Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 20:19 (GMT +7)
Nơi người Việt cổ đã từng…
Thứ 3, 20/07/2021 | 10:29:14 [GMT +7] A A
Có người sinh sống ở Tiên Yên mấy chục năm mà cũng chưa nghe, chưa biết Hòn Ngò, chưa hiểu nơi đây là di chỉ khảo cổ quan trọng, có giá trị lịch sử - văn hoá ghi dấu quá trình mở đất dựng nghiệp của người Việt cổ trên vùng đất Đông Bắc tổ quốc.
Mới nghe nói thế, ai cũng nao lòng muốn tới xem sao. Vừa may, tôi được tham gia trại sáng tác Về miền di sản Hòn Ngò nên có cơ duyên khám phá đôi điều. Đến nơi mới biết, Hòn Ngò là một di chỉ còn gọi là Bờ Ngò, nằm trong vịnh biển dạng bãi triều tiếp giáp hai huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Con sông Hà Thanh (thuộc Tiên Yên) và Làng Ruộng (thuộc Đầm Hà) đổ ra biển không nhiều phù sa. Hòn Ngò cách trung tâm thị trấn Tiên Yên chục cây số theo đường chim bay trên tuyến Hạ Long – Móng Cái. Từ mép nước bến đò Danh đi thuyền máy là đến Hòn Ngò. Khu vịnh triều này hình tam giác, diện tích vài chục héc-ta với hơn một chục hòn đảo dạng bát úp nằm rải rác. Bao quanh bờ vịnh là núi đá xen lẫn đồi gò và các dải ruộng cao. Càng tiến sâu vào đất liền, đồi núi càng dày. Dân Đông Hải gọi dãy núi trấn giữ cả vùng phía bắc là Kinh Lợi.
Chị Vi Thị Tứ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Hải, cho biết: Di tích khảo cổ Hòn Ngò phát hiện lần đầu vào năm 1998. Căn cứ vào kết quả điều tra điền dã và nghiên cứu hiện vật được phát hiện, các nhà khoa học đã nhận định rằng, cách đây khoảng sáu ngàn năm, thuộc giai đoạn Trung kỳ và giai đoạn đầu Hậu kỳ đồ đá mới, cư dân núi Hứa mở rộng không gian sinh sống sang vùng Hòn Ngò. Lần đầu tiên, Hòn Ngò có dấu chân người ở đó. Nhóm người này cùng thời với những cư dân cư trú tại hang Soi Nhụ, hang Nhà Trò (Vân Đồn) và hang Tiên Ông (Hạ Long). Do vậy, yếu tố biển vẫn luôn chi phối, để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống vật chất và tinh thần của những cư dân Hòn Ngò.
Trước thời kỳ nước biển dâng, đất thôn Hà Tràng vùng cửa sông và bãi bồi rất thuận lợi cho người Việt cổ canh tác và đánh bắt hải sản. Quá trình sinh sống, người Việt cổ đã để lại các công cụ, đá nguyên liệu, gốm sứ… còn khá dày đặc trên bề mặt di tích Hòn Ngò. Cư dân Hòn Ngò phải dịch chuyển đến vùng đất khác sinh sống do nước biển dâng cao, làm ngập toàn bộ khu cư trú của người Việt cổ, làm chìm nhiều loại di vật dưới lớp bùn, tạo thành hiện trạng như ngày nay. Qua những thế kỷ giặc giã nổi dậy như ong, lại cách biệt với đất liền, giao thông vận chuyển khó khăn, núi Kinh Lợi trở thành nơi lánh nạn của những người âm mưu chống đối triều đình, quân khởi nghĩa, những người bị cường hào ác bá chèn ép cũng chạy đến tìm chỗ dung thân. Nghe mà mường tượng những ngày máu lửa gian nan ấy, người dân sống chết làm lụng sinh hoạt trong khó khăn khổ sở thế nào. Nhất là sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, người tìm ra đất Đông Hải sinh sống, trốn tránh nhiều hơn. Không ít người phải thay tên đổi họ để tránh sự lùng bắt truy sát của nhiều thế lực.
Chúng tôi tới di chỉ Hòn Ngò vào lúc 10 giờ. Nắng như tưới lửa xấp xỉ 40 độ những ngày giữa tháng sáu. Ông lái và vợ cặp díp hai cái đò nhỏ đưa chúng tôi từ bến đò Danh lên khu di chỉ. Ông vui tính, chuyện trò rôm rả.
- Được mấy chuyến rồi hả bác? Tôi hỏi thay cho lời chào.
- Làm gì có khách! Thuyền đậu đây, thấy báo có khách sang Hòn Ngò, tôi mới chờ! Thường ngày, đánh cá, bắt tôm…
Chung quanh tôi, thuyền mủng giăng hàng ngang theo bờ nước và đều không người. Một vùng sông thanh bình uốn lượn quanh rừng sú mắm. Những cây hàng trăm tuổi mà cao chưa vượt đầu người. Gốc xù xì những tầng hà chồng chất, chen chúc, trùm lấp. Thỉnh thoảng gặp những thân sú to đã chết nằm trắng ven bờ như những xác khủng long thời tiền sử hay xương ngựa thời chiến trận kinh hoàng với những tiếng người thét, tiếng ngựa hí, tiếng gươm khua…
Cái nắng kinh khủng nên người dân tránh nắng.
- Chiều tối họ mới ra, chuẩn bị đèn lưới rà bắt, giăng câu…
Qua lời người lái đò, rất nhiều chuyện hấp dẫn từ di chỉ khảo cổ này. Làng xưa còn lưu dấu xưa tên các hòn núi ngập mặn; người xưa còn lưu dấu những dụng cụ bằng đá. Cảnh sinh hoạt còn lưu trong ký ức những hòn Trâu, hòn Danh, hòn Ngò… Tôi đã nghĩ đến ngày, một mình lặn lội ra, tâm sự với ông lái, với trời đất sông nước Hòn Ngò. Không biết khoảng năm sáu ngàn năm trước, người Việt cổ ở đây sinh sống thế nào? Và những di tích còn lại đang kể gì với những người hôm nay?
Tôi đã hăm hở bước. Chân thụt trong bùn sú. Vỏ hà roàm roạp vỡ dưới chân. Nhờ TS Đào Xuân Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Chủ tịch Hội VHNT Tiên Yên và nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh đi bên, tôi cũng leo lên Hòn Ngò và trở về an toàn trong trưa nắng kinh hoàng giữa tháng 6/2021. Con đường không dài chỉ quãng 300m mà sỏi đá chênh vênh, bập bõm, chập chờn. Chiếc cầu bắc tạm bằng một thân gỗ cong queo có đường kính chưa đầy 15 phân và một thanh gỗ mảnh mai, chênh vênh, bập bênh, không thanh ngang cho người bấu víu.
Nước triều đã rút cạn làm trơ ra bờ bãi, những phiến đá hoang sơ liên kết nhau, kéo dài dọc đảo. Bước chân lên, vỏ hà dày đặc, chồng chéo, sắc lem lém. Trước mắt, Hòn Ngò chỉ là quả đồi rộng quãng 2ha nằm giữa bãi triều nông. Khi nước dâng, Hòn Ngò là đảo không người ở trong dãy đảo lập lờ ven bờ. Trên đồi trồng keo, dưới bãi là rừng ngập mặn. Vậy mà vào thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên, nơi đây là rừng đại ngàn. Những cây gỗ lim sến… hàng ba, bốn người ôm. Mấy người già kể, vào đời bốn vị vua đầu triều nhà Nguyễn, Hòn Ngò vẫn còn nhiều cây lớn. Trong rừng nhiều loài gỗ quý và cây dược liệu. Đến thời thuộc Pháp, việc khai thác thuộc địa cần nhiều gỗ để xây dựng công trình đô thị, dùng trong việc khai thác hầm mỏ, chống lò… Các rừng gần cửa sông, ven biển thuận lợi cho việc vận chuyển như Hòn Ngò bị tàn phá đến mực kiệt quệ, trống trơ. Về sau, việc phá rừng càng tăng với cấp độ cao hơn. Đến nửa cuối thế kỷ XX, Hòn Ngò thành đồi cỏ dại. Thời điểm hiện tại, đứng tại đây nhìn những dải đồi, thung núi nằm sâu trong đất liền đã bị tàn phá, cháy nham nhở như được quét tro than.
Tôi đứng trước bãi đá, lòng bồn chồn khắc khoải không yên khi nghe chuyện ông già kể. Quanh tôi, những mỏm đá đủ mọi hình thù nằm chen chúc. Kia là con cá sấu đang rình mồi. Đây là những chú thỏ ẩn mình sau mô đá. Những chú đại bàng chấp chới vỗ cánh trong trí tưởng tượng thoải mái… Đang cữ nước cạn. Đá nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, đợi người. Tránh hiện tượng chảy máu cổ vật do đào bới lung tung, nhiều nhà khảo cổ học đã tiến hành những đợt khai quật di chỉ Hòn Ngò. Đợt gần nhất diễn ra vào năm 2016, họ thu thập được các đồ đá gồm cả công cụ ghè đẽo và công cụ mài. Ngoài ra, còn có loại hiện vật không qua chế tác như: Hòn ghè, chày nghiền, đồ gốm tiền sử và đồ sành. Còn nhiều di vật ở Hòn Ngò đang bị vùi lấp sâu dưới lòng biển nên chưa được phát lộ, cần tiếp tục được nghiên cứu khoa học và nghiêm túc…
Tôi trở lại Bến Danh chuyến đò trước. Trong lúc chờ chuyến sau cập bến, tôi đứng trò chuyện với người dân Hà Tràng. Ông già đang hóng mát dưới rừng keo cho biết:
- Bờ Ngò là một đồi thấp trên bãi đá trũng ven biển thuộc địa phận thôn Hà Tràng, xã Đông Hải. Tôi là người dân ở đây từ bé, lớn lên với bờ bãi nên quen thuộc từng mom vụng, bến bãi. Sau mỗi trận mưa, nước chảy xé qua những hố khai quật hay những vết đào bới đánh bắt hải sản, những đồ cổ lại trật ra. Tôi thi thoảng tìm nhặt được là chuyện thường. Công cụ đồ đá ở đây khá giống nhau. Nhiều nhất là loại công cụ ghè đẽo hai mặt, có rìa nhọn cả hai đầu. Tôi đã từng mang vác chúng lên, đưa lên tận tay ông Hà - Giám đốc Bảo tàng tỉnh - những chiếc rìu hai vai. Ông Hà còn cảm ơn, mời tôi cùng đi ăn trưa. Giờ già rồi, tôi không còn sức ra nữa, mệt lắm. Hiện tại, Bảo tàng Quảng Ninh đang lưu giữ 27 tiêu bản rìu bôn sưu tầm và khai quật trên sườn đồi, bãi sú chân đồi Hòn Ngò như: mai lưỡi, rìu bôn có nấc vai, rìu bôn dạng tứ giác rất điển hình cho văn hóa Hạ Long.
Các mảnh gốm thu được từ mảnh vỡ đồ dùng sinh hoạt như: Vò, lọ, bát, chậu… có niên đại trên dưới năm ngàn năm. Ngoài di chỉ Hòn Ngò đã được phát hiện năm 1998, từ năm 2014 trở đi, các nhà khảo cổ phát hiện thêm các di tích khảo cổ hòn Kê Tâm, hòn Kênh Lợn, hòn Cái Đá, mom Mậu Khánh, mom Hội Phố (xã Đông Hải) và các di tích tiền sử thôn Cống To, thôn Mũi Chùa (xã Tiên Lãng), ngành Nu Bà (xã Hải Lạng).
Các đợt khai quật đã phát hiện trên một ngàn hiện vật, công cụ phục vụ cho đánh bắt thủy hải sản, săn bắn, trồng cấy, hái lượm… Những hòn đá cuội ghè đẽo, rìu đá tứ giác và cả đồ gốm có niên đại từ thế kỷ 13 đến 19 đã xác nhận các hiện vật này trải qua hai giai đoạn phát triển. Đó là khoảng 5.500 đến 6.000 năm và 4.500 năm đến 5.000 năm trước và sau trong giai đoạn văn hóa Hạ Long.
Công cụ đá ở Hòn Ngò về chất liệu, về hình dáng phù hợp với phương thức khai thác các loài nhuyễn thể biển và việc canh tác trồng trọt của người Việt xưa. Hòn Ngò là nơi cư trú của dân Việt cổ thuộc địa bàn huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thời đồ đá mới trên khu vực bãi triều nằm giữa hai nhánh sông Hà Thanh. Các nhà khảo cổ, các chuyên gia thu được gần một ngàn mẫu vật là đồ gốm, hơn hai trăm phế tích công cụ đồ đá có niên đại văn hóa tiền Hạ Long và văn hóa Hạ Long gồm các mảnh tước, công cụ mũi nhọn, công cụ hình chữ U, nạo đá, đục đá, phác vật công cụ đá…
Mai đây, Hòn Ngò sẽ thành điểm đến của người thích khám phá di tích, của những nhà ham mê chế tác, nghiên cứu đá, của người ham thích thiên nhiên hoang sơ và đông đảo nhất của những người ham thích khám phá cuộc sống vùng miền. Và làm thế nào để vùng đất này mãi mãi là một miền cổ tích tươi đẹp, không bị bàn tay con người hiện đại vô ý thức xâm phạm? Miền cổ tích ấy sẽ trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn và gọi mời bước chân du khách. Biết đâu rồi đây sẽ có nhiều tour du lịch đưa du khách theo bước chân người tiền sử trải nghiệm, khám phá Hòn Ngò. Tôi thầm nghĩ, họ có thể đến bất cứ lúc nào chứ không cần nước cạn. Vì thảnh thơi đi thuyền trên sông những đêm trăng thanh, những sáng mát lành và những chiều yên ả giữa mênh mông bãi sú mà hưởng không khí tươi ngời trong không gian yên tĩnh. Những con cáy, con còng sẽ phơi trắng bãi, những loài nhuyễn thễ tìm đến sinh trưởng dưới bùn… gọi những bầy chim xa về lại vùng biển này cũng là những trải nghiệm thư giãn không dễ quên.
Nắng đã làm chín ửng cả bắp tay. Không gian càng về trưa càng ngột ngạt. Tôi phải ghé vào nhà dân ở lẻ một khoảnh ven rừng xin nghỉ nhờ. Ông chủ nói cả nhà ăn cháo. Ăn suốt ngày. Không phải do khó khăn mà vì thời tiết, nóng bức thế này. Cháo ăn vừa mát vừa bảo đảm sức khỏe.
Sắp tới, làng xã có con đường cao tốc vắt qua, đứng giữa nơi đang thi công trong cái nắng cồn lên như lửa táp, chúng tôi tin rằng, chỉ mấy tháng nữa, con đường hoàn thành, nườm nượp người sẽ đổ về từ khắp nơi. Mọi sự sẽ đổi thay, Hòn Ngò sẽ đổi thay và tình yêu của chúng tôi với miền đất Tiên Yên, trong đó có Hòn Ngò chắc chắn vững bền mãi mãi…
Tiên Yên 21/6/2021
Bút ký của Trần Tâm
Liên kết website
Ý kiến ()