Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:19 (GMT +7)
Nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ 4, 22/11/2023 | 13:43:59 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp đã định hướng người dân nuôi theo quy trình 3 giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề về quản lý môi trường ao nuôi, giảm chi phí thức ăn, chế phẩm vi sinh và dịch bệnh cho tôm.
Theo quy trình, tôm được bố trí nuôi trong hệ thống bể xi măng (hoặc bể bạt) trong nhà có mái che kín để hạn chế thấp nhất tác động của thời tiết. Tôm giống trải qua 3 giai đoạn ương, mỗi giai đoạn từ 25-30 ngày với mật độ trung bình từ 2.000 con/m2 (cỡ 1.000-2.000 con/kg) đến 600 con/m2 (cỡ 600-800 con/kg) và cuối cùng ở mức 250 con/m2 (cỡ 300-400 con/kg).
Hiện Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tiến hành khảo sát thực tế tại khu Thống Nhất, phường Tân An (TX Quảng Yên) để lựa chọn địa điểm, hộ thực hiện mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ tháng 7/2023, đã có 2 hộ nuôi áp dụng phương pháp này với tổng diện tích 5.500m2.
Qua theo dõi thực tế các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của tôm trong mô hình cho thấy, đàn tôm lớn đồng đều, sinh trưởng phát triển khỏe và nhanh hơn 15-20% so với cách nuôi thông thường. Sau 97 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng 22g/con, tỷ lệ sống đạt 76%; sản lượng đạt 18.600 kg/5.500m2; năng suất đạt 33.800kg/ha, chất lượng tôm thương phẩm cao. Anh Ngô Doãn Chiên (khu Thống Nhất) cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình theo công nghệ dùng vi sinh, ít thay nước, ít tác động đến môi trường bên ngoài, tận dụng tối đa dinh dưỡng từ thức ăn, tôm sinh trưởng phát triển tốt, sản phẩm tôm thịt không chứa chất kháng sinh, hóa chất độc hại. Nhờ vậy, đã giúp chúng tôi quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn, nhất là chất thải và khí độc, từ đó giảm thiểu dịch bệnh cho tôm. Ngoài ra, chi phí thức ăn, chế phẩm vi sinh, khoáng và hóa chất xử lý nước giảm 1/3 đến 1/2 so với cách nuôi truyền thống.
Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, đây là một quy trình công nghệ mới đang được áp dụng có hiệu quả rất cao tại các tỉnh phía Nam. Hiện đã có một số đơn vị triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, tuy nhiên người nuôi tôm vẫn cần chú ý đến các yếu tố về dịch bệnh tôm và thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sự quản lý các yếu tố môi trường trong ao và các biện pháp phòng trị bệnh cho tôm. Đồng thời, chủ động ghi chép nhật ký nuôi tôm để theo dõi tăng trưởng và dịch bệnh trên tôm.
Để phát triển việc nuôi tôm thẻ chân trắng, Sở NN&PTNT đã xây dựng, ban hành lịch thời vụ, giới thiệu các cơ sở giống uy tín, chất lượng trong và ngoài tỉnh để phục vụ nhu cầu của người nuôi. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi có dịch bệnh tôm xảy ra nên đã hạn chế được các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Công tác kiểm dịch giống được tăng cường, mạng lưới dịch vụ cung cấp giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, các hoá chất và chế phẩm sinh học tiếp tục được phát triển rộng trên toàn địa bàn tỉnh. Người nuôi tôm cũng thường xuyên được cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật nâng cao trình độ, kinh nghiệm... Từ đó, nhiều tổ chức, hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng ao đầm nuôi làm diện tích nuôi thâm canh của tỉnh ngày càng được mở rộng. Việc tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật, lịch thời vụ, kiểm dịch con giống được người dân ý thức và áp dụng vào thực tế sản xuất có hiệu quả.
Hiện trong tỉnh có khoảng 7.500ha nuôi tôm nước lợ, chiếm 23% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 4.700ha với phương thức thâm canh là chính và một số ít bán thâm canh. Năng suất tôm thẻ chân trắng trung bình ước đạt 3,47 tấn/ha, trong khi nuôi tôm sú chỉ đạt khoảng 0,24 tấn/ha.
Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở chỉ đạo các địa phương thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nông dân tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Sở cũng tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan chuyên môn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới ứng dụng vào trong sản xuất, cũng như định hướng theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất,... cho người nuôi tôm. Đồng thời, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản tập trung để quản lý, chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cũng như làm đại diện trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất.
Đối với người nuôi tôm cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với nuôi tôm tập trung, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm có tính chất hàng hóa với số lượng lớn, chất lượng ổn định…; chủ động để mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()