Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 08:17 (GMT +7)
Nông thôn mới trên xã đảo Ngọc Vừng
Chủ nhật, 21/09/2014 | 16:17:25 [GMT +7] A A
Trong chuyến ra thăm xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) mới đây, thật thú vị khi trong đoàn chúng tôi có bà Nguyễn Thị Hồng Cường, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Vốn là một cán bộ tỉnh từng nhiều lần về đây công tác khi còn đương chức, bà Cường có vẻ rất xúc động trước sự đổi thay của xã đảo Ngọc Vừng. Bà bảo: “Trước đây, Ngọc Vừng rất nghèo, cơ sở hạ tầng, bến cảng, đường sá đều nhỏ hẹp. Kinh tế ít được đầu tư, manh mún và tự phát. Tôi nhớ, mới ngày nào, khi đã nghỉ hưu rồi, tôi ra thăm Ngọc Vừng còn thấy đường đất lầy lội, khó đi vô cùng. Vậy mà hôm nay Ngọc Vừng đã có sự phát triển rất đáng kể, cơ sở hạ tầng khang trang hơn rất nhiều…”.
Bộ đội đảo Ngọc Vừng cùng với thanh niên địa phương tham gia làm sạch vệ sinh môi trường. |
Quả đúng như vậy, chỉ cần đặt chân lên đảo đã có thể cảm nhận được sự sầm uất của xã đảo tiền tiêu này. Con đường bê tông thông thoáng dài gần 7 cây số đưa chúng tôi từ cảng vào trung tâm xã đảo. Và càng thú vị hơn khi được ngồi trên chiếc xe khách loại 24 chỗ, rất đẹp, chạy bon bon. Chị Nguyễn Thị Hồng Thư, Chủ tịch UBND xã, khoe rằng đây là món quà mà Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tặng cho xã đảo...
Trên đường từ cảng tàu về trụ sở xã, đập vào mắt chúng tôi là những công trình mới được xây dựng như: Trường PTCS, trường mầm non v.v.. Chị Thư còn kể cho nghe nhiều những công trình mới mọc lên nữa, như con đường bê tông thôn Ngọc Hải, đường nội đồng khu vực Ma Bắn, khu vực Cây Chè, công trình nước sạch giai đoạn II, đê ngăn mặn Cái Tặc v.v.. Chưa kể nhiều ngôi nhà cao tầng của dân còn thơm mùi sơn, hoà cùng sắc xanh cây cỏ mây trời. Ngọc Vừng như một bức tranh với những sắc màu thật tươi đẹp. Tôi nhớ ai đó từng ví Ngọc Vừng đẹp như một tấm khăn choàng nhung, có nhiều đường diềm sáng nổi bồng bềnh trên mặt nước. Quả là không sai.
Xe dừng lại ở trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã, chúng tôi ai cũng trầm trồ khi thấy ngoài đảo mà đường sá và trụ sở lại khang trang đến thế. Nhưng cũng vừa lúc đó thì mất điện. Chị Thư bảo, ở đây điện máy phát chủ yếu chỉ có trong mấy tiếng buổi tối. Chi phí lại rất cao. Có một số hộ cơ quan, đơn vị nhà dân có sử dụng hệ thống điện mặt trời nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết…
Vậy nên, khi dự án đưa điện lưới quốc gia đến các xã đảo ở Vân Đồn, trong đó có Ngọc Vừng, đang được thực hiện, bà con trên đảo vui mừng khôn xiết. Theo dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành đóng điện trước Tết Ất Mùi 2015. Cái cảnh điện mặt trời, điện ắc quy, điện máy nổ tậm tịt… rồi đây sẽ chỉ còn là ký ức với dân đảo. Mùa xuân tới, Ngọc Vừng sẽ bừng sáng dòng điện lưới quốc gia…
Sự thay đổi ở Ngọc Vừng chính là bởi xã đã biết cách phát huy tốt thế mạnh vốn có, nhất là nuôi trồng thuỷ hải sản. Chị Nguyễn Thị Hồng Thư nói: “-Chúng tôi đang tập trung cho các hộ dân đầu tư vào nuôi trồng các loại nhuyễn thể như: Ốc, tu hài, hầu biển và cá song. Vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ, hải sản tập trung ở các thôn: Ngọc Lam, Bình Minh, Ngọc Hải. Số lượng hộ tham gia nuôi trồng cũng tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2004, xã chỉ có 14 hộ nuôi thí điểm thì 10 năm sau, con số này đã tăng gấp hàng chục lần. Cụ thể, hết năm 2013, toàn xã đã có hơn 120 hộ nuôi trồng, với diện tích trên 200ha mặt nước, trong đó, có hơn 100 hộ nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 1.000 tấn vượt mức năm 2012 gần 30%. Nuôi trồng thuỷ sản đã đem lại lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng một năm cho mỗi hộ, tăng thêm khoảng 10 triệu đồng so với thu nhập bình quân một năm trước đó...”.
Về nông nghiệp, tuy diện tích đất sản xuất không nhiều nhưng sản lượng lương thực của xã đảo năm 2013 cũng đạt trên 100 tấn. Ngọc Vừng có thế mạnh trồng củ kiệu. Cây kiệu đem lại sản lượng khoảng 500 tấn một năm cho xã đảo. Củ kiệu có năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường phía Nam rất ưa chuộng. Tuy nhiên, Ngọc Vừng đang rất cần một nhà máy sơ chế củ kiệu để đưa cây này thành thương hiệu riêng có của xã đảo. Ngoài ra, xã đảo còn tập trung trồng cây khoai lang tím bản địa, na dai v.v..
Ngọc Vừng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, với nhiều điểm tham quan như: Cột cờ quốc gia, trận địa pháo 12 ly 7, bãi biển Trường Chinh, rừng phi lao ven biển v.v.. Do vậy, trước mắt, du lịch cộng đồng sẽ là hướng đi đúng đắn đối với xã đảo Ngọc Vừng. Về du lịch cao cấp, cơ sở hạ tầng du lịch ở Ngọc Vừng đang có những thay đổi lớn. Khu vực cảng tàu du lịch Cống Yên đã hoạt động tốt. Một số hạng mục của Khu đô thị du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng đã bước đầu đem lại hiệu quả. Có lẽ chẳng bao lâu nữa Ngọc Vừng sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái nhộn nhịp bước chân du khách...
Nhờ những chuyển biến về kinh tế, đời sống nhân dân trên đảo đang được cải thiện từng ngày. Đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,8%, giảm 1,36% so với năm trước. Công tác y tế cũng được đảm bảo hơn. Toàn bộ 4 thôn của xã đảo đều được tổ chức các đợt thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Số trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm rất nhiều, theo thống kê của cơ quan y tế, nay cả xã chỉ còn 2 em. Tất cả 45 trẻ dưới 36 tháng tuổi đều được uống Vitamin A, được tiêm đủ 6 mũi vacxin. Cùng với đó, sự nghiệp giáo dục cũng đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Số học sinh giỏi các cấp đạt tỷ lệ trên 23%, học sinh tiên tiến gần 30%. Đặc biệt, lần đầu tiên ở xã có học sinh giỏi cấp tỉnh…
Tính đến cuối năm 2013, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Ngọc Vừng đã hoàn thành 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Và hiện tại xã đang phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm nay.
Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()