được xác định là những chợ có lượng hàng hóa phong phú đa dạng, có số lượng các hộ kinh doanh lớn và có nhiều lượt khách du lịch đến tham quan và mua sắm, song cơ sở vật chất tại các chợ này đã bị xuống cấp do được đầu tư xây dựng trước năm 2000.
Trong quá trình khai thác, các chợ lại được quy hoạch, xây dựng và mở rộng nhiều giai đoạn khác nhau, dẫn đến kết cấu công trình của các chợ không đồng bộ, đến nay nhiều công trình đã xuống cấp, quá tải không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khu vực kinh doanh ngành hàng thực phẩm, hải sản tươi sống và đáng nói là không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy chợ, đe dọa đến tính mạng, tài sản của hộ kinh doanh
Mới đây nhất, khoảng 20h ngày 11/4/2022, tại khu vực kinh doanh đá đông lạnh và hải sản chợ Hạ Long I (TP Hạ Long) đã xảy ra vụ cháy lớn thiêu rụi trên 20 ki-ốt của 17 hộ tiểu thương và khoảng 75 điểm kinh doanh hải sản lưu động bị ảnh hưởng. Vụ cháy được xác định do ổ điện nóng chảy nhựa, gây cháy tại ki-ốt kinh doanh đá đông lạnh. Rất may vụ cháy không thiệt hại về người, tuy nhiên tài sản thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng. Đây là vụ cháy chợ Hạ Long I lớn nhất tính từ năm 2003 đến nay. Trước đó, năm 2021, chợ Hạ Long I đã từng xảy ra vụ cháy quy mô nhỏ tại ki-ốt đang sửa chữa, tuy nhiên lực lượng chức năng và các tiểu thương đã khống chế, chữa cháy kịp thời.
Nguyên nhân khiến cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các chợ còn nhiều bất cập là do UBND các địa phương, các đơn vị đầu tư, kinh doanh chợ chưa quan tâm đầu tư, cải tạo hạ tầng thu gom, xử lý nước thải. Mặc dù Ban quản lý các chợ đã phân công, bố trí công nhân làm công việc vệ sinh trong và xung quanh khu vực chợ, tuy nhiên việc dọn dẹp vệ sinh vẫn chủ yếu là làm thủ công, chưa có máy móc thiết bị hỗ trợ, cùng với đó là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chợ của các hộ kinh doanh cũng như người dân, du khách còn hạn chế. Tại nhiều chợ, việc trang bị bình cứu hoả cho các tiểu thương để có thể ứng cứu tại chỗ khi có hoả hoạn rất hạn chế, nhiều chợ chỉ thực hiện mang tính chất đối phó. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận tiểu thương chưa cao, ảnh hưởng chung đến an toàn về cháy, nổ.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: Với thực tế công tác vệ sinh môi trường như hiện nay, Sở cũng đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị quản lý, kinh doanh chợ trên địa bàn thực hiện khắc phục ngay tình trạng chưa có các thủ tục pháp lý về môi trường; yêu cầu các đơn vị kinh doanh, quản lý chợ tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng công trình xử lý nước thải đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, rất cần sự đầu tư bài bản để bảo đảm môi trường thương mại văn minh, an toàn thực phẩm và quan trọng hơn cả là người tham gia buôn bán, kinh doanh trong chợ phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường chung.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()