Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:57 (GMT +7)
Nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng
Thứ 5, 27/01/2022 | 13:53:51 [GMT +7] A A
Áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng là biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới, có nhiều ưu việt, đang được bà con nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp người nông dân giảm được chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Những năm gần đây, thương hiệu chè Hải Hà ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng, sản phẩm an toàn. Theo đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, người trồng chè Hải Hà đã tích cực áp dụng chương trình IPM trong sản xuất. Hiện nay, có 8 giống chè đang được trồng trên địa bàn là chè Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, Keo Am Tích, chè Cành, Long Vân, PH10, BT 95 và chè Trung du với tổng diện tích trồng trên 1.000 ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, Huyện Hải Hà đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn về IPM nhằm quản lý dịch hại trên cây trồng với các biện pháp, như: Chọn giống, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật và nhu cầu dinh dưỡng của cây qua từng giai đoạn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng trên toàn bộ diện tích trồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng, người trồng chè lâu năm tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà chia sẻ: Nhờ áp dụng IPM, năng suất chè của gia đình tôi tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây, với cùng diện tích đó, gia đình chỉ thu về khoảng 2 tạ chè tươi/lứa, thì bây giờ đã tăng lên hơn 2 tạ, đặc biệt là 100% sản phẩm chè đều đạt chất lượng tốt, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Còn tại TX Đông Triều, địa phương sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh với sản lượng lương thực chiếm 1/4 sản lượng lương thực toàn tỉnh, thời gian qua, thị xã đã tích cực áp dụng chương trình IPM trong sản xuất, đặc biệt là đối với cây lúa. Theo đó, cán bộ nông nghiệp thị xã và các xã, phường đã hướng dẫn nông dân ngay khi thu hoạch vụ trước dọn sạch tàn dư cây trồng, đồng thời cày lật đất sớm để tiêu diệt các loại sâu non trong gốc rạ, làm mất nơi cư trú của mầm mống sâu bệnh, cắt đứt vòng tuần hoàn từ vụ này sang vụ khác của sâu bệnh. Như tại phường Hưng Đạo, thực hiện mô hình IPM trên giống lúa vụ mùa 2021, có 50 hộ tham gia. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân gieo cấy cùng trà, cùng giống lúa và áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến và phòng trừ dịch hại theo IPM.
Bà Vũ Thị Kim Quyến, khu Mễ Xá 1, phường Hưng Đạo, 1 trong những hộ tham gia mô hình, cho biết: Qua áp dụng cho thấy, cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe, số hạt chắc/ bông cao hơn so với cách chăm sóc trước kia. Với mô hình này cũng giảm chi phí sản xuất, đặc biệt chỉ sử dụng 1 lần thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn mà năng suất cao hơn.
Tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 18 lớp huấn luyện IPM cho nông dân với 529 học viên tham gia, các địa phương đã xây dựng 20 mô hình IPM trên các giống cây trồng chủ đạo, như: Lúa, ngô, chè, cây ăn quả... Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chương trình IPM đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân, như: Giảm số lần phun thuốc trên cây trồng từ 1-2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (tiết kiệm tiền thuốc BVTV và công phun thuốc từ 150.000-170.000 đồng/sào/vụ, tương đương 4,1-4,7 triệu/ha/vụ). Mặt khác, năng suất cây trồng tăng trung bình 10% so với diện tích không thực hiện chương trình IPM; giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường sống, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc đào tạo nguồn giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Qua đó, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình IPM theo tiêu chí của tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()