Đại diện Worldcoin cho biết đã dừng dịch vụ xác minh ở Kenya với lý do "thận trọng và giảm thiểu đám đông". Công ty sẽ dành thời gian này để làm việc với các quan chức địa phương nhằm "tăng cường hiểu biết về các biện pháp bảo mật và các cam kết mà Worldcoin thực hiện".
"Dự án dành cho mọi nơi trên thế giới chấp nhận chúng tôi", Ricardo Macieira, Giám đốc phụ trách châu Âu của Tools for Humanity - công ty đứng sau Worldcoin, nói với Reuters. Ông cho biết sẵn sàng xây dựng hạ tầng xác thực tương tự đối với bất kỳ quốc gia nào cần hỗ trợ.
Kenya là một trong hơn 20 quốc gia đầu tiên Worldcoin được triển khai hơn hai năm qua. Có 18 máy quét mống mắt, gọi là Orb, có mặt tại đây và hơn 350.000 người đã chấp nhận quét để nhận về 25 WLD miễn phí. WLD là tiền số của dự án, hiện có giá hơn 2 USD mỗi đồng.
Ra mắt ngày 24/7, dự án Worldcoin của Altman, CEO OpenAI - công ty đứng sau ChatGPT, có trọng tâm là hộ chiếu số World ID để chứng minh một cá nhân là người thật, không phải bot. Để được cấp World ID, người dùng cần quét võng mạc bằng Orb. Sau đó AI sẽ phân tích dữ liệu và xác minh đây là người thật. Dữ liệu sẽ được đưa lên blockchain để chủ nhân lưu trữ và sử dụng để xác thực cho các dịch vụ trong tương lai. Worldcoin tuyên bố không lưu trữ bất kỳ dữ liệu sinh trắc học nào khi dự án hoàn tất.
Dự án Worldcoin hiện nhận sự quan tâm lớn, nhưng một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, trong đó có nhà đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin. Ông đã chỉ ra bốn vấn đề lớn hệ thống xác thực người dùng PoP phải đối mặt là quyền riêng tư, khả năng truy cập, tập trung hóa và bảo mật.
"Không có hình thức lý tưởng để chứng minh tư cách con người", Buterin nói. Tuy nhiên, ông đánh giá Worldcoin đạt được nhiều bước tiến trong việc kết hợp phần cứng với những công nghệ mới để cho ra phương thức xác thực an toàn, đề cao quyền riêng tư.
Trong khi đó, nhóm chiến dịch bảo mật Big Brother Watch cảnh báo, các dữ liệu được thu thập có nguy cơ bị tấn công hoặc lợi dụng để khai thác cho mục đích riêng. Worldcoin cũng đang vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý và cơ quan quản lý dữ liệu của Anh.
Theo Recfaces, công nghệ quét mống mắt lần đầu được phát triển bởi bác sĩ nhãn khoa Frank Burch, sau đó được phổ biến thông qua các ứng dụng bảo mật như xác thực võng mạc để bảo mật trên smartphone. Theo lý thuyết xác suất, trong lịch sử nhân loại, chưa từng phát hiện trường hợp hai người có mống mắt giống nhau, ngay cả với cặp song sinh. Các nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu cho thấy võng mạc của con người có thể thay đổi theo thời gian trong khi mống mắt thì không.
Ý kiến ()