Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:15 (GMT +7)
Đảm bảo ATTP từ công tác tuyên truyền, vận động
Thứ 3, 12/07/2022 | 06:26:40 [GMT +7] A A
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 47.998 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đa số ở quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình. Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp trong và ngoài tỉnh, nhập khẩu từ nước ngoài... nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm lưu hành trên địa bàn, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 21 văn bản chỉ đạo về bảo đảm ATTP. Trên cơ sở này, các sở, ngành và UBND các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ATTP luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác ATTP. Các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì ATTP, chú trọng lồng ghép các nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19, cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, an toàn...
6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện 30.888 lượt phát thanh, truyền thanh; 1.817 tin bài trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh; 13.591 băng rôn, phướn, áp phích; 129.698 tờ rơi, tờ gấp; 215 đĩa hình, đĩa tiếng... Đồng thời duy trì đăng tải tin bài, văn bản pháp luật về ATTP, kiến thức thực hành về ATTP, thông tin về cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm an toàn trên website của ngành.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ATTP cũng được chú trọng. Các sở, ngành, địa phương đã tổ chức 52 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 2.559 người là cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; 1.658 buổi tọa đàm, nói chuyện lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho 144.744 lượt người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng.
Đặc biệt, Sở Y tế đã tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong tổ chức công tác bảo đảm ATTP các sự kiện nói chung và kết quả công tác ATTP phục vụ SEA Game 31 với sự tham dự của 20 tỉnh, thành phía Bắc, cùng 120 người tham dự.
Cùng với đó, cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP và các địa phương đã chủ động trong công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, thực hiện kiểm nghiệm nhanh 16.192 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Qua đó phát hiện 300 mẫu dương tính; kiểm nghiệm định lượng 100 mẫu, phát hiện 3 mẫu dương tính. Những mẫu không đạt đều kịp thời được thông báo để cơ sở dừng bán, kinh doanh sản phẩm.
Sở Y tế còn thực hiện công tác bảo đảm ATTP phục vụ sự kiện SEA Games 31 tại 6 doanh nghiệp có khách sạn phục vụ ăn nghỉ của các đoàn tại Quảng Ninh. Từ ngày 4/5 đến hết ngày 23/5/2022, đã kiểm soát ATTP với tổng số 34.395 suất ăn phục vụ Ban Tổ chức, trọng tài, huấn luyện viên, đoàn vận động viên trong nước và quốc tế, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh truyền qua thực phẩm, đóng góp cho sự thành công chung của SEA Game 31.
Bên cạnh tuyên truyền, giám sát, các ngành, địa phương còn tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc đảm bảo ATTP trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, các đoàn liên ngành, đoàn kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện thanh, kiểm tra tại 7.649 cơ sở, qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 391 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến hơn 1,692 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm về quy định về điều kiện ATTP, vi phạm về nhãn hàng hóa ... Thực phẩm không bảo đảm an toàn đã được tịch thu, tiêu hủy với tổng số lượng trên 20 tấn của gần 100 tổ chức, cá nhân. Các vụ vi phạm được xử lý và công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng. 6 tháng đầu năm, các ngành chức năng đã công khai 106 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP .
Cùng với đó, các ngành, địa phương còn tích cực xây dựng phát triển thương hiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn sản xuất trên địa bàn, nhân rộng các mô hình điểm về ATTP, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong 6 tháng, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Hạ Long với 4 người trong một gia đình mắc do ăn củ nần và 1 vụ ngộ độc do ăn so biển tại xã Cái Chiên, huyện Hải Hà khiến 1 người vong. Chính bởi vậy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức thực phẩm an toàn cho người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()